Bước vào năm 2024, nhất là sau kỳ nghỉ Tết Giáp Thìn 2024, hàng loạt doanh nghiệp tung chiêu để tuyển người, nhưng mỏi mắt vẫn không tìm đâu ra đủ người.
Sự kiện

TP.HCM: Lao động thất nghiệp nhiều, nhưng doanh nghiệp mỏi mắt tìm người

Hồ Quang 18:26 14/03/2024

Bước vào năm 2024, nhất là sau kỳ nghỉ Tết Giáp Thìn 2024, hàng loạt doanh nghiệp tung chiêu để tuyển người, nhưng mỏi mắt vẫn không tìm đâu ra đủ người.

Từ giữa và cuối năm 2023, hàng loạt doanh nghiệp trên địa bàn TP.HCM bị cắt giảm đơn hàng nên đã cắt giảm lao động, khiến cả trăm nghìn lao động trên địa bàn TP bị mất việc làm.

Theo Sở lao động thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) TP.HCM, trong năm 2023 vừa qua, TP đã ban hành 163.691 quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp.

tphcm-lao-dong-that-nghiep-nhieu-nhung-doanh-nghiep-moi-mat-tim-nguoi-hinh-anh.jpg
Nhiều doanh nghiệp tại TP.HCM đang "khát" lao động, nhưng không tim đâu ra đủ người - Ảnh: PV

Tuy nhiên, điều đáng nói sau Tết Giáp Thìn 2024, các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lao động để bổ sung vào lực lượng lao động đã nghỉ việc để tìm kiếm cơ hội việc làm tốt hơn, hoặc tăng quy mô lao động để mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh nhưng lại gặp khó khăn trong việc tuyển dụng, nhiều doanh nghiệp “đỏ mắt” không tìm đâu ra đủ số lao động mình cần.

Sở LĐ-TB-XH TP.HCM cho biết qua khảo sát tại 300 doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn TP, tỉ lệ doanh nghiệp gặp khó khăn trong công tác tuyển dụng chiếm 18,67%.

Vì đâu có sự nghịch lý trên? Theo lý giải Sở LĐ-TB-XH những khó khăn doanh nghiệp gặp phải trong công tác tuyển dụng, gồm: lao động không đáp ứng các yêu cầu của doanh nghiệp chiếm 68,66% tổng số lượt bình chọn; tiền lương, tiền thưởng thấp chiếm 20,9% lượt bình chọn; điều kiện làm việc (môi trường, an toàn lao động, chế độ quản lý...) chiếm 5,97% lượt bình chọn và các lý do khác chiếm 4,48% lượt.

Mặt khác, đại diện Sở LĐ-TB-XH nhận định, việc các doanh nghiệp không tuyển được lao động có thể do người lao động luôn quan tâm đến tiền lương, thời giờ làm việc, chế độ phúc lợi; đồng thời có nhiều sự lựa chọn để thay đổi môi trường làm việc; một số lao động có sự dịch chuyển việc làm từ khu vực chính thức sang khu vực phi chính thức tạm thời, vì vậy chưa quan tâm đến nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp.

Đối với người lao động ở các tỉnh đến TP.HCM làm việc có thể lựa chọn công việc tại TP hoặc quay về quê và làm việc gần nhà do hiện nay các địa phương trong cả nước đều có các khu công nghiệp, khu kinh tế thu hút doanh nghiệp đến đầu tư và hoạt động ở một số lĩnh vực tương tự TP.

Trước tình hình trên, Sở LĐ-TB-XH cho biết đã chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm TP tổ chức các hoạt động kết nối việc làm cho người lao động, trong đó triển khai mô hình thông tin, tư vấn giới thiệu việc làm ngay tại các bến xe, nhà ga trên địa bàn TP vào thời điểm sau Tết Nguyên đán cho người lao động từ các tỉnh đến TP tìm kiếm việc làm; tiếp tục tổ chức các phiên, sàn giao dịch việc làm trực tiếp và trực tuyến, tạo điều kiện để doanh nghiệp và người lao động tìm hiểu, trao đổi và thỏa thuận trước khi quyết định vào làm việc.

Ngoài ra, Sở LĐ-TB-XH cũng đề nghị các doanh nghiệp quan tâm đến chế độ tiền lương, thưởng, phúc lợi để thu hút người lao động khi doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lao động, nhất là các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển số lượng lao động lớn.

Đối với những doanh nghiệp có các chính sách đãi ngộ tốt, nhiều cơ hội phát triển, môi trường làm việc an toàn thì việc tuyển dụng lao động sẽ thuận lợi hơn, đồng thời chính người lao động của doanh nghiệp sẽ làm cầu nối để giới thiệu người thân, bạn bè vào làm việc khi doanh nghiệp có nhu cầu tuyển lao động.

Theo một số chuyên gia, việc đẩy mạnh kết nối cung - cầu lao động được xác định là biện pháp then chốt trong vấn đề giải quyết việc làm. Do vậy, để doanh nghiệp và người lao động dễ dàng gặp nhau cần phải tổ chức các phiên, sàn giao dịch việc làm, đưa việc làm đến với người lao động tại các địa phương; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, truyền thông đến người sử dụng lao động, người lao động các chính sách hỗ trợ của nhà nước về đào tạo, đào tạo nâng cao tay nghề đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng trước những thay đổi của công nghệ, nâng cao năng suất lao động, kỹ năng nghề nghiệp.

Đồng thời, các ngành chức năng có liên quan đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu thị trường lao động, và yêu cầu chuyển dịch cơ cấu kinh tế của TP; tập trung đẩy mạnh đào tạo nhân lực trình độ cao, theo hướng hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, cung cấp nguồn nhân lực sau đào tạo có chất lượng, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội.

Bài liên quan
TP.HCM: Tỷ lệ thiếu hụt lao động sau Tết dưới 3%
Tỷ lệ thiếu hụt lao động sau Tết tập trung trong các ngành có sử dụng nhiều lao động như dệt may, da giày, điện - điện tử, kinh doanh bảo hiểm - tài chính...

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Khánh thành và khai thác cao tốc Cam Lâm – Vĩnh Hảo, Diễn Châu – Bãi Vọt
Chiều 28.4, Bộ Giao thông Vận tải phối hợp với UBND các tỉnh Ninh Thuận, Nghệ An, Hà Tĩnh tổ chức lễ khánh thành Dự án đường bộ cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo và thông xe đưa vào khai thác dự án cao tốc Diễn Châu - Bãi Vọt.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
TP.HCM: Lao động thất nghiệp nhiều, nhưng doanh nghiệp mỏi mắt tìm người