ĐBQH TP.HCM Văn Thị Bạch Tuyết đề nghị các sở, ngành liên quan được giám sát cần đẩy nhanh tốc độ xem xét, chi trả hỗ trợ cho người dân, người lao động đủ điều kiện.
Ngày 21.9, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TP.HCM giám sát trực tuyến việc thực hiện Nghị quyết 42, Nghị quyết 154, Nghị quyết 68 của Chính phủ và Nghị quyết 09 của HĐND TP.HCM về chính sách hỗ trợ người dân có hoàn cảnh khó khăn do tác động của dịch COVID-19.
Theo đó, các đơn vị được giám sát là: Sở Công thương TP.HCM, Sở VH-TT TP.HCM, Sở GD-ĐT TP.HCM, Sở Du lịch TP.HCM, Cục Thuế TP.HCM, Bảo hiểm xã hội TP.HCM, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội TP.HCM.
Tại buổi giám sát, ĐBQH Trương Trọng Nghĩa đề nghị các ngành nêu rõ chiến lược trong thời gian tới ra sao, lộ trình của ngành thế nào để có thể “chung sống với COVID-19”?
ĐBQH Trần Hoàng Ngân đề nghị Sở VH-TT TP.HCM mở rộng thêm các hoạt động thể dục, thể thao ngoài trời một cách an toàn vì việc nâng cao sức khỏe, thể trạng của người dân trong bối cảnh hiện nay là rất cần thiết. Đồng thời, cần quan tâm hơn đến chăm sóc đời sống sức khỏe tinh thần của người dân trong và sau COVID-19.
Phó giám đốc Sở VH-TT TP.HCM Nguyễn Thị Thanh Thúy kiến nghị các cấp có thẩm quyền có giải pháp miễn giảm thuế nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở hoạt động trong lĩnh vực văn hóa – thể thao chịu tác động của dịch COVID-19 (khoảng 2.500 cơ sở cần được hỗ trợ); bổ sung chế độ hỗ trợ thêm đối với viên chức hoạt động nghệ thuật làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập phải tạm dừng hoạt động trong thời gian trước ngày 1.5; hỗ trợ người có chức danh nghề nghiệp có thu nhập thấp và hoàn cảnh khó khăn (phục vụ, hậu đài, di sản viên hạng IV…).
Đối với ngành du lịch, Phó giám đốc Sở Du lịch TP Bùi Thị Ngọc Hiếu đề nghị Bộ Tài chính xem xét giảm thuế suất VAT từ 10% xuống 5% trong năm 2021 để giúp giảm giá thành sản phẩm và các gói dịch vụ du lịch, kích cầu du lịch, hỗ trợ doanh nghiệp giải quyết khó khăn về nhu cầu vốn lưu động; xem xét kéo dài chính sách giảm 15% tiền thuê đất đối với các doanh nghiệp du lịch trong năm 2021 theo Nghị quyết 84/NQ-CP của Chính phủ giảm 15% tiền thuê đất phải nộp của năm 2020.
Đối với ngành công thương, ông Lê Huỳnh Minh Tú, Phó giám đốc Sở Công Thương TP.HCM cho biết, do ảnh hưởng của dịch bệnh, có 3 chợ đầu mối, 202/234 chợ truyền thống tạm ngưng hoạt động. Đến nay, tổng số tiền được phê duyệt để hỗ trợ cho thương nhân tại chợ truyền thống là gần 26 tỷ đồng và đã giải ngân được gần 17 tỷ đồng. Sở Công Thương nhận thấy việc triển khai chính sách hỗ trợ cho các thương nhân kinh doanh tại chợ có một số khó khăn.
Theo Sở Công Thương, việc chi hỗ trợ đa số thực hiện bằng hình thức chi trực tiếp. Tuy nhiên, các địa phương đang giãn cách xã hội, giảm mật độ lưu thông trên đường, nhiều thương nhân cư trú tại các địa phương khác nhau nên đi lại hạn chế, ảnh hưởng đến việc nhận hỗ trợ. Một số địa phương (quận 1, 5, 11, Bình Thạnh) đã chuyển giao kinh phí hỗ trợ về đơn vị quản lý chợ nhưng chưa liên hệ thương nhân để thực hiện chi trả.
Do đó, để đảm bảo triển khai chính sách hỗ trợ, Sở Công Thương đề nghị UBND các quận, huyện và TP.Thủ Đức đẩy nhanh rà soát danh sách đối tượng đủ điều kiện được hưởng chính sách hỗ trợ và giải ngân 100% cho các thương nhân tại chợ truyền thống gặp khó khăn do dịch COVID-19.
Phó Cục trưởng Thuế TP.HCM Thái Minh Giao cho biết, đến nay TP.HCM đã phê duyệt cho gần 40.000 hộ kinh doanh, chiếm gần 25% tổng số hộ kinh doanh thuộc diện được hỗ trợ do cơ quan thuế rà soát.
Theo Cục Thuế TP.HCM, số lượng hộ kinh doanh nộp đơn đề nghị hỗ trợ trực tiếp tại các UBND xã, phường, thị trấn còn hạn chế do người dân thực hiện giãn cách, không đến UBND xã, phường, thị trấn nộp đơn được; nhiều hộ kinh doanh đã đóng cửa về nơi cư trú…
Một số ý kiến cũng cho rằng các sở, ngành cần đánh giá cụ thể hơn đối với tác động dịch COVID-19 của TP.HCM đến tình hình kinh tế, xã hội.
Kết luận tại buổi làm việc, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH TP.HCM Văn Thị Bạch Tuyết nhận xét một số lĩnh vực, số đối tượng bị ảnh hưởng thì nhiều nhưng số đủ điều kiện để hưởng chính sách chưa nhiều. Bà Bạch Tuyết đề nghị các sở, ngành liên quan được giám sát cần đẩy nhanh tốc độ xem xét, chi trả hỗ trợ cho người dân, người lao động đủ điều kiện.
Bên cạnh đó, cần áp dụng tối đa công nghệ thông tin để giải quyết hỗ trợ thông suốt đối với doanh nghiệp, người lao động, nhất là ngành BHXH, thuế, ngân hàng… Đối với những thủ tục hồ sơ còn khó khăn vướng mắc, ĐB Văn Thị Bạch Tuyết đề nghị các sở, ngành liên quan cần đeo bám các cơ quan Trung ương có quan tâm và giải quyết sớm.
Bà Tuyết khẳng định, Đoàn ĐBQH TP.HCM ghi nhận, tiếp thu tất cả kiến nghị của các sở, ngành. Các kiến nghị này xác đáng, trong đó có nhiều nội dung các ngành đã đề xuất đến nay chưa giải quyết. Sau buổi giám sát, Đoàn ĐBQH TP.HCM sẽ báo cáo đề xuất riêng đối với các kiến nghị đến Tổ công tác đặc biệt của Quốc hội. Đồng thời, gửi Chính phủ và các bộ ngành liên quan, báo cáo gửi UBND TP.HCM để có sự quan tâm, giải quyết nhanh hơn, quyết liệt hơn.