Sáng 14.5, HĐND TP.HCM phối hợp với Đài Truyền hình TP.HCM, Sở TT-TT tổ chức chương trình Dân hỏi - Chính quyền trả lời với chủ đề "Đầu tư chuyển đổi số trong quản lý nhà nước phục vụ người dân và doanh nghiệp”.

TP.HCM: Triển khai ứng dụng di động thống nhất để phục vụ người dân, doanh nghiệp

Tú Viên | 14/05/2023, 15:21

Sáng 14.5, HĐND TP.HCM phối hợp với Đài Truyền hình TP.HCM, Sở TT-TT tổ chức chương trình Dân hỏi - Chính quyền trả lời với chủ đề "Đầu tư chuyển đổi số trong quản lý nhà nước phục vụ người dân và doanh nghiệp”.

Tại chương trình, nhiều đại biểu cho rằng TP.HCM cần đánh giá về những thuận lợi, khó khăn từ khi ứng dụng công nghệ thông tin vào việc giải quyết thủ tục hồ sơ. Đặc biệt là đường truyền mạng, đường truyền dữ liệu thỉnh thoảng không truy cập được và xảy ra lỗi trong quá trình thao tác, phải thao tác lại từ đầu. Trong thời gian tới, TP cần có giải pháp để khắc phục.

Trả lời câu hỏi của cử tri, Giám đốc Sở TT-TT Lâm Đình Thắng cho biết TP đã triển khai và ra mắt Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính với quy mô toàn TP. Hệ thống được triển khai đồng bộ, liên thông và thống nhất tất cả quận huyện, TP.Thủ Đức, sở ban ngành; đồng thời tích hợp với Cổng dịch vụ công quốc gia.

14-05-2023-dau-tu-cac-giai-phap-phan-mem-ung-dung-tien-ich-thiet-bi-dong-bo-phuc-vu-nhan-dan-va-doanh-nghiep-f68f4561-details.jpeg
Chương trình Dân hỏi - Chính quyền trả lời với chủ đề "Đầu tư chuyển đổi số trong quản lý nhà nước phục vụ người dân và doanh nghiệp” thángg 5.2023

Ngoài ra, khi tham gia hệ thống, các cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức sẽ được mang lại một số lợi ích như: Đăng ký, theo dõi hồ sơ và nhận kết quả trực tuyến; kịp thời nắm bắt các thông tin thay đổi thủ tục hành chính, cũng như thông tin công khai về tiến trình xử lý thủ tục hành chính; được hỗ trợ giải đáp kịp thời bằng nhiều hình thức trực tuyến khác nhau với thời gian 24/7 thông qua tổng đài 1022 nhánh số 2 hoặc phản ánh ý kiến trực tiếp trên Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của TP…

Để người dân, doanh nghiệp có thể cùng chính quyền TP thực hiện việc chuyển đổi số thành công, sở sẽ làm việc với các đơn vị viễn thông để có chính sách hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp đối với các dịch vụ mạng internet. Đồng thời, TP sẽ tăng cường triển khai các điểm hỗ trợ cho người dân đăng ký dịch vụ công trực tuyến.

Trao đổi ý kiến cử tri về chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế, Phó giám đốc Sở Y tế Nguyễn Anh Dũng cho biết, với mục tiêu chuyển đổi số để người dân được chăm sóc sức khỏe tốt hơn, những năm qua ngành y tế TP đã triển khai nhiều phần mềm, ứng dụng để giúp người dân có thể tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe một cách tiện lợi hơn và nhanh chóng hơn.

Ngoài ra, chuyển đổi số còn giúp tối ưu hóa quá trình chăm sóc sức khỏe, đảm bảo tính hiệu quả và an toàn trong điều trị bệnh, cụ thể như: Ứng dụng “Tra cứu khám chữa bệnh”; “Cổng tra cứu hành nghề tư nhân”; ứng dụng “Y tế trực tuyến”; “Hệ thống ki ốt khảo sát thời gian thực ý kiến không hài lòng của người bệnh tại các bệnh viện”... đặt tại các bệnh viện công lập để cung cấp công cụ cho người bệnh phản ánh khi không hài lòng.

Bên cạnh đó, các cơ sở khám chữa bệnh hiện nay đang tích cực đẩy mạnh hoạt động chuyển đổi số tại đơn vị, trọng tâm là phát triển, cung cấp ngày càng nhiều ứng dụng tiện ích phục vụ người bệnh trong suốt quy trình khám bệnh và điều trị tại bệnh viện. Nhiều bệnh viện đã triển khai hệ thống Đặt lịch khám trực tuyến cho phép người dân đăng ký và đặt khám ngay tại nhà mà không cần đến bệnh viện, quét thẻ CCCD gắn chip tích hợp BHYT trong khám, chữa bệnh, ki ốt tra cứu giá dịch vụ kỹ thuật, giá thuốc để tìm các thông tin khám chữa bệnh, chi phí về dịch vụ kỹ thuật, thuốc phải thanh toán.

Tại chương trình, Phó chủ tịch UBND TP Dương Anh Đức cho biết, đến năm 2025, TP sẽ tập trung triển khai chiến lược quản trị dữ liệu ưu tiên các nhóm dữ liệu về người dân, nhóm dữ liệu tài chính - doanh nghiệp, nhóm dữ liệu về đất đai - đô thị. Các dữ liệu này sẽ phục vụ người dân và chính quyền trong công tác chỉ đạo điều hành trong thời gian sắp tới.

UBND TP giao Sở TT-TT và các sở ngành tập trung triển khai các nền tảng số trọng yếu của TP để có thể chia sẻ và khai thác dữ liệu dùng chung, phục vụ người dân, doanh nghiệp và chính quyền. Các hệ thống này sẽ được triển khai thống nhất từ cấp TP, quận huyện, phường xã và thị trấn.

Để hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận được các hỗ trợ tài chính, từ năm 2020, TP đã ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện chương trình kết nối các ngân hàng, tổ chức tín dụng và nhà nước để hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn TP giai đoạn năm 2020-2025. Triển khai kế hoạch này, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh TP cùng UBND các quận huyện và TP.Thủ Đức đã tổ chức các hoạt động đối thoại và kết nối để hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận các hỗ trợ tài chính từ ngân hàng.

Về vấn đề xã hội hóa hoặc sử dụng dịch vụ ứng dụng chuyển đổi số, TP luôn mong muốn huy động tối đa các nguồn lực từ xã hội để cùng thực hiện Chương trình chuyển đổi số của TP và đề nghị các doanh nghiệp có các đề xuất cụ thể để xã hội hóa hoặc thực hiện theo hình thức đối tác công tư để TP nghiên cứu áp dụng.

Về công tác đào tạo nguồn lực chuyển đổi số, theo Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức, đây là nhiệm vụ TP.HCM triển khai ngay từ đầu trong tiến trình thực hiện chính quyền số. Năm 2022, TP.HCM đã đào tạo trên 1.000 cán bộ phục vụ chuyển đổi số. Ngoài ra, Bộ TT-TT đã tổ chức đào tạo trực tuyến cho cán bộ cấp xã về chuyển đổi số. TPHCM đã giới thiệu hơn 500 cán bộ xã, phường, thị trấn tham gia chương trình. Sắp tới, các sở ngành sẽ tiếp tục có các chương trình đào tạo cán bộ chuyển đổi số cho các địa phương.

Kết luận tại chương trình, Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP Lê Trương Hải Hiếu cho rằng thời gian qua các cấp chính quyền TP đã có những chuyển biến tích cực, sự nỗ lực và chủ động trong việc chuyển đổi số. Người dân được thụ hưởng nhiều dịch vụ tiên tiến, thuận lợi với chất lượng không ngừng được nâng cao.

Ông Lê Trương Hải Hiếu đề nghị UBND TP và các sở ngành TP tiếp tục tập trung sớm hoàn chỉnh hệ thống dữ liệu TP, liên thông dữ liệu giữa các ngành và dữ liệu dân cư dưới dạng trục dữ liệu; đảm bảo an toàn dữ liệu của nhân dân; đề xuất ngân sách TP đầu tư cho công tác xây dựng, vận hành và an toàn dữ liệu, an toàn thông tin.

Đồng thời, TP đầu tư các giải pháp phần mềm, ứng dụng, tiện ích, thiết bị đồng bộ phục vụ nhân dân và doanh nghiệp; nghiên cứu sớm đưa máy vi tính ra khỏi danh mục mua sắm tập trung. Các chi phí phát sinh khi sử dụng dịch vụ chuyển đổi số cần tính toán sao cho người dân được sử dụng những dịch vụ tiện ích, giảm thời gian đi lại với chi phí phù hợp cho người dân...

Bài liên quan
Mekong Startup năm 2024: ‘Chuyển đổi xanh, chuyển đổi số là chiến lược ưu tiên hàng đầu’
Sáng 16.11, phiên toàn thể Diễn đàn khởi nghiệp ĐBSCL lần 2 (Mekong Startup năm 2024) đã diễn ra tại TP.Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT giải trình cụ thể về chính sách đột phá tiền lương giáo viên
2 giờ trước Giáo dục
Sáng 20.11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Nhà giáo. Bộ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) có giải trình cụ thể về ý kiến đại biểu nêu ra liên quan chính sách đột phá về tiền lương, phụ cấp của nhà giáo tại dự luật.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
TP.HCM: Triển khai ứng dụng di động thống nhất để phục vụ người dân, doanh nghiệp