TP.HCM khẳng định khi Bộ Y tế có chỉ đạo, hướng dẫn tiêm vắc xin nào cho trẻ em, tiêm như thế nào… thì TP mới có kế hoạch cụ thể về việc tiêm vắc xin cho trẻ còn CDC Hà Nội cho biết khi nào có vắc xin thì Thành phố mới có thể cụ thể hoá kế hoạch tiêm vắc xin cho trẻ em

TP.HCM và Hà Nội nêu lý do chưa có kế hoạch cụ thể về tiêm vắc xin cho trẻ

T.H | 19/10/2021, 06:40

TP.HCM khẳng định khi Bộ Y tế có chỉ đạo, hướng dẫn tiêm vắc xin nào cho trẻ em, tiêm như thế nào… thì TP mới có kế hoạch cụ thể về việc tiêm vắc xin cho trẻ còn CDC Hà Nội cho biết khi nào có vắc xin thì Thành phố mới có thể cụ thể hoá kế hoạch tiêm vắc xin cho trẻ em

Sở Y tế TP.HCM vừa có công văn gửi UBND Thành phố Thủ Đức và các quận, huyện yêu cầu khẩn trương rà soát lại danh sách người trên 18 tuổi đang cư trú trên địa bàn, thống kê báo cáo số người đã tiêm mũi 1, số người đã tiêm mũi 2, số người chưa tiêm mũi 2 để đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19.

Theo thống kê của Sở Y tế TP.HCM, đến ngày 17.10, thành phố đã tiến hành tiêm chủng 12.641.878 mũi vắc xin phòng COVID-19; trong đó có 7.116.611 người được tiêm mũi 1, đạt tỷ lệ mũi 1 là 98,6%; 5.475.267 người được tiêm mũi 2, đạt 75,4%.

Như vậy, số lượng vắc xin TP.HCM cần để tiêm mũi 2 dự kiến là khoảng 1.641.344 liều. Hiện, thành phố đã có đủ vắc xin dự kiến dùng để tiêm mũi 2.

Liên quan đến công tác tiêm chủng cho trẻ từ 12-17 tuổi, theo tờ trình của Sở Y tế gửi Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP.HCM, bắt đầu từ ngày 22.10, tất cả trẻ từ 12-17 tuổi đang sinh sống, học tập trên địa bàn thành phố, học sinh đang đi học từ lớp 6-12 sẽ được tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19.

UBND thành phố Thủ Đức và các quận, huyện đóng vai trò chủ đạo, phối hợp chặt chẽ với ngành giáo dục, ngành y tế trong việc tổ chức tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ và chịu trách nhiệm về việc đảm bảo độ bao phủ vắc xin cho trẻ.

Về hình thức triển khai, ngành y tế sẽ tổ chức chiến dịch tại các cơ sở cố định, điểm tiêm lưu động và trường học. Dự kiến sẽ có khoảng 780.000 trẻ được tiêm vắc xin. Loại vắc xin sử dụng là vắc xin đã được Bộ Y tế phê duyệt sử dụng cho lứa tuổi từ 12-17 tuổi. Vắc xin được sử dụng 2 liều cơ bản/đối tượng và tiêm cùng loại vắc xin.

Theo dự thảo, trẻ em trên toàn thành phố sẽ được tiêm vắc xin COVID-19 mũi 1 trong 5 ngày. Thời gian tiêm mũi 2 sẽ tùy vào hướng dẫn của nhà sản xuất vắc xin. Cha mẹ, người giám hộ thực hiện ký phiếu nếu đồng ý tiêm chủng cho trẻ. Sau khi tiêm, trẻ được cấp giấy xác nhận đã tiêm chủng vắc xin COVID-19.

Tuy nhiên, ông Phạm Đức Hải – Phó ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TP.HCM tại cuộc họp báo cung cấp thông tin về tình hình COVID-19 vào chiều qua18.10 khẳng định TP.HCM chưa có kế hoạch tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ từ 12 đến 17 tuổi

Theo ông Hải, ngày 14.10, Bộ Y tế có văn bản 8688 về việc tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ em từ 12 đến 17 tuổi. Thực hiện theo chỉ đạo Bộ Y tế , Sở Y tế có tờ trình cho UBND TP.HCM.

“Đây chỉ là tờ trình của Sở Y tế, chứ chưa có kế hoạch tiêm chủng cho trẻ từ 12 đến 17 tuổi. Khi Bộ Y tế có chỉ đạo, hướng dẫn tiêm vắc xin nào cho trẻ em, tiêm như thế nào… thì TP mới có kế hoạch cụ thể về việc tiêm vắc xin cho trẻ. Do đó, hiện nay TP chưa có kế hoạch tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ từ 12 đến 17 tuổi”, ông Hải khẳng định và cho biết: "Vừa rồi các báo thông tin TP.HCM có kế hoạch tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ từ 12 đến 17 tuổi là sai", ông Hải nói.

Còn tại Hà Nội, ông Khổng Minh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội cho biết: Hiện Hà Nội đang rà soát các đối tượng trẻ em đăng ký tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 tại các phường, xã. Tuy nhiên việc tiêm chủng cụ thể như thế nào thì vẫn chờ có vắc xin mới có thể có kế hoạch cụ thể. Hiện chưa biết khi nào nguồn vắc xin về, có hay không, dùng vắc xin nào. Khi nào có vắc xin thì Thành phố mới có thể cụ thể hoá kế hoạch tiêm chủng cho trẻ em”.

Về độ tuổi tiêm chủng cho trẻ em của Hà Nội, theo ông Khổng Minh Tuấn, điều này cũng phụ thuộc vào nguồn vắc xin, tuỳ thuộc số lượng sẽ tiêm cho các đối tượng trẻ từ 17 tuổi, rồi xuống 16 tuổi, 15 tuổi theo nguyên tắc hạ dần độ tuổi.

“Đặc biệt, với trẻ em, bắt buộc phải có bố mẹ đồng ý và ký vào giấy mới được tiêm chủng”, ông Khổng Minh Tuấn cho biết.

Theo đó, hiện toàn Thành phố Hà Nội có chưa tới 1 triệu trẻ ở độ tuổi từ từ 12 – 17 tuổi. Vì vậy, việc triển khai tiêm không quá khó khăn. Mọi công tác tiêm chủng để chuẩn bị cho chiến dịch tiêm vắc xin cho trẻ của Hà Nội đã sẵn sàng. Nếu tiêm trong thời điểm trẻ đến trường thì Thành phố sẽ tổ chức các điểm tiêm chủng tại trường học và sau đó tiêm vét tại xã, phường. Nếu tiêm trong thời điểm học sinh chưa đến trường, thì sẽ tổ chức tiêm tại các điểm tiêm chủng như vừa qua.

Bộ Y tế đã có kế hoạch, lộ trình triển khai tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ em. Dự kiến từ cuối tháng 10, Việt Nam sẽ triển khai tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ, ưu tiên cho trẻ từ 12- 17 tuổi tiêm trước và hạ dần độ tuổi, theo tiến độ cung ứng vắc xin và tình hình dịch tại địa phương.

Bộ Y tế cũng đề nghị các địa phương rà soát, thống kê số lượng trẻ em trên địa bàn theo các nhóm tuổi: Từ 3-11 tuổi; 12- 15 tuổi; 16-17 tuổi và đề xuất nhu cầu sử dụng vắc xin cho những nhóm tuổi này.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Kinh tế-xã hội Việt Nam gần đây và triển vọng trong năm nay - Bài 1: Những điểm sáng và thành tựu nổi bật
Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu suy giảm, nhờ sự phối hợp kịp thời, chặt chẽ, hiệu quả của các cơ quan trong hệ thống chính trị, sự điều hành chủ động, linh hoạt, quyết liệt của Chính phủ, sự đoàn kết, tin tưởng, ủng hộ của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp... tình hình kinh tế - xã hội nước ta năm 2023 đã phục hồi ổn định, sang năm 2024 càng phát triển. Trong loạt bài này, chúng tôi xin đề cập tới hiện trạng kinh tế - xã hội đất nước và triển vọng trong năm 2024.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
TP.HCM và Hà Nội nêu lý do chưa có kế hoạch cụ thể về tiêm vắc xin cho trẻ