Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đã chấp thuận đề xuất của nhóm công tác liên ngành về việc thu hồi ngân sách nhà nước TP.HCM số tiền sử dụng đất dự kiến thanh toán cho dự án đầu tư xây dựng 4 tuyến đường chính trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm (khoảng 1.800 tỉ đồng).

TP.HCM thu hồi 1.800 tỉ từ dự án 4 tuyến đường ở Thủ Thiêm

Phan Thị Diệu | 08/10/2019, 05:59

Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đã chấp thuận đề xuất của nhóm công tác liên ngành về việc thu hồi ngân sách nhà nước TP.HCM số tiền sử dụng đất dự kiến thanh toán cho dự án đầu tư xây dựng 4 tuyến đường chính trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm (khoảng 1.800 tỉ đồng).

Chủ tịch TP.HCM giao Sở Tài chính khẩn trương rà soát, dự thảo văn bản của nhóm công tác liên ngành tham mưu, đề xuất UBND TP.HCM trước ngày 10.10.2019. Đồng thời, giao Ban quản lý Đầu tư - Xây dựng Khu đô thị mới Thủ Thiêm dự thảo văn bản UBND TP.HCM gửi Thanh tra Chính phủ xin ý kiến về việc tính lãi suất chậm nộp và việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tương ứng với số tiền sẽ nộp (gồm hơn 1.800 tỉ đồng và lãi suất chậm nộp).

Đáng chú ý, bên cạnh việc thu hồi tiền, ông Nguyễn Thành Phong cũng có chỉ đạo về các phương án phân lô bố trí nền đất tái định cư cho các hộ dân thuộc khu 4,39 ha phường Bình An theo như đề nghị của UBND quận 2. Cụ thể, ông Phong giao Sở Quy hoạch - Kiến trúc khẩn trương rà soát và dự thảo tờ trình cho UBND TP.HCM báo cáo đề nghị Bộ Xây dựng hướng dẫn phương án chiều ngang mỗi nền đất có kích thước 4,5 m.

Sau khi có ý kiến chấp thuận của Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch UBND TP.HCM giao UBND Quận 2 và Ban quản lý Đầu tư - Xây dựng Khu đô thị mới Thủ Thiêm tổ chức lập điều chỉnh cục bộ đồ án quy hoạch phân khu 1/2.000 tại khu vực có liên quan đến 3 khu đất tái định cư, trình thẩm định, phê duyệt theo quy định.

Ngoài ra, ông còn giao Ban quản lý Đầu tư - Xây dựng Khu đô thị mới Thủ Thiêm xem xét thẩm định, phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 đối với 12 lô đất có chức năng quy hoạch đất nhà ở - thương mại - dịch vụ, để phục vụ đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định.

Cơ quan này phối hợp Sở Quy hoạch - Kiến trúc lập điều chỉnh cục bộ đồ án quy hoạch phân khu 1/2.000 đối với 3 lô đất có chức năng quy hoạch đất trường học, trình thẩm định, phê duyệt theo quy định. Sau khi điều chỉnh cục bộ quy hoạch được phê duyệt, giao Ban quản lý Đầu tư - Xây dựng Khu đô thị mới Thủ Thiêm xem xét, thẩm định, phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 đối với 3 lô đất này, để phục vụ đấu giá quyền sử dụng đất.

Liên quan đến số tiền 1.800 tỉ đồng, trong kết luận 1037 ngày 26.6 của Thanh tra Chính phủ đã chỉ rõ, các khu đất thanh toán đối ứng cho dự án 4 tuyến đường ở Thủ Thiêm dính nhiều vi phạm.

Cụ thể, việc thành phố xác định giá trị quyền sử dụng đất các khu đất đối ứng để thanh toán hợp đồng BT khoảng 12.000 tỉ đồng khi chưa có chứng thư thẩm định giá, chưa có quyết định phê duyệt giá trị quyền sử dụng đất là không đúng quy định. Việc này dẫn đến chênh lệch giảm tiền sử dụng đất 3.901 tỉ đồng so với giá trị đã được phê duyệt trước đó, nguy cơ thiệt hại ngân sách.

Mặc dù việc xác định giá trị quyền sử dụng đất để thanh toán đối ứng cho dự án BT 4 tuyến đường chính chưa đúng quy định, nhưng UBND TP.HCM đã tính tiền sử dụng đất nhà đầu tư phải nộp trên 4.225 tỉ đồng, đã nộp 2.376 tỉ đồng, số còn lại đến nay chưa nộp trên 1.800 tỉ đồng.

Tại buổi họp báo diễn ra ngày 14.8, ông Võ Văn Hoan - Phó chủ tịch UBND TP.HCM cho rằng số tiền hơn 1.800 tỉ này hoàn toàn là sai sót của thành phố. Khi doanh nghiệp thực hiện triển khai dự án, sau khi cân đối sơ bộ thì còn 1.800 tỉ phải trả cho TP.HCM. Tuy nhiên, lúc đó TP.HCM tạm ứng cho doanh nghiệp để làm quảng trường nhưng doanh nghiệp chưa làm.

Về phương án giải quyết, UBND TP.HCM đã có buổi làm việcvà yêu cầu doanh nghiệp này hoàn trả lại số tiền trên cùng với tiền lãi phát sinh tương ứng với với lãi suất 12 tháng của 4 ngân hàng thương mại cổ phần. Ngoài ra, thành phố kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý thuế giá trị gia tăng đối với các hợp đồng BT tại dự án BT 4 tuyến đường chính.

Phan Diệu
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính: Không để thiếu điện trong bất cứ trường hợp nào
Với mục tiêu không để thiếu điện trong bất cứ trường hợp nào, Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành, cơ quan chủ động đánh giá, dự báo sát tình hình; xây dựng các phương án, kể cả phương án xấu nhất.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
TP.HCM thu hồi 1.800 tỉ từ dự án 4 tuyến đường ở Thủ Thiêm