Trong các năm 2017, 2018 và 6 tháng đầu năm 2019, TP.HCM có đến 6.825 công trình vi phạm trật tự xây dựng, trong đó chủ yếu là xây dựng không phép. Trước tình trạng vi phạm xây dựng gia tăng, TP.HCM đã siết chặt quản lý, ngăn chặn, cưỡng chế ngay từ đầu công trình vi phạm.
Theo Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM Lê Hòa Bình, thời gian qua tình trạng vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn thành phố diễn ra phổ biến và phức tạp, nhất là các quận huyện có tốc độ đô thị hóa cao.
Trong 6 tháng đầu năm nay, TP.HCM có 1.640 trường hợp vi phạm xây dựng, tăng 448 vụ so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, công trình xây dựng sai phép là 619 trường hợp, tập trung nhiều ở quận 9, Thủ Đức, Bình Tân. Số công trình không phép là 616 trường hợp, tập trung nhiều ở quận 9, 12, Bình Tân. Ngoài ra, còn 405 công trình có vi phạm khác như không che chắn, rơi vãi vật liệu xây dựng, không đủ điều kiện khởi công…
Đáng chú ý, tình hình vi phạm trật tự xây dựng phần lớn là tình trạng xây dựng không phép (chiếm 51,2% trên tổng số công trình vi phạm trên địa bàn thành phố), trong đó đủ điều kiện cấp phép chiếm tỷ lệ 26,5%, không đủ cấp phép chiếm tỷ lệ 73,5% trên tổng số công trình xây dựng không phép.
Ông Lê Hòa Bình cho rằng, phần lớn công trình xây dựng không phép hiện nay thuộc trường hợp không đủ điều kiện để cấp phép như xây dựng trên đất chưa chuyển đổi mục đích sử dụng đất, đất không được phép xây dựng. Tình trạng người dân tự ý chuyển mục đích sử dụng đất không đúng quy định để phân lô bán nền nhằm xây dựng nhà ở trên đất nông nghiệp đã làm phá vỡ quy hoạch, hình thành các khu dân cư tự phát, không có cơ sở hạ tầng đồng bộ, không dịch vụ, tiện ích…gây mất an ninh trật tự trên địa bàn.
Trước tình hình này, UBND TP.HCM ngày 12.8 đã ban hành kế hoạch kế hoạch 3333/KH-UBND để triển khai các giải pháp tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về trật tự xây dựng trên địa bàn thành phố.
Theo đó, TP.HCM yêu cầu phải xây dựng cơ chế phối hợp mang tính đồng bộ, thống nhất trong lực lượng làm công tác quản lý nhà nước; thực hiện cơ chế giao ban định kỳ, đột xuất, phối hợp xử lý các “điểm nóng” về trật tự xây dựng; đồng thời xây dựng cơ chế thông tin, liên thông trong công tác kiểm tra, xử lý công trình vi phạm giữa Sở Quy hoạch - Kiến trúc, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng với UBND các quận, huyện để kịp thời cập nhật biến động thông tin về công trình xây dựng.
Đáng chú ý với kế hoạch này, mọi đơn vị đều phải giám sát, phát hiện vi phạm và trao đổi, phản ánh thông tin lẫn nhau; phân định rõ thẩm quyền, trách nhiệm xử lý của từng cơ quan, đơn vị, không để xảy ra chồng chéo trong xử lý.
Về nguyên tắc xử lý các công trình xây dựng vi phạm, mọi vi phạm hành chính phải được phát hiện, ngăn chặn kịp thời và phải bị xử lý nghiêm minh, mọi hậu quả do vi phạm hành chính gây ra phải được khắc phục theo đúng quy định của pháp luật.
Công tác phối hợp trong cưỡng chế tháo dỡ công trình vi phạm đảm bảo thực hiện nghiêm các quyết định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự xây dựng đã có hiệu lực thi hành, trên cơ sở căn cứ vào nội dung, tính chất, mức độ, điều kiện tổ chức cưỡng chế và tình hình thực tế ở địa phương để triển khai thực hiện.
Thành phố cũng yêu cầu các cơ quan kịp thời kiểm tra, ngăn chặn và xử lý ngay từ đầu các hành vi vi phạm trật tự xây dựng, không để công trình vi phạm hoàn thành đưa vào sử dụng.
Người đứng đầu liên quan trực tiếp đến công tác quản lý nhà nước về trật tự xây dựng trên địa bàn sẽ chịu trách nhiệm cao nhất khi để xảy ra các sai phạm. Các cá nhân, tổ chức tham gia hoạt động xây dựng phải chấp hành nghiêm quy định của pháp luật về đầu tư xây dựng. Trường hợp cố tình vi phạm, không chấp hành các quyết định xử lý hành chính thì tùy vào mức độ vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định pháp luật hành chính và pháp luật hình sự.
Phan Diệu