Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong chỉ đạo Sở Tư pháp hoàn tất đề xuất về quy trình cưỡng chế cách ly bắt buộc. Đồng thời, nghiên cứu quy chế xử phạt với người không chấp hành đeo khẩu trang nơi công cộng.
Chiều tối 23.3, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh COVID-19 TP.HCM tổ chức họp giao ban trực tuyến về tình hình dịch bệnh diễn ra trên địa bàn.
Chỉ đạo tại cuộc họp, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho biết mỗi ngày, TP.HCM đón trung bình 1.300-1.800 người từ nước ngoài về. Đây là áp lực rất lớn với thành phố. Ông Phong ghi nhận sự nỗ lực, cố gắng của toàn hệ thống chính trị thành phố với quyết tâm “chống dịch như chống giặc”, nhất là đội ngũ y tế thành phố.
Theo Chủ tịch UBND TP.HCM, hai tuần tới sẽ là thời điểm cần đẩy mạnh kết hợp nhiều giải pháp và các kế hoạch ứng phó với dịch bệnh trong tình hình mới. Trong đó, các sở ngành, quận huyện nâng cao ý thức phòng chống dịch bệnh COVID-19, không chủ quan, lơ là vì sự an toàn của người thân và cộng đồng.
Chủ tịch UBND TP.HCM cũng khuyến cáo công dân trên 60 tuổi nên tuyệt đối ở trong nhà, không ra đường, vì độ tuổi này dễ nhiễm bệnh và sức đề kháng yếu. Ông Phong còn đề nghị triển khai đồng loạt biện pháp đo thân nhiệt của toàn bộ khách ra vào các chung cư, tòa nhà trên địa bàn thành phố.
Ông Phong cũng yêu cầu quận Thủ Đức cần siết chặt quản lý địa bàn, không để tái diễn tình trạng tụ tập đông người ở khu vực ký túc xá Đại học Quốc gia TP.HCM để tiếp tế nhu yếu phẩm cho người được cách ly trong phòng chống dịch COVID-19.
Các địa phương phải đặt công tác tuyên truyền lên hàng đầu trong công tác phòng chống dịch. Các địa phương cần tạo hiệu ứng tuyên truyền mạnh mẽ đến từng khu phố, từng nhà, từng người dân nâng cao ý thức về phòng chống dịch bệnh.
Đáng chú ý, ông Phong giao Sở Tư pháp hoàn tất đề xuất tham mưu về quy trình cách ly bắt buộc vì sự an toàn của cộng đồng trong và trình UBND TP.HCM trong 2 ngày làm việc. Đồng thời, nghiên cứu quy chế xử phạt với người không chấp hành đeo khẩu trang nơi công cộng. Nếu không chấp hành thì cần có biện pháp xử lý răn đe, không để ảnh hưởng chung đến cộng đồng.
Ông Phong cho biết TP.HCM dù đã công bố không thiếu khẩu trang phục vụ công tác phòng, chống COVID-19 nhưng người dân vẫn không mua được. Nguyên nhân tình trạng này xuất phát từ việc nhiều đối tượng có hành vi găm hàng, bán khẩu trang y tế giá cao qua mạng.
Trước vấn đề này, ông Phong yêu cầu Sở Công Thương rà soát, kiểm tra và xử phạt với các biện pháp mạnh, công khai trên báo đài để làm gương, kiên quyết không để xảy ra tình trạng khan hiếm khẩu trang vì trục lợi.
"Nếu thực tế phức tạp hơn, có thể phối hợp với Công an TP.HCM chỉ đạo mở hồ sơ điều tra, không thể để tình trạng khan hiếm khẩu trang vì nhiều đối tượng trục lợi như thế này tiếp tục kéo dài", ông Phong nói.
Cũng tại cuộc họp, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Tấn Bỉnh khuyến cáo người dân nên hạn chế ra đường, nghiêm cấm tụ tập đông người, tuân thủ nghiêm các quy trình phòng chống dịch bệnh của thành phố. Đồng thời lưu ý đến người cao tuổi, người có bệnh nền để có sự theo dõi tình hình sức khỏe phù hợp.
Tính đến ngày 23.3, số trường hợp đang cách ly tập trung trong ngày tại TP.HCM là 7.872 trường hợp, trong đó khu cách ly tập trung của thành phố có 7.319 người.
Từ 6 giờ ngày 22.3 đến 6 giờ 23.3, thành phố tiếp nhận hành khách nhập cảnh trên 27 chuyến bay, chuyển cách ly tập trung 1.098 hành khách và chuyển cách ly điều trị 13 người có triệu chứng.
Tổng số trường hợp tiếp xúc với 24 ca bệnh mới đến ngày 23.3 đã xác định được 1.526 trường hợp. Trong đó, 5 trường hợp dương tính (ca bệnh 48, 65, 97, 98, 120); 1.019 trường hợp có kết quả xét nghiệm âm tính; 60 trường hợp đang chờ kết quả xét nghiệm; 445 trường hợp chưa được lấy mẫu.
Phan Diệu