Dù TP.HCM đã mở cả chiến dịch tháng cao điểm tiêm phòng vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 18 tuổi, nhưng đến nay tỷ lệ tiêm vắc xin cho trẻ trong độ tuổi trên vẫn thấp hơn nhiều so với trung bình cả nước.

TP.HCM: Tỷ lệ tiêm vắc xin COVID-19 cho trẻ dưới 18 tuổi quá thấp so với cả nước

Hồ Quang | 09/08/2022, 19:56

Dù TP.HCM đã mở cả chiến dịch tháng cao điểm tiêm phòng vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 18 tuổi, nhưng đến nay tỷ lệ tiêm vắc xin cho trẻ trong độ tuổi trên vẫn thấp hơn nhiều so với trung bình cả nước.

Sau một thời gian tổ chức tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 18 tuổi có tỷ lệ còn thấp, đến đầu tháng 8.2022, TP.HCM mở chiến dịch tháng cao điểm tiêm vắc xin cho trẻ trong độ tuổi trên, nhưng đến nay tỷ lệ này vẫn còn thấp hơn nhiều so với tỷ lệ trung bình của cả nước.

tphcm-ty-le-tiem-vac-xin-cho-tre-duoi-18-tuoi-thap-so-voi-ca-nuoc-hinh-anh(1).png
Trẻ được tiêm vắc xin phòng COVID-19 tại TP.HCM - Ảnh: PV

Ngày 9.8, Sở Y tế TP.HCM cho biết đến nay tỷ lệ trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi được tiêm mũi 1 tại TP chỉ có 51,2% (trong khi cả nước là 71%), tỷ lệ tiêm mũi 2 ở độ tuổi này là 26,9% (cả nước là 39,9%), tỷ lệ tiêm mũi 3 cho trẻ từ 12 đến dưới 18 tuổi là 25,5% (cả nước là 38,1%).

Trong khi đó, qua 1 tuần triển khai chiến dịch tháng cao điểm tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 18 tuổi, nhiều quận có lượt tiêm mỗi ngày chưa đến 200 lượt như các quận 4, Tân Bình, 3, 5, 10, huyện Cần Giờ…, thậm chí quận 4 và quận Tân Bình mới triển khai tiêm từ ngày hôm qua (8.8).

Sở Y tế cho biết, chỉ có TP.Thủ Đức và huyện Bình Chánh là 2 địa phương có tổng số lượt tiêm trong trong 7 ngày qua đạt mức cao nhất, trong đó TP.Thủ Đức có 13.305 lượt và huyện Bình Chánh có 11.305 lượt. Trong khi đó quận Tân Bình chỉ có 531 lượt, thậm chí quận 4 chỉ có 113 lượt. Đây là 2 quận vẫn chưa triển khai tiêm cho trẻ ngay tại trường học theo yêu cầu của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch TP, chỉ tổ chức tiêm tại bệnh viện, trung tâm y tế.

Đánh giá về việc sau thời gian 1 tuần triển khai chiến dịch tháng cao điểm tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 18 tuổi, Sở Y tế cho rằng có những trở ngại lớn khiến cho số lượng trẻ tiêm còn thấp, nhất là nhiều quận, huyện có tỷ lệ đồng thuận của phụ huynh còn thấp (dưới 50%), một số quận, huyện có tỷ lệ tiêm so với tỷ lệ đồng thuận tiêm chưa cao (dưới 80%).

Một số quận, huyện có tỷ lệ tiêm thấp nhưng chưa thật sự nỗ lực triển khai trong tuần đầu của tháng cao điểm, chưa sẵn sàng triển khai điểm tiêm vắc xin ngay tại trường học nơi trẻ đang theo học (đa số các quận, huyện ghép điểm tiêm trẻ em vào các điểm tiêm cộng đồng).

Bên cạnh đó, công tác truyền thông và thông tin đến phụ huynh về lợi ích của việc tiêm ngừa cho trẻ em, và nhất là hoạt động hướng dẫn phụ huynh cho trẻ đến điểm tiêm còn hạn chế.

Để 3 tuần còn lại của tháng cao điểm đạt kết quả tốt nhất, Sở Y tế đề nghị Sở giáo dục và đào tạo chỉ đạo Phòng giáo dục quận, huyện yêu cầu tất cả các cơ sở giáo dục trên địa bàn TP (có trẻ từ 5 đến dưới 18 tuổi đang theo học) khẩn trương thống kê danh sách học sinh trong độ tuổi tiêm chủng nhưng chưa được tiêm vắc xin đầy đủ theo quy định; khẩn trương cung cấp danh sách cho trung tâm y tế để phối hợp tổ chức tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho học sinh ngay tại trường học.

Sở Y tế yêu cầu 3 bệnh viện chuyên khoa Nhi (Bệnh viện Nhi đồng 1, Bệnh viện Nhi đồng 2, Bệnh viện Nhi đồng Thành Phố) tiếp tục chủ động liên hệ với các quận, huyện, TP.Thủ Đức theo địa bàn phụ trách để hỗ trợ các đội tiêm cho trẻ từ 5 đến dưới 18 tuổi trên địa bàn; tiếp tục phân công chuyên gia hồi sức cấp cứu nhi trực điện thoại 24/24 hỗ trợ chuyên môn cho các điểm tiêm về công tác cấp cứu, xử trí sự cố sau tiêm vắc xin phòng COVID-19; trong trường hợp khẩn cấp có thể kích hoạt quy trình báo động đỏ để được hỗ trợ xử trí tại chỗ kịp thời; phối hợp với Trung tâm kiểm soát bệnh tật tiếp tục đẩy mạnh truyền thông về tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ em từ 5 đến dưới 18 tuổi…

Riêng Trung tâm cấp cứu 115 luôn sẵn sàng bố trí các xe cấp cứu tại các khu vực có điểm tiêm; điều phối, kiểm tra, giám sát các đội cấp cứu thường trực tại các điểm tiêm lưu động, xử trí kịp thời các trường hợp tai biến sau tiêm chủng ngay tại điểm tiêm.

Đặc biệt, Sở Y tế đề nghị UBND quận huyện phải quyết liệt hơn trong công tác triển khai, kiểm tra, giám sát sự phối kết hợp giữa Phòng giáo dục, Phòng Y tế và Trung tâm Y tế trong tổ chức tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ em; đẩy mạnh công tác truyền thông về lợi ích của tiêm vắc xin đến từng người dân trên địa bàn, và chịu trách nhiệm trước chủ tịch UBND TP về kết quả tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ em trên địa bàn.

Bài liên quan
TP.HCM còn thiếu khoảng 14.000 cộng tác viên sức khỏe cộng đồng
Với gần 2,4 triệu hộ dân, TP.HCM cần hơn 16.000 cộng tác viên (CTV) sức khỏe cộng đồng nhưng hiện chỉ mới tuyển được hơn 2.000 người, còn thiếu khoảng 14.000 người chưa thể tuyển dụng được.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
'Trùm' xe điện Trung Quốc đặt nhà máy sản xuất tại Phú Thọ
BYD, hãng xe điện lớn nhất Trung Quốc chọn Phú Thọ làm nơi đặt nhà máy sản xuất với quy mô khoảng 100ha. Tuy nhiên, kế hoạch khởi công xây dựng đang bị chậm cho chiến lược và thị trường xe điện đang chững lại.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
TP.HCM: Tỷ lệ tiêm vắc xin COVID-19 cho trẻ dưới 18 tuổi quá thấp so với cả nước