Phó bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM - Phan Văn Mãi và Phó giám đốc Sở Y tế Nguyễn Hữu Hưng thừa nhận tình trạng chậm đưa F0 đi điều trị.

TP.HCM lý giải việc chậm đưa F0 đi điều trị, sẽ phong tỏa mạnh hơn nếu dịch vẫn tăng

P.V | 13/07/2021, 19:28

Phó bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM - Phan Văn Mãi và Phó giám đốc Sở Y tế Nguyễn Hữu Hưng thừa nhận tình trạng chậm đưa F0 đi điều trị.

Tại cuộc họp báo cung cấp thông tin về dịch COVID-19 tại TP.HCM chiều 13.7, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM - Nguyễn Hữu Hưng thừa nhận có tình trạng F0 chậm di chuyển đi điều trị.

Theo ông Nguyễn Hữu Hưng, từ đợt dịch đầu tiên, TP.HCM có 2 bệnh viện dã chiến điều trị bệnh nhân COVID-19 tại huyện Củ Chi và huyện Cần Giờ. Số lượng này phù hợp, đáp ứng nhu cầu trong tình hình dịch khi số ca nhiễm chưa tăng cao như hiện nay.

Từ đợt dịch thứ 4, hầu hết trường hợp nhiễm biến thể Delta nên số ca tăng nhanh. Thế nên TP.HCM đã xây dựng, thực hiện nhiều kịch bản nhằm đáp ứng công tác điều trị, hạn chế mức tử vong.

" Có thời điểm mở rộng bệnh viện điều trị bệnh nhân COVID-19, việc chuẩn bị có lúc chậm, làm cho việc chuyển bệnh nhân đến khu cách ly điều trị chậm hơn so với nhu cầu", ông Hưng thừa nhận.

Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho biết yêu cầu đặt ra là tất cả ca dương tính với SARS-CoV2 được xác định qua xét nghiệm kháng nguyên nhanh hay xét nghiệm PCR được xử lý như F0. Ngành y tế tập trung truy vết càng nhanh càng tốt và đưa bệnh nhân đến cơ sở cách ly, điều trị. Ông Hưng cho biết một số trường hợp chuyển bệnh nhân còn khó khăn nhưng không nhiều.

"Một số trường hợp F0 dù chuyển bệnh chậm, nhưng trường hợp bệnh nhân có triệu chứng thì phải ưu tiên giải quyết, không để chậm trễ quá trình chuyển bệnh nhân đã có kết quả xét nghiệm kháng nguyên nhanh hay xét nghiệm PCR khẳng định", ông Nguyễn Hữu Hưng khẳng định.

Cũng tại cuộc họp báo thông tin về tình hình dịch COVID-19 ở TP.HCM chiều 13.7, Phó bí thư thường trực Thành ủy Phan Văn Mãi cho biết việc chậm đưa F0 đi điều trị có thể xảy ra nhưng không phải chủ trương như thế, mà do quá trình ca nhiễm gia tăng nhanh chóng, quá trình vận hành sẽ có sự chệch choạc.

Về năng lực điều trị COVID-19, ông Nguyễn Hữu Hưng cho biết TP.HCM có 19 bệnh viện dã chiến đang hoạt động và đang thiết lập thêm 5 bệnh viện dã chiến. 24 bệnh viện này có công suất là 44.890 giường, đang điều trị cho 16.757 bệnh nhân.

"TP.HCM sẽ phong tỏa với biện pháp mạnh hơn nếu dịch vẫn tăng"

Về dự báo tình hình dịch sau 15 ngày giãn cách xã hội, ông Phan Văn Mãi cho biết dự báo sẽ có 3 tình huống.

Thứ nhất là TP.HCM kiểm soát được dịch COVID-19, lúc này sẽ xem xét lại việc thực hiện chỉ thị 16, có thể là chỉ thị 16 hay chỉ thị 15 hoặc chỉ thị 19.

Tình huống thứ 2 là chúng ta chưa kiểm soát được và dịch vẫn gia tăng, lúc này sẽ tiếp tục chỉ thị 16 một thời gian và có thể thực hiện 16+ ở một số địa bàn.

Tình huống 3 là dịch gia tăng mạnh mẽ, mất kiểm soát, TP.HCM phải tính đến tình huống phong tỏa với biện pháp mạnh hơn.

TP.HCM đang nghiên cứu đề xuất của cơ quan chuyên môn để có giải pháp phù hợp tình hình. Để quyết định, chúng ta thực hiện tình huống nào phụ thuộc vào việc thực hiện chỉ thị 16 trong vòng 15 ngày. Từng người dân, từng hộ gia đình, từng cơ quan phải thực hiện nghiêm các quy định.

Các cơ quan chức năng cũng phải thực hiện hết chức trách nhiệm vụ của mình để đạt được mục tiêu phòng chống dịch cao nhất. Ý thức thực hiện nghiêm của mỗi người, mỗi nhà và tính hiệu quả công tác phòng chống dịch của lực lượng chức năng mới đạt được kết quả cao nhất.

"Kết quả sau 15 ngày phụ thuộc vào hành động của mỗi chúng ta. Tôi mong muốn người dân thời gian tới tiếp tục chung sức đồng lòng chống dịch, để không phải áp dụng các biện pháp xấu nhất để chống dịch", ông Phan Văn Mãi cho hay.

Theo ông Phan Văn Mãi, thời gian tới, TP.HCM sẽ rà soát lại các kế hoạch, các phương án phù hợp với tình hình, không chỉ là cung ứng hàng hóa mà phải đảm bảo cơ sở vật chất cho điều trị bệnh nhân và chăm lo cho người yếu thế…

"Chăm lo cho vài người trong nhà có khi còn sai sót thì tất nhiên chăm lo cho vài chục triệu người cũng sẽ có những sai sót. Đây là trách nhiệm của chúng tôi. Với tinh thần xây dựng, tôi mong mọi người sẽ có sự góp ý để chúng tôi tiếp thu và làm tốt hơn", Phó bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM nói.

Bài liên quan
Nhiều cửa hàng ở TP.HCM bán vàng, trang sức không rõ nguồn gốc
Lực lượng quản lý thị trường TP.HCM tăng cường giám sát, kiểm tra các doanh nghiệp tư nhân kinh doanh vàng, tạm giữ hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ trị giá gần 500 triệu đồng.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
ĐBSCL khát khô giữa mùa hạn – Bài 4: Giải pháp bền vững
8 giờ trước Bảo vệ môi trường
Để ứng phó với tình trạng thiếu nước sạch sinh hoạt trong mùa khô, nhiều tỉnh thành vùng ĐBSCL đã đưa ra nhiều giải pháp. Tuy nhiên, để thực hiện đồng bộ, hiệu quả, các địa phương cần nguồn vốn đầu tư lớn.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
TP.HCM lý giải việc chậm đưa F0 đi điều trị, sẽ phong tỏa mạnh hơn nếu dịch vẫn tăng