Thanh tra TP.HCM vừa đưa ra bản kết luận được ký vào 20.1.2016 về việc thanh tra toàn diện hoạt động của Ban Quản lý các Khu liên hợp xử lý chất thải rắn TP (MBS), trong đó, nổi lên nhiều sai phạm tại Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Đa Phước tại huyện Bình Chánh do Công ty Xử lý chất thải rắn Việt Nam (VWS) làm chủ đầu tư.
Không quản lý được Đa Phước?
Theo hợp đồng Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Đa Phước (Đa Phước) đã ký với Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) ngày 28.2.2006, Đa Phước sẽ phải tiếp nhận khối lượng chất thải rắn sinh hoạt sau đó tiến hành phân loại, tái chế sản xuất phân Compost, tái sử dụng plastic, phần còn lại không sử dụng được sẽ chôn lấp. Tuy nhiên trên thực tế Đa Phước đã không thực hiện phân loại, tái chế như hợp đồng đã ký mà chôn lấp toàn bộ với công suất 3.000 tấn/ngày trong thời gian 24 năm.
Bên cạnh đó, Đa Phước đã không thực hiện đúng Giấy phép đầu tư khi không xây dựng và điều hành nhà máy phân loại, thu gom nguyên liệu tái chế và tái sử dụng chất thải công suất 2.500-3.000 tấn/ngày theo quy định của Giấy phép đầu tư số 2535/GP ngày 28.12.2005.
Tháng 2.2015, báo điện tửMột Thế Giớiđã đăng bài phỏng vấn ông Lê Mạnh Hà, khi đó là Phó chủ tịch UBND TP.HCM. Trong bài phỏng vấn, ông Lê Mạnh Hà cũng khẳng định dự án Đa Phước là một sự án có nhiều bất thường, sai phạm, cũng như dấu hiệu độc quyền trong xử lý rác… nhưng dường như sự việc vẫn chưa được TP giải quyết.
Những bất thường, sai phạm này đã kéo dài trong nhiều năm qua, cho đến đầu năm 2016, TP.HCM đã có kết luận về việc thanh tra toàn diện hoạt động của Ban Quản lý các Khu liên hợp xử lý rác, trong đó, nổi lên nhiều sai phạm tại Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Đa Phước tại huyện Bình Chánh do công ty Công ty Xử lý chất thải rắn Việt Nam (VWS) làm chủ đầu tư như những gì màMột Thế Giớiđã đưa tin trước đây.
Về quy trình thanh toán, Khu liên hiệp xử lý chất thải rắn TP (MBS) chỉ mới xác nhận khối lượng chất thải rắn tiếp nhận qua cân và ký vào phiếu cân, và không giám sát được việc xử lý chất thải của Đa Phước, nhưng Sở TN-MT vẫn nghiệm thu, thanh toán! So với quy định tại nghị định 130/NĐ-CP ngày 16.10.2013 về sản xuất và cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích, trong đó quy định việc nghiệm thu đối với công tác xử lý chất thải rắn sinh hoạt bao gồm khối lượng và chất lượng trong việc cung ứng dịch vụ vệ sinh môi trường thì Sở TN-MT đã làm sai quy định.
Vấn đề đặt ra là tại sao lại có sự đặc biệt với Đa Phước khi mà MBS chỉ có thể dừng lại ở việc xác nhận khối lượng chất thải sinh hoạt qua cầu cân? Trong khi đó, tại các đơn vị xử lý rác khác thì MBS thực hiện giám sát việc tiếp nhận chất thải, cân, công tác an toàn phòng cháy chữa cháy, giám sát mùi bằng cảnh quan, phun diệt ruồi, giám sát nước thải đầu ra qua xử lý bằng cảm quan, thực hiện quan trắc theo định kỳ…
Khâu xử lý nước rỉ rác được đánh giá là khâu quan trọng trong quá trình xử lý chất thải. Kiểm soát được việc thu gom, lưu lượng và xử lý nước rỉ rác góp phần rất lớn trong việc bảo vệ môi trường. Trong khi Sở TN-MT kịp thời ban hành quy trình, định mức xử lý nước rỉ rác tại công trường Gò Cát và Phước Hiệp, bãi chôn lấp Phước Hiệp, bãi chôn lấp Đông Thạnh để cho MBS giám sát việc xử lý nước rỉ rác theo đúng quy định thì riêng tại khu xử lý chất thải rắn Đa Phước, thực tế tiếp nhận chất thải để xử lý từ năm 2007, nhưng đến 31.12.2015, Sở TN-MT mới ban hành quy định về kiểm tra, giám sát và nghiệm thu công tác cung ứng dịch vụ. Tại sao lại “bỏ sót” những 8 năm trời như vậy? Điều này không chỉ là trách nhiệm của GĐ Sở TN-MT khi “chậm” trong việc ban hành các quy định giám sát xử lý chất thải tại Đa Phước mà còn cho thấy sự bất thường trong việc quản lý các giữa các đơn vị xử lý rác.
Sau khi bãi chôn lấp số 3 đóng cửa, rác dồn về Đa Phước khoảng hơn 5.000 tấn/ngày, tức vượt công suất đã đăng ký. Thế nhưng, theo báo cáo của Sở TN-MT, lực lượng kiểm tra giám sát của Sở còn bị hạn chế trong việc tiếp cận hoạt động xử lý chất thải trong khu liên hợp này.
Kết luận thanh tra cũng nhấn mạnh vấn đề cần phải cân nhắc đến công tác quản lý nhà nước về tài nguyên môi trường, việc hợp tác và chấp hành các quy định pháp luật của chủ đầu tư, đánh giá tác động môi trường, sức chịu tải của nền đất, hạ tầng kỹ thuật các công trình xử lý sàn tiếp nhận, hệ thống xử lý nước rỉ rác, hệ thống các hồ chứa nước rỉ rác, phương tiện, thiết bị vẫn hành, đặc biệt là vấn đề an ninh chất thải trong trường hợp Khu liên hợp xử lý chất thải Đa Phước xảy ra tình trạng cháy nổ, sụt lún, đình công…
Chưa có cơ sở xác định chi phí đầu tư của VWS
Với đơn giá từ 19,009 USD/tấn năm 2013, đến cuối 2014 là 20,166 USD/tấn, và hiện nay là 21,1 USD/tấn thì giá xử lý rác tại Đa Phước được đánh giá là cao ngất ngưởng dù chỉ dùng công nghệ chôn lấp.
Giá xử lý rác cao đem lại lợi nhuận hàng năm cho Công ty VWS từ 25-40%, cao hơn rất nhiều lần so với doanh nghiệp khác hoạt động cùng lĩnh vực. Cùng công nghệ chôn lấp, nhưng giá xử lý chất thải rắn sinh hoạt của Công ty VWS cao hơn Công ty Môi trường đô thị là 67.384 đồng/tấn. Cùng hoạt động xử lý chất thải rắn sinh hoạt nhưng khu Phước Hiệp và khu Đa Phước có cơ sở xây dựng giá và điều chỉnh tăng giá khác nhau. Cơ sở xác định giá xử lý chất thải rắn sinh hoạt khi ký HĐ với Công ty VWS căn cứ tổng chi phí đầu tư thực tế của công ty, nhưng cho đến nay, vẫn chưa có cơ sở xác định chi phí đầu tư của VWS.
Đây là bất hợp lý cần được giải quyết kịp thời nhằm tránh thiệt hại cho ngân sách Nhà nước và bảo đảm hoạt động công ích là phục vụ người dân, không phải là lĩnh vực siêu lợi nhuận.
Theo thống kê, năm 2013, Đa Phước nhận về 1.100.366 tấn rác, năm 2014 là 1.130.681 tấn. Tuy nhiên, trong kết luận thanh tra nêu lên rằng một số xe vận chuyển chất thải rắn (nói chung tại các khu xử lý rác) vượt tải trọng cho phép phổ biến từ 30%-50%, có xe vượt tải trọng lên đến 100%. Trong đó nhiều trường hợp bản thân xe qua cầu cân nặng hơn so với trọng lượng xe ghi trên giấy chứng nhận kiểm định trên 2 tấn hoặc trên 5 tấn… Điều này cho thấy con số rác “ảo” là có nhưng TP phải trả tiền bằng ngân sách là thực.
Hiện nay, lượng rác phát sinh của TP.HCM khoảng 6.700 tấn/ngày. Trường hợp chấp thuận cho Công ty VWS tăng công suất lên 10.000 tấn/ngày thì gần như 100% lượng rác thành phố được chôn lấp, và như vậy, đi ngược lại chủ trương tăng cường bảo vệ môi trường của quốc gia. Ngoài ra, điều nguy hiểm nhất là việc VWS xử lý 100% lượng rác TP.HCM cũng đồng nghĩa VWS hiển nhiên trở thành doanh nghiệp có vị trí độc quyền tại TP.HCM. Và khi ở vị trí độc quyền thì sẽ khó tránh khỏi việc ngân sách nhà nước phải trả cao hơn nữa, nghĩa là người dân phải bỏ tiền túi cho công ty gọi là “phục vụ công ích” nhưng thực chất công ty này có “siêu lợi nhuận”.
Đóng cửa bãi rác Phước Hiệp tổn thất hơn 1.000 tỉ đồng
Bãi chôn lấp số 3 (Phước Hiệp) đang trong quá trình đầu tư, xây dựng, chưa hoàn thiện hạng mục công trình. Nếu không tiếp tục đầu tư hoàn thiện thì không những không hoàn thành bãi rác dự phòng của thành phố mà còn làm thiệt hại hơn 1.000 tỉ đồng, trong đó gồm 600 tỉ đồng ngân sách và 400 tỉ đồng bồi thường cho công ty Hàn Quốc đã đầu tư vào đây. Không những thế, việc đóng cửa bãi rác Phước Hiệp còn làm 300 công nhân trở nên thất nghiệp…
Trong phỏng vấn với Một Thế Giớivào tháng 2.2015, ông Lê Mạnh Hà cũng đưa ra quan điểm: “Tôi cho rằng Hội đồng nhân dân đã không đủ thông tin khi chấp thuận đề nghị đóng cửa bãi rác Phước Hiệp và chuyển rác về Đa Phước. Việc đóng cửa Phước Hiệp là bất thường và sẽ gây ra nhiều hệ lụy”.
Chính vì thế, Chánh thanh tra TP kiến nghị xem xét cân nhắc chủ trương đóng cửa bãi chôn lấp Phước Hiệp nhằm tránh lãng phí ngân sách nhà nước, đồng thời cho phép tiếp nhận xử lý 2.000 tấn rác/ngày để đảm bảo chi phí duy trì hoạt động của bãi rác và duy trì lực lượng lao động tại đây.