Quận 11 có nhu cầu tuyển 21 giáo viên tiếng Anh nhưng không có ứng viên, quận Bình Tân chỉ có một ứng viên trúng tuyển nhưng cuối cùng cũng chuyển công tác...

TP.HCM: Thiếu giáo viên Tin - Anh cho chương trình giáo dục phổ thông mới

21/07/2020, 16:33

Quận 11 có nhu cầu tuyển 21 giáo viên tiếng Anh nhưng không có ứng viên, quận Bình Tân chỉ có một ứng viên trúng tuyển nhưng cuối cùng cũng chuyển công tác...

Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM Nguyễn Văn Hiếu báo cáo tại cuộc họp-Ảnh: P.V

Sáng 21.7, Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM đã có buổi làm việc với Sở GD-ĐT TP.HCM về việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới. Có nhiều vấn đề được đặt ra tại buổi làm việc, trong đó công tác tuyển dụng giáo viên thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới được Sở GD-ĐT TP.HCM đặc biệt quan tâm.

Ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM cho biết, theo kế hoạch ban đầu, giáo viên tiểu học trên địa bàn thành phố có 15 ngày tham gia bồi dưỡng trực tuyến, sau đó tiếp tục bồi dưỡng trực tiếp với các giảng viên Trường Đại học Sư phạm TP.HCM. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 nên kế hoạch bồi dưỡng trực tiếp phải lùi lại. Hiện nay, thành phố đã hoàn tất bồi dưỡng cho gần 500 giáo viên cốt cán của các quận, huyện, mỗi trường tiểu học một giáo viên cốt cán.

Ông Hiếu cho rằng, với hai môn Tiếng Anh và Tin học, nếu như trước đây theo hình thức xã hội hóa (chương trình tự chọn, học phí thu theo thỏa thuận với phụ huynh) nhưng theo chương trình giáo dục phổ thông mới, các môn này sẽ triển khai bắt buộc từ lớp 3 và tự chọn đối với hai khối 1, 2. Để triển khai các môn học này, khó khăn lớn nhất hiện nay đối với các cơ sở giáo dục là tuyển dụng giáo viên do chưa có quy định trong đề án vị trí việc làm.

Theo quy định hiện nay, giáo viên tiếng Anh phải có bằng cử nhân sư phạm mới đủ điều kiện giảng dạy ở bậc tiểu học. Do đó, trong năm học 2019-2020, một số quận, huyện gặp khó khăn về tuyển dụng như quận 11 có nhu cầu tuyển 21 giáo viên tiếng Anh nhưng không có ứng viên, quận Bình Tân chỉ có một ứng viên trúng tuyển nhưng cuối cùng cũng chuyển công tác.

Trước thực tế đó, Sở GD-ĐT TP.HCM kiến nghị Bộ GD-ĐT có văn bản chỉ đạo cụ thể định biên cho ngành giáo dục khi thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, đặc biệt là hai môn Tin học và Tiếng Anh. Theo đó, Thông tư 32 về Ban hành Chương trình giáo dục phổ thông 2018, hai môn Tiếng Anh và Tin học là môn học bắt buộc, các địa phương cần có đầy đủ căn cứ pháp lý để chỉ đạo và hướng dẫn các trường xây dựng bổ sung vị trí việc làm đối với 2 môn học này, đảm bảo đủ định biên theo định mức số tiết quy định.

Hiện các cơ sở giáo dục còn gặp khó khăn trong việc dự toán kinh phí hàng năm để thực hiện Đề án tổ chức tập huấn, bồi dưỡng chương trình giáo dục phổ thông mới và bồi dưỡng giáo viên dạy các môn Tin học và Công nghệ, Lịch sử và Địa lý, Khoa học tự nhiên cho cán bộ quản lý và giáo viên của TP.

Theo ông Nguyễn Văn Hiếu, cả 5 bộ SGK do Bộ GD-ĐT phê duyệt đều đã được các trường tiểu học trên địa bàn TP lựa chọn, trong đó bộ “Chân trời sáng tạo” do Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam phát hành chiếm tỷ lệ cao nhất.

Đại diện Sở GD-ĐT TP.HCM khẳng định, việc lựa chọn sách giáo khoa đảm bảo tính khách quan, minh bạch. ​Tất cả trường tiểu học đã hoàn tất việc này. Theo đó, từ 29.7 đến 1.8, giáo viên các trường tiểu học sẽ được tập huấn về SGK.

Tường Anh

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tuyên bố chung Việt Nam - Trung Quốc
8 giờ trước Sự kiện
Ngày 14.10, Việt Nam và Trung Quốc nhất trí ra Tuyên bố chung, nhân chuyến thăm chính thức Việt Nam của Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
TP.HCM: Thiếu giáo viên Tin - Anh cho chương trình giáo dục phổ thông mới