Ngày 12.3, Vườn quốc gia Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng (Quảng Bình) cho biết vừa tiếp nhận 3 cá thể động vật hoang dã quý hiếm do người dân tự nguyện giao nộp để thả về môi trường tự nhiên.
Theo đó, Trung tâm Cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật thuộc Vườn quốc gia (VQG) Phong Nha - Kẻ Bàng phối hợp với Hạt Kiểm lâm huyện Tuyên Hóa (tỉnh Quảng Bình) tiếp nhận 1 con khỉ mặt đỏ và 2 con khỉ vàng từ người dân ở huyện này giao nộp.
Trước đó, vào cuối năm 2023, bà Hồ Thị Hồng (trú thôn Thuận Hoan, xã Đồng Hóa, huyện Tuyên Hóa) trong khi đi làm rẫy đã phát hiện con khỉ mặt đỏ và đưa về nhà chăm sóc. Sau khi được cơ quan chức năng tuyên truyền, vận động, bà Hồng đã tự nguyện giao nộp con khỉ này cho trung tâm cứu hộ để nuôi dưỡng, chăm sóc.
Còn 2 con khỉ vàng được bà Trương Thị Hương Sơn (trú tại tiểu khu 3, thị trấn Đồng Lê) và bà Nguyễn Thị Mỹ Tre (trú tại thôn 4 Thanh Lạng, xã Thanh Hóa, huyện Tuyên Hóa) giao nộp.
Tại thời điểm tiếp nhận, con khỉ mặt đỏ có trọng lượng 1kg; 2 con khỉ vàng có trọng lượng 5kg và 6kg. Cả 3 con vật này đều bị suy giảm tập tính hoang dã.
Theo VQG Phong Nha – Kẻ Bàng, khỉ mặt đỏ (tên khoa học là Macaca arctoides) và khỉ vàng (tên khoa học là Macaca mulatta) là loài động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm thuộc nhóm 2B theo quy định tại Nghị định số 84/2021/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và thực thi Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp.
Sau khi tiếp nhận 3 con khỉ quý hiếm nói trên, Trung tâm Cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật sẽ chăm sóc, nuôi dưỡng và huấn luyện phục hồi tập tính hoang dã trước khi thả về môi trường tự nhiên.
VQG Phong Nha - Kẻ Bàng nằm trong địa bàn các xã Tân Trạch, Thượng Trạch, Phúc Trạch, Xuân Trạch và thị trấn Phong Nha, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình.
Diện tích VQG Phong Nha - Kẻ Bàng là 123.326ha, gồm 3 phân khu: phân khu bảo vệ nghiêm ngặt (100.296ha), phân khu phục hồi sinh thái (19.619ha), phân khu hành chính dịch vụ (3.411ha).
Năm 2002, VQG Phong Nha - Kẻ Bàng được UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới theo tiêu chí địa chất, địa mạo; năm 2015 tiếp tục được UNESCO công nhận lần thứ 2 là Di sản thiên nhiên thế giới dựa theo tiêu chí đa dạng sinh học.
Nơi đây có 1.394 loài động vật thuộc 835 giống, 289 họ, 68 bộ, 12 lớp, 4 ngành. Trong đó có 82 loài nằm trong Sách đỏ Việt Nam; 116 loài được liệt vào Sách đỏ IUCN; 39 loài được ghi trong Nghị định số 64/2019/NĐ-CP; 66 loài có tên các phụ lục CITES.