Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên cho rằng, thành phố (TP) không thể chấp nhận được tình trạng thiếu nhà vệ sinh công cộng (NVSCC), phải hành động quyết liệt để khắc phục tình trạng này trong thời gian sớm nhất.
Ngày 19.3, ông Nguyễn Văn Nên, Bí thư Thành ủy TP.HCM cùng đoàn công tác có buổi làm việc với Ban Thường vụ Quận ủy quận 1 về chỉnh trang đô thị, vệ sinh môi trường trên địa bàn quận.
Buổi làm việc liên quan đến chủ trương, kế hoạch chỉnh trang đô thị, vệ sinh môi trường, đoàn công tác lắng nghe kết quả, những khó khăn về cơ chế để kịp thời tháo gỡ trong việc vận động, cải tạo và xây dựng mới các NVSCC trên địa bàn quận 1.
Chủ tịch UBND quận 1 Lê Đức Thanh cho biết, hiện nay, trên địa bàn quận 1 có tổng cộng 18 NVSCC, tuy nhiên, ý thức người sử dụng NVSCC chưa cao, không đảm bảo vệ sinh sau khi sử dụng. Một số NVSCC phục vụ miễn phí còn tình trạng người sử dụng tận dụng tắm giặt, lấy cắp vật dụng nhà vệ sinh. Do đó, cần phải duy trì lực lượng đảm bảo vệ sinh thường xuyên.
Bên cạnh đó, người dân còn tâm lý ngần ngại khi cần sử dụng nhà vệ sinh tại các khách sạn, nhà hàng cao cấp. Do đó, trong thời gian qua, chỉ tồn tại các nhà vệ sinh công cộng tại các chợ, công viên, bến xe bus.
Hiện tại, UBND quận 1 đã phát động phong trào vận động các chủ sở hữu hoặc đơn vị quản lý cơ sở kinh doanh trên địa bàn quận 1 hỗ trợ, tạo điều kiện cho người dân và du khách được sử dụng miễn phí nhà vệ sinh khi có nhu cầu sử dụng (trong giai đoạn 2023 - 2025).
Trong tháng 3.2023, quận 1 xác định, ít nhất 10 vị trí trên các tuyến đường trọng điểm của mỗi phường tập trung đông dân cư và du khách. Từ đó, vận động các các chủ sở hữu hoặc đơn vị quản lý các cơ sở kinh doanh trên các tuyến đường này tạo điều kiện cho người dân và du khách được sử dụng miễn phí nhà vệ sinh của tổ chức khi có nhu cầu sử dụng và đặt biển báo theo mẫu.
Cùng với đó, UBND quận 1 đã vận động được 100 vị trí trên địa bàn quận lắp biển báo hỗ trợ cho người dân và du khách được sử dụng miễn phí nhà vệ sinh của tổ chức.
Đối với việc đầu tư xây dựng mới, quận 1 không có quỹ đất để bố trí NVSCC. Qua rà soát các khu đất trống trên địa bàn, UBND quận 1 đã có văn bản kiến nghị UBND TP.HCM và Sở TN-MT TP.HCM chấp thuận chủ trương xây dựng mới tạm thời tại 5 vị trí có thể xây dựng NVSCC.
Tại buổi làm việc, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên nhắc lại, từ trước đến nay, TP đã có chủ trương, triển khai thực hiện việc vận động, cải tạo và xây dựng mới các NVSCC. Tuy nhiên, do thiếu sự đầu tư, kiểm tra giám sát, nâng cấp cải tạo đã dẫn đến tình trạng như vừa qua.
TP.HCM cần phải nhìn lại vấn đề này một cách nghiêm túc. Tất cả cư dân của TP không thể chấp nhận được tình trạng thiếu NVSCC, kém vệ sinh. TP phải hành động một cách quyết liệt để khắc phục tình trạng trong thời gian sớm nhất.
TP.HCM phải có trách nhiệm với ngôi nhà 10 triệu dân, làm sao để lại những ấn tượng đẹp khi người dân và du khách đến nhà mình. TP phải xem việc này quan trọng, đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người dân và du khách. TP không làm NVSCC với mục đích để lấy thành tích, xếp thứ hạng. Từ đây đến cuối tháng 4.2023, TP.HCM quyết tâm tạo sự chuyển biến trong vấn đề này, Bí thư Nên nhấn mạnh.
Bí thư Thành ủy TP.HCM lưu ý, việc đặt vị trí NVSCC phải chú ý đến nhu cầu của người dân và du khách. Vì vậy, không thể đặt vị trí nhà vệ sinh công cộng theo một cách cơ học mà phải tính toán đến vị trí nơi nào có thể đặt NVSCC lưu động và nơi nào đặt NVSCC cố định.
Trước đó, đầu tháng 2 năm nay, dẫn chỉ số từ bảng xếp hạng của QS Supplies, báo Nikkei Asia cho biết, chất lượng nhà vệ sinh công cộng tại TP.HCM xếp vị trí 67/69 thành phố du lịch trên thế giới.
Ngoài vấn đề chất lượng thì tình trạng thiếu nhà vệ sinh công cộng ở TP.HCM vẫn là một trong những vấn đề nan giải suốt thời gian qua.