Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong yêu cầu các quận, huyện thực hiện nghiêm giải pháp để kiểm soát giảm mật độ người dân vào chợ, siêu thị, ngân hàng… và các điểm đông người.
Chiều 30.3, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh COVID-19 TP.HCM đã tổ chức họp giao ban trực tuyến về tình hình dịch bệnh diễn ra trên địa bàn.
Tại cuộc họp, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân đề nghị quận, huyện khẩn trương vận dụng các quy định xử phạt đối với người không sử dụng khẩu trang khi ra đường và ở những nơi công cộng, bao gồm cả việc nhắc nhở và xử phạt nghiêm.
Đặc biệt, ông Nhân cho rằng thành phố cần có tính toán phương án đảm bảo các đơn vị sản xuất không trở thành nơi lây nhiễm bệnh. Sở Y tế cần kiểm tra tất cả các bệnh viện trên địa bàn thành phố phải đảm bảo quy trình không lây nhiễm, không chỉ đối với y bác sĩ, cán bộ mà cả những lao động hợp đồng (lao công, bảo vệ…).
Thành phố cũng cần đảm bảo đội ngũ y bác sĩ, đội ngũ an ninh, hậu cần không làm việc quá tải. Đặc biệt, lực lượng nhà báo, phóng viên khi tham gia tác nghiệp phải nâng cao tinh thần bảo vệ sức khỏe, giữ an toàn cho bản thân và cơ quan, tòa soạn.
Trong khi đó, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đề nghị các sở ngành, quận huyện ngừng ngay các cuộc họp không cần thiết, tập trung chống dịch. Bắt đầu từ ngày 1.4, thành phố sẽ tăng cường sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3,4 và dịch vụ bưu điện, các bộ phận tiếp nhận hồ sơ không tiếp nhận nộp hồ sơ trực tiếp. Ông đề nghị các sở, ngành liên quan bàn giải pháp hạn chế tập trung đông người ở khối ngành sản xuất.
Đáng chú ý, ông Phong đề nghị quận, huyện tăng cường xử lý nghiêm hành vi không đeo khẩu trang nơi công cộng, nhất là tiểu thương ở các chợ truyền thống. Các quận, huyện cần thực hiện nghiêm giải pháp để kiểm soát giảm mật độ người dân vào chợ, siêu thị, ngân hàng… và các điểm đông người. Người đứng đầu địa phương sẽ phải chịu trách nhiệm và bị xử lý nghiêm nếu để xảy ra vi phạm này trên địa bàn.
Đồng thời, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm gây hoang mang trong dư luận, như các trường hợp đăng tải thông tin không kiểm chứng, xuyên tạc, chống phá.
Sở Công Thương được giao chuẩn bị tốt lượng hàng hóa, đảm bảo đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng của người dân thành phố. Các quận, huyện cần chỉ đạo phường, xã, thị trấn lập danh sách những người lớn tuổi để có thông tin, vận động không ra khỏi nhà. Riêng với người lớn tuổi đơn thân, địa phương cần có biện pháp hỗ trợ trong việc mua nhu yếu phẩm.
Đặc biệt, thành phố đang nghiên cứu lập các chốt kiểm soát di động ở bến xe, nhà ga phải kiểm tra, sàng lọc, giám sát các đối tượng nghi nhiễm ngay tại cửa ngõ thành phố.
Ông Phong cũng giao Sở Lao động – Thương binh và Xã hội có văn bản gửi 24 quận, huyện đề nghị tổ chức rà soát các đối tượng lang thang cơ nhỡ, không nơi cư trú, đặc biệt là người già để tăng cường giám sát.
Cũng liên quan đến vấn đề này, Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Tấn Bỉnh đề xuất UBND TP.HCM chỉ đạo các quận huyện tổ chức rà soát đối với người lang thang, cơ nhỡ, không nơi cư trú trên địa bàn. Đặc biệt là những người già; triển khai nhà ở xã hội để bố trí chỗ ở để chăm sóc, không được đi lang thang tại các phường, xã để đưa người lang thang, người già vào ở, bố trí ăn, nghỉ và tổ chức theo dõi sức khỏe. Đồng thời, tiếp tục tìm kiếm những trường hợp tiếp xúc, liên quan bệnh nhân 91 và quán bar Buddha cũng như các ca mới phát sinh.
Tính đến 14 giờ ngày 30.3, TP.HCM có 51 ca nhiễm COVID-19, trong đó 45 ca đã được Bộ Y tế công bố và 6 ca có xét nghiệm dương tính. Trong số này, có 10 ca đã điều trị khỏi, 39 ca đang tiếp tục điều trị.
Phan Diệu