Cả 2 ngôi trường được nhắc tên trong câu chuyện trao đổi của một số phụ huynh và được chia sẻ trên mạng xã hội đều khẳng định không hề có trường hợp nào như các phụ huynh phản ánh.

Vụ 'ép học sinh yếu kém không thi vào lớp 10': Phụ huynh lên tiếng, phòng GD-ĐT nói gì?

Dạ Thảo - Ảnh: Thành Chung | 21/04/2022, 14:31

Cả 2 ngôi trường được nhắc tên trong câu chuyện trao đổi của một số phụ huynh và được chia sẻ trên mạng xã hội đều khẳng định không hề có trường hợp nào như các phụ huynh phản ánh.

Phòng Giáo dục quận phản hồi

Việc phụ huynh trong một nhóm cha mẹ học sinh có con đang học ở Hà Nội trao đổi qua lại về việc nhà trường yêu cầu những học sinh lớp 9 có học lực không tốt phải chuyển trường (qua các trường tư) hoặc làm cam kết không thi vào lớp 10 THPT đã trở thành câu chuyện lan truyền mạnh trên mạng xã hội trong mấy ngày qua.

chupmanhinh.jpg
Đoạn chat giữa các phụ huynh này được chụp lại và đăng tải lên mạng xã hội khiến dư luận bức xúc dù thực hư câu chuyện chưa được kiểm chứng - Ảnh chụp màn hình/TN

Liên quan đến sự việc này, Sở GD-ĐT Hà Nội và Bộ GD-ĐT đã nhanh chóng vào cuộc và đã có chỉ đạo yêu cầu Trưởng phòng GD-ĐT các quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố xác minh, làm rõ thông tin, xử lý nghiêm các vi phạm nêu trên (nếu có) và báo cáo về Sở và Bộ GD-ĐT.

Phòng GD-ĐT quận Cầu Giấy đã làm việc với 2 trường được nhắc đến trong câu chuyện trên, đó là trường THCS Dịch Vọng và THCS Nghĩa Tân để xác minh thông tin nêu trên. Qua xác minh ban đầu, Phòng GD-ĐT quận Cầu Giấy cho biết, các học sinh chuyển trường đều theo nguyện vọng của phụ huynh do chuyển nơi cư trú, trong số các học sinh chuyển trường có cả những học sinh xếp loại học lực giỏi. Phía Phòng đã gọi điện để xác minh với một số phụ huynh học sinh, kết quả các phụ huynh đều khẳng định không có trường hợp nhà trường ép buộc chuyển trường.

Phòng GD-ĐT quán triệt các nhà trường nâng cao chất lượng, đặt quyền lợi học sinh lên trên hết, không để xảy ra ép buộc học sinh lực học yếu, trung bình ra trường ngoài công lập. “Ngày 18.4, tại công văn của phòng gửi các trường nhấn mạnh tuyệt đối không ép học sinh, có biện pháp học sinh chuyển trường ra ngoài dân lập. Trường nào để xảy ra thì hiệu trưởng chịu trách nhiệm. Sau đó, các trường quán triệt tinh thần, nhất là giáo viên chủ nhiệm. Quận cũng có buổi làm việc trực tiếp với nhà trường và có chung kết quả là không có chuyện nhà trường ép các học sinh không đăng ký thi vào lớp 10 công lập" - ông Đoàn Tiến Trung, Phó trưởng phòng GD-ĐT quận Cầu Giấy cho hay.

Lãnh đạo Phòng GD-ĐT quận Cầu Giấy cho biết, năm 2021, 2022 đều là những năm học chưa từng có, học sinh trải qua 3 năm (từ lớp 7 đến lớp 9) phải học online, áp lực cho học sinh rất lớn, sau 1 thời gian học trực tuyến gây khó khăn cho học sinh về kiến thức, đặc điểm tâm sinh lý… “Trường THCS Dịch Vọng có những bài kiểm tra rà soát kiến thức, 1 thời gian dài học online, kết quả chưa phần nào phản ánh lực học của học sinh, nhất là kĩ năng. Sau đó, phân loại và tư vấn tâm lý học sinh để thích ứng trạng thái học tập, tư vấn sức khỏe với phụ huynh về biện pháp học tập để có phối hợp để đáp ứng nhu cầu phụ huynh học sinh. Các buổi tư vấn như vậy, trường tổ chức 1 số buổi và các buổi đều có trong lịch làm việc, có biên bản, 1 số lớp thì có tham gia đại diện ban giám hiệu nhà trường. Kiểm tra chéo phụ huynh thì không có nội dung ép học sinh ra ngoài trường công lập, bổ túc hoặc không thi vào lớp 10”, ông Trung nói. 

Ông Trung cũng cho biết thêm rằng, hiện nay tỉ lệ học sinh đỗ lớp 10 không phải tiêu chí đánh giá thi đua các trường: “Không đánh giá thi đua các nhà trường dựa trên tỉ lệ học sinh đỗ vào lớp 10, nên càng không có chuyện ép buộc đó” - phòng GD-ĐT Cầu Giấy thông tin.

cham_thi_sl-1-.jpg
Vụ 'ép học sinh yếu kém không thi lớp 10': Lãnh đạo TP Hà Nội yêu cầu xác minh làm rõ

Phụ huynh lên tiếng

Chia sẻ riêng với phóng viên Một Thế Giới, chị Quách Hiệu (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, gia đình chị chính là một trong những "nạn nhân" của 1 trong 2 trường được nhắc tên kia. "Con tôi học từ lớp 6 tới lớp 8 khá bình thường, cháu học bình thường nhưng có điểm yếu là lười viết. Đến các môn học xã hội cháu không chịu ghi bài mà chỉ ghi theo nội dung mình đọc hiểu, chỉ có các môn tự nhiên cháu thích học thôi. Tôi đã được cô giáo gọi đến họp riêng và khuyên gia đình nên chuyển cháu sang học trường khác. Mặc dù tôi đã cố gắng xin cho cháu học tiếp vì chỉ còn 2 năm nữa là cháu lên cấp 3. Nhưng cô giáo cháu bảo năm lớp 7 cháu đã phải thi lại mới lên được lớp, vậy sang năm lớp 8 này thì cần chuyển đi, may ra còn có cơ hội đi thi vào lớp 10. Nếu không chuyển đi thì nhà trường sẽ để đúng số điểm của cháu khi học các môn xã hội và sẽ học lại lớp 8. Tôi đành chấp nhận chuyển trường cho con. Nhưng tôi hạnh phúc vì quyết định đó vì đến giờ khi trải qua cú sốc chuyển trường, con trai tôi lại học khá nhất trường khi sang trường mới. Có thể cháu đã hiểu hơn được giá trị của mình khi đi học".

Cùng chung cảm giác như chị Quách Hiệu, chị Đào Thùy Tr. (Ba Đình, Hà Nội) cho biết gia đình chị cũng phải chấp nhận chuyển con trai mình sang học một trường cấp 2 khác xa nhà hơn 10km ngay khi con học lớp 9. "Trước khi vào học lớp 9, nhà trường Phan Đình Ph. cũng đã gọi gia đình tôi lên báo là con học kém, cần chuyển trường đi chứ không sẽ phải ở lại lớp. Trước năm học lớp 9, chỉ còn nửa tháng nữa là vào năm học mới, nhà tôi cũng vội vã nhờ mọi người xin cho cháu vào trường ở khu vực ngoại thành, để cháu tiếp tục học lớp 9 rồi tính tiếp".

Cũng trao đổi với báo chí trước đó, Phó hiệu trưởng một trường THCS ở Hà Nội bày tỏ từng cắn rứt lương tâm sau mỗi cuộc "vận động" với cha mẹ học sinh. Người này cho biết sau mỗi đợt thi vào lớp 10, điểm của học sinh từng trường lại cộng lại, chia trung bình cho tổng số học sinh dự thi của trường. Phòng GD-ĐT xếp hạng trường theo từng môn. Thứ hạng thấp ảnh hưởng đến thành tích của trường và Ban giám hiệu.

Vì thành tích, trường phải cố vận động học sinh kém, chắc chắn trượt không nên thi. Học sinh thuộc diện “vận động không thi”, một số em không đủ điều kiện tốt nghiệp nếu xét công bằng. Do đó, trường linh động để các em tốt nghiệp với điều kiện cam kết không thi vào lớp 10. “Một số học sinh chắc chắn trượt nếu thi, kể cả đăng ký vào trường lấy điểm chuẩn rất thấp. Vì thế, trường vận động các em không thi, theo học trường nghề”.  Nhưng cũng có một số học sinh “chênh vênh”, đủ điều kiện tốt nghiệp nhưng nguy cơ trượt lớp 10 đến 70-80%, điểm thi thấp, trường cũng vận động. Tuy nhiên, cô phủ nhận tình trạng vận động cả học sinh khá không thi vào lớp 10 như một số phụ huynh phản ánh trên mạng xã hội. Cô cho hay, với trường hợp này, vận động phụ huynh không cho con thi còn khó hơn việc cố gắng dạy để học sinh trúng tuyển.

Vị Phó hiệu trưởng này cũng chia sẻ thêm, thông tin nhà trường nói "nếu phụ huynh không đồng ý ký vào biên bản cho học sinh không thi vào lớp 10 thì sẽ không xét tốt nghiệp lớp 9" thực chất chỉ là dọa nạt cho người không biết. Bởi lẽ nếu một học sinh không được xét tốt nghiệp lớp 9, nhà trường phải làm giải trình khá phức tạp với phòng GD-ĐT và Sở. Nên thà chấp nhận để học sinh đó "liều mình thi", kéo tụt thành tích của trường xuống còn hơn nhà trường phải đi giải trình. Tuy nhiên vẫn có trường hợp có em "liều thi" và vẫn đỗ vào một trường công lập tại Hà Nội, nhưng trường hợp đó rất hiếm. Vì vậy đa số trường chỉ vận động đối với những học sinh học yếu kém thật sự đang học tại trường.

Hà Nội yêu cầu xử lý nghiêm vụ việc 'ép' học sinh lớp 9 không được thi tốt nghiệp

Bộ GD-ĐT lên tiếng về việc học sinh có học lực yếu bị nhà trường ép không được thi tốt nghiệp

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Điểm mới của lễ trao Giải thưởng Sách quốc gia lần thứ 7
một giờ trước Văn hóa
Ngày 22.11, Ban tổ chức Giải thưởng Sách quốc gia lần thứ 7 tổ chức họp báo thông tin về lễ trao giải sẽ diễn ra vào ngày 29.11 tại Nhà hát lớn Hà Nội.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Vụ 'ép học sinh yếu kém không thi vào lớp 10': Phụ huynh lên tiếng, phòng GD-ĐT nói gì?