Sở Giao thông - Vận tải TP.HCM kiến nghị tạm hoãn dự án xe buýt nhanh BRT, đồng thời đề nghị UBND TP.HCM tập trung đẩy nhanh thực hiện các nội dung nghiên cứu tổ chức lại mạng lưới xe buýt trên toàn TP.

TP.HCM muốn hoãn dự án xe buýt nhanh BRT, tổ chức lại mạng xe buýt thường

Tú Viên | 23/11/2021, 21:44

Sở Giao thông - Vận tải TP.HCM kiến nghị tạm hoãn dự án xe buýt nhanh BRT, đồng thời đề nghị UBND TP.HCM tập trung đẩy nhanh thực hiện các nội dung nghiên cứu tổ chức lại mạng lưới xe buýt trên toàn TP.

Ngày 23.11, Sở Giao thông - Vận tải (GTVT) TP.HCM cho biết vừa có văn bản gửi UBND TP.HCM kiến nghị rà soát một số nội dung dự án phát triển giao thông xanh của thành phố, trong đó có dự án tuyến BRT số 1. Theo kế hoạch, dự án tuyến BRT số 1 đang thẩm định thiết kế kỹ thuật, dự kiến khởi công trong năm 2022.

Theo Sở GTVT TP.HCM, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, vận tải hành khách công cộng không đạt được như kỳ vọng, các giải pháp phát triển kết cấu hạ tầng giao thông và phát triển giao thông công cộng song song với kiểm soát xe cá nhân chậm triển khai. 

Qua rà soát, Sở GTVT nhận thấy, sản lượng dự kiến hành khách năm 2022 khi dự án tuyến BRT số 1 đưa vào hoạt động là hơn 28.000 khách/ngày của đơn vị tư vấn độc lập dự án có nhiều khả năng không đảm bảo.

Trước đó, chủ đầu tư tính toán nhu cầu hành khách đi lại trên tuyến BRT số 1 là 28.086 người/ngày trong năm 2022, tăng lên 31.000 người/ngày năm 2025. Đến năm 2030, hành khách tăng lên 38.393 người/ngày và tăng lên 47.200 người/ngày năm 2035.

Ngoài ảnh hưởng của dịch, nguyên nhân ảnh hưởng còn đến do tuyến Metro số 1 (Bến Thành – Suối Tiên) chưa hoàn thành ảnh hưởng đến sản lượng trung chuyển hành khách; chưa kết nối được 2 đầu mối vận tải hành khách quan trọng là Bến xe miền Đông mới và Bến xe miền Tây mới…

Được biết, tuyến BRT số 1 được UBND TP.HCM phê duyệt điều chỉnh hồi cuối năm 2020 với tổng mức vốn đầu tư gần 3.300 tỉ đồng. Trong đó, vốn vay ODA của Ngân hàng Thế giới (WB) hơn 121,2 triệu USD (tương đương hơn 2.849 tỉ đồng) và vốn đối ứng từ ngân sách thành phố hơn gần 423 tỉ đồng. Thời gian thực hiện dự án đến năm 2023.

Tuyến BRT số 1 dài 26 km, chạy dọc hành lang đại lộ Võ Văn Kiệt - Mai Chí Thọ. Điểm đầu tuyến tại vòng xoay An Lạc (quận Bình Tân) và điểm cuối tại ga Rạch Chiếc (quận 2).

Tuyến xe buýt nhanh đầu tiên của TP.HCM chạy với tốc độ di chuyển 60 km/giờ trên làn đường riêng. Trong giai đoạn đầu, tuyến BRT số 1 có 42 xe sử dụng khí nén thiên nhiên (CNG) với sức chứa 60-72 hành khách.

Sở GTVT cũng đề nghị UBND TP.HCM chỉ đạo chủ đầu tư trao đổi với Ngân hàng Thế giới tập trung đẩy nhanh thực hiện các nội dung “Nghiên cứu tổ chức lại mạng lưới xe buýt trên toàn TP và chuẩn bị kế hoạch hành động để nâng cao hiệu quả và chất lượng của hệ thống xe buýt hiện hữu”; chỉ đạo các bên liên quan triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp của đề án “Tăng cường vận tải hành khách công cộng kết hợp với kiểm soát sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân tham gia giao thông trên địa bàn TP.HCM” đã được UBND TP phê duyệt.

Thời gian qua, tuyến BRT tại TP.Hà Nội được đưa vào khai thác sử dụng vẫn chưa đạt được các mục tiêu ban đầu đề ra. Sản lượng hành khách chỉ đạt được 13.302 người/ngày sau 8 tháng đưa vào hoạt động. Nguyên nhân tuyến xe buýt BRT Hà Nội chưa thành công liên quan đến việc kết nối đến các bến xe lớn, chưa có tuyến buýt gom và tuyến buýt kết nối, ý thức của người dân chưa cao.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Giá trị kinh tế số của Việt Nam vẫn khiêm tốn, tăng thấp hơn mục tiêu đặt ra
8 giờ trước Nhịp đập khoa học
Giá trị kinh tế số của Việt Nam vẫn còn ở mức khiêm tốn trong khu vực. Trung bình thời kỳ 2020-2023, giá trị gia tăng của kinh tế số chỉ chiếm khoảng 12,5% so với GDP, thấp hơn nhiều so với mục tiêu đặt ra.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
TP.HCM muốn hoãn dự án xe buýt nhanh BRT, tổ chức lại mạng xe buýt thường