Khu đô thị sáng tạo, tương tác cao phía đông sẽ là khu vực dẫn dắt kinh tế TP.HCM và vùng TP.HCM trong các hoạt động kinh tế tri thức như đào tạo, nghiên cứu và sản xuất công nghệ cao.
Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong vừa có quyết định ban hành kế hoạch hành động về xây dựng khu đô thị sáng tạo, tương tác cao phía đông thành phố.
Theo đó, mục đích xây dựng kế hoạch hành động nhằm xây dựng và phát triển khu vực phía đông TP.HCM (Quận 2, 9 và Thủ Đức) thành khu đô thị sáng tạo, tương tác cao phía đông. Đây là khu vực dẫn dắt kinh tế TP.HCM và vùng TP.HCM trong các hoạt động kinh tế tri thức như đào tạo, nghiên cứu và sản xuất công nghệ cao.
Để thực hiện được mục đích trên, UBND TP.HCM đã đưa ra 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp. Cụ thể, đối với công tác về quy hoạch phát triển đô thị, trên nền tảng cuộc thi quốc tế “ý tưởng quy hoạch phát triển khu đô thị sáng tạo, tương tác cao phía đông”, thành phố sẽ tổ chức nghiên cứu lập và phê duyệt quy hoạch tổng thể khu vực 3 quận; các quy hoạch phân khu, điều chỉnh quy hoạch phân khu hoặc quy hoạch chi tiết các trung tâm đổi mới sáng tạo, các khu vực phát triển trọng điểm.
Thành phố cũng nghiên cứu để ban hành các quy định quản lý và hướng dẫn thực thi trên nhiều lĩnh vực liên quan đô thị để kiến tạo thành công một đô thị sáng tạo, tương tác cao. Kết quả nghiên cứu sẽ được tổ chức lấy ý kiến rộng rãi của người dân thành phố để phục vụ công tác chỉ đạo điều hành của UBND TP.HCM và ứng dụng trong quá trình lập các đồ án quy hoạch.
Cạnh đó, TP.HCM sẽ xây dựng các tiêu chuẩn, tiêu chí thiết kế hạ tầng kỹ thuật thông minh, hạ tầng xã hội tiên tiến, thiết kế công trình thân thiện môi trường, đánh giá chất lượng các đồ án quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 và thiết kế công trình, quản lý sử dụng công trình trong khu đô thị sáng tạo phía đông.
Về công tác quản lý phát triển, thành phố nghiên cứu các giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin để phục vụ xây dựng chính quyền điện tử, phát triển đô thị thông minh phù hợp với kiến trúc chính quyền điện tử TP.HCM và đề án xây dựng TP.HCM trở thành đô thị thông minh. Song song đó là xây dựng và phát triển hệ thống cơ sở dữ liệu đô thị tập trung trên nền tảng GIS dùng chung để quản lý các nguồn lực đất đai, tài nguyên môi trường và cơ sở hạ tầng trên địa bàn 3 quận. Thành phố sẽ ưu tiên thực hiện trước việc thống kê hiện trạng đất công, kênh rạch, giao thông, bến bãi logistics, công trình kiến trúc trên 5 tầng và cơ sở sản xuất trong năm 2020.
Về công tác đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, TP.HCM tổ chức lập quy hoạch và đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông cho khu vực phía đông phù hợp theo định hướng đô thị sáng tạo. Cụ thể, thành phố lập danh mục, kế hoạch và khái toán đầu tư các công trình hạ tầng giao thông cho khu vực phía đông, đồng thời nghiên cứu giải pháp tăng cường vận tải hành khách công cộng đáp ứng 50% - 60% nhu cầu đi lại của người dân đến năm 2040, mở rộng mạng lưới giao thông đường sắt đô thị trên địa bàn các quận hướng đông và định hướng kéo dài tuyến metro số 1 kết nối với các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương.
Đáng chú ý, nhận định về đề án này, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân nói rằng việc thành lập thành phố phía đông sẽ hình thành vùng động lực cho TP.HCM phát triển, hình thành khu đô thị sáng tạo của TP.HCM.
Thành phố phía đông được thành lập dựa trên nền tảng cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đã được đầu tư phát triển đáp ứng tiêu chí của một đô thị, phù hợp với điều kiện địa lý tự nhiên và nhu cầu phát triển hiện nay. Vì vậy TP.HCM đã kiến nghị Trung ương chấp thuận cho TP.HCM sắp xếp 3 quận trở thành thành phố phía đông là một đơn vị hành chính cấp huyện thuộc TP.HCM.
Phan Diệu