Các thân nhân liệt sĩ được lấy vân tay làm sinh trắc học và lấy mẫu máu để xét nghiệm ADN với hy vọng một ngày gần nhất họ sẽ nhận được hài cốt người thân của mình.
Sự kiện

TP.HCM: Thân nhân liệt sĩ xét nghiệm ADN để tìm hài cốt người thân

Hồ Quang 26/07/2024 15:20

Các thân nhân liệt sĩ được lấy vân tay làm sinh trắc học và lấy mẫu máu để xét nghiệm ADN với hy vọng một ngày gần nhất họ sẽ nhận được hài cốt người thân của mình.

Sáng nay (26.7), Công an TP.HCM phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP.HCM tổ chức chương trình thu nhận mẫu ADN cho thân nhân của liệt sĩ chưa được xác định được danh tính trên địa bàn TP.

tphcm-hang-chuc-than-nhan-liet-si-xet-nghiem-adn-tim-nguoi-than-hinh-anh.png
Bà Huỳnh Thị Bảy (80 tuổi, ngụ phường Tân Thành, quận Tân Phú) được người nhà đưa bằng xe lăn đến nơi lấy mẫu máu xét nghiệm ADN với hy vọng tìm được hài cốt liệt sĩ là người thân của gia đình - Ảnh: PV

Trong ngày đầu tiên, hơn 30 thân nhân liệt sĩ trên địa bàn TP.HCM chưa xác định được danh tính đã tập trung tại Trung tâm Y tế Vạn Hạnh (quận 3, TP.HCM) để lấy dấu vân tay làm sinh trắc học và lấy máu xét nghiệm ADN… để mong tìm được hài cốt người thân.

Từ nhiều năm qua, chương trình đi tìm đồng đội đã thu thập được rất nhiều hài cốt liệt sĩ bị mất tích, nhưng đến nay vẫn còn hàng trăm nghìn liệt sĩ chưa tìm thấy hài cốt. Đó không chỉ là nỗi đau đáu của những thân nhân liệt sĩ mà còn là của các ngành chức năng.

Được người nhà đưa đến trên chiếc xe lăn, ngồi chờ đến lượt lấy máu làm xét nghiệm ADN, bà Huỳnh Thị Bảy (80 tuổi, ngụ phường Tân Thành, quận Tân Phú) cho biết, anh trai của bà là liệt sĩ Huỳnh Văn Bé (83 tuổi) đi bộ đội từ năm 20 tuổi và hy sinh trong một trận đánh ác liệt ở Hố Nai (tỉnh Đồng Nai). Tuy nhiên, bà không nhớ rõ vào năm nào mà chỉ biết đồng đội báo tử và không lấy được thi hài. Dù sau ngày đất nước thống nhất, gia đình bà có đi tìm nhưng vẫn không thể tìm thấy hài cốt của ông Bé.

tphcm-hang-chuc-than-nhan-liet-si-xet-nghiem-adn-tim-nguoi-than-hinh-anh-1.png
Nhân viên y tế hướng dẫn thân nhân của liệt sĩ điền thông tin vào "Phiếu đăng ký sử dụng dịch vụ giải mã gien di truyền" - Ảnh: PV

Suốt bao năm qua, bà Bảy và gia đình vẫn luôn chờ đợi và hy vọng có ngày sẽ tìm được hài cốt người anh trai của mình. “Gia đình tôi rất vui, hạnh phúc khi được Đảng, Nhà nước tổ chức đi tìm hài cốt cho anh. Hy vọng chương trình này sẽ hỗ trợ tìm được hài cốt của anh tôi để gia đình thờ tự được gần gũi và ấm cúng hơn”, bà Bảy chia sẻ.

Ngồi ở hàng ghế cuối chờ lấy vân tay sinh trắc học và lấy mẫu máu xét nghiệm ADN để tìm hài cốt anh trai của mình, ông Đỗ Văn Cường (57 tuổi, ngụ phường 1, quận Phú Nhuận) cho biết gia đình ông có 3 trai, 3 gái. Anh trai ông là liệt sĩ Đỗ Văn Bé (73 tuổi), là anh cả trong gia đình. Khi đi bộ đội đội, ông Bé mới 15 - 16 tuổi và đã hy sinh trong một trận đánh ác liệt trong cuộc Tổng tiến công nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 tại huyện Mỏ Cày Nam (tỉnh Bến Tre). Khi ấy, ông Bé chưa đầy 17 tuổi.

Sau khi ông Bé hy sinh, gia đình có nhận giấy báo tử và được cho biết là không lấy được thi hài. Từ đó đến nay, gia đình chỉ lấy nắm đất nơi xảy ra trận đánh mà ông Bé hy sinh để chôn cất và thờ cúng.

Ông Cường cho biết, từ khi mẹ ông còn sống, bà vẫn luôn đau đáu tìm được hài cốt của con trai để về chôn cất, nếu không bà sẽ không an lòng khi “nhắm mắt xuôi tay”. Tuy nhiên, điều mong muốn ấy của mẹ ông đã không thành hiện thực.

“Giờ đây, mẹ tôi đã mất, nếu tìm được hài cốt của anh trai chắc ở nơi suối vàng bà cũng vui lắm”, ông Cường bịn rịn nói.

tphcm-hang-chuc-than-nhan-liet-si-xet-nghiem-adn-tim-nguoi-than-hinh-anh-2(1).png
Thân nhân liệt sĩ tiến hành lấy mẫu máu để xét nghiệm ADN... để tìm hài cốt người thân - Ảnh: PV

Thượng tá Hồ Thị Lãnh, Phó phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội (Công an TP.HCM) cho biết, việc lấy mẫu ADN cho thân nhân các gia đình liệt sĩ chưa xác định được danh tính là bước chuẩn bị cho lộ trình thực hiện Đề án 06 Chính phủ trong việc tìm kiếm, xác định danh tính hài cốt các liệt sĩ.

Mẫu ADN của các liệt sĩ chưa xác định được danh tính và toàn bộ thân nhân sẽ được giám định, lưu trữ trong ngân hàng gien. Đây là ngân hàng đã được Bộ Công an cho ra mắt hôm 23.7 vừa qua với mục tiêu đến năm 2030 xác định danh tính khoảng 20.000 mẫu bằng phương pháp giám định ADN, xác minh 60% mộ liệt sĩ còn thiếu thông tin bằng phương pháp thực chứng.

"Đây là việc làm hết sức ý nghĩa, đòi hỏi phải gấp rút tìm kiếm, trả lại tên cho các anh hùng liệt sĩ càng nhanh càng tốt vì thời gian và điều kiện môi trường khắc nghiệt không cho phép kéo dài", bà Lãnh nói.

Bài liên quan
Bộ Y tế đề nghị công nhận liệt sĩ với nhân viên y tế hy sinh khi chống dịch
Bộ Y tế đề nghị công nhận liệt sĩ đối với nhân viên y tế hy sinh do mắc COVID-19 trong khi trực tiếp phòng chống dịch.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
4 người chết, 78 người bị thương do bão số 3
10 giờ trước Theo dòng thời sự
Tính đến 17 giờ ngày 7.9, bão số 3 đã làm 4 người chết, 78 người bị thương và gây mất điện diện rộng tại Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Hải Dương.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
TP.HCM: Thân nhân liệt sĩ xét nghiệm ADN để tìm hài cốt người thân