Dự án thực phẩm nông nghiệp an toàn có tổng mức đầu tư 840 tỉ đồng được TP.HCM kỳ vọng sẽ cải thiện cơ sở hạ tầng về quản lý, giảm thiểu nguy cơ an toàn thực phẩm, dịch bệnh, ô nhiễm môi trường, nâng cao chất lượng và hướng tới xuẩt khẩu.
UBND TP.HCM vừa có đề xuất gửi Bộ Kế hoạch - Đầu tư, Bộ Tài chính về đề xuất dự án thực phẩm nông nghiệp an toàn TP.HCM.
UBND TP.HCM cho biết mục tiêu của dự án là nhằm cải thiện hệ thống và cơ sở hạ tầng về quản lý an toàn thực phẩm, giảm thiểu nguy cơ an toàn thực phẩm, dịch bệnh, ô nhiễm môi trường, nâng cao chất lượng, sản lượng trong chuỗi giá trị phát triển bền vững trên địa bàn TP.HCM, hướng tới mục tiêu xuất khẩu.
Dự án có 3 hợp phần chính gồm việc cải thiện cơ sở hạ tầng phát triển chuỗi giá trị thực phẩm nông nghiệp an toàn; nâng cao năng lực, thể chế về quản lý an toàn thực phẩm nông nghiệp và quản lý dự án. Dự kiến, dự án này sẽ được triển khai trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2021 - 2026, trong đó tập trung tại các quận nội thành và huyện ngoại thành như Củ Chi, Bình Chánh, Hóc Môn, Nhà Bè, Cần Giờ.
Tổng mức đầu tư dự kiến là 840 tỉ đồng (tương đương 36,24 triệu USD); trong đó, vốn vay ODA là 29,69 triệu USD từ Ngân hàng Thế giới, vốn đối ứng là 152 tỉ đồng (tương đương 6,55 triệu USD) từ nguồn vốn ngân sách TP.HCM.
Theo UBND TP.HCM, trong những năm qua, thành phố đã quan tâm đẩy mạnh các hình thức quản lý sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp theo chuỗi, có truy xuất nguồn gốc, chỉ dẫn địa lý để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Tuy nhiên, do quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ, sản phẩm thô là chính, các sản phẩm đã qua sơ chế, chế biến còn ít, các hình thức liên kết, hợp tác bước đầu đã được hình thành nhưng số lượng doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông nghiệp chiếm tỷ lệ thấp. Các chợ đầu mối gắn với vùng sản xuất tập trung cũng còn tự phát, chưa chặt chẽ, chưa được đầu tư đồng bộ và hiện đại hóa… Đây đều là những thách thức, nguy cơ lớn đối với vấn đề an toàn thực phẩm của thành phố.
Trong khi đó, việc quản lý an toàn thực phẩm do 2 cơ quan đảm nhận là Ban Quản lý An toàn thực phẩm và Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn. Không những vậy, theo mô hình chung của cả nước, TP.HCM cũng có Ban chỉ đạo liên ngành vệ sinh an toàn thực phẩm cấp thành phố và quận, huyện
Được biết, hiện nay, khoảng 80% lượng lương thực, thực phẩm tiêu thụ ở TP.HCM được nhập từ các tỉnh lân cận. Công tác đảm bảo an toàn các sản phẩm hàng hóa này gặp nhiều khó khăn bởi phải qua rất nhiều khâu. Do đó, nhiều chuyên gia cho rằng chỉ có cách quản lý theo chuỗi, giám sát từ nguồn nguyên liệu nuôi trồng, sơ chế, lưu thông... cho đến chế biến, bảo quản mới đảm bảo được chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm.
Phan Diệu