Bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai – Chánh văn phòng Sở Y tế TP.HCM đã khẳng định như thế tại buổi họp báo thông tin về tình hình dịch COVID-19 vào chiều 27.1.
Theo Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM, tính đến nay TP có 92 ca nhiễm biến thể Omicron, trong đó có 87 ca nhập cảnh và chỉ có 5 ca trong cộng đồng. “Cả 5 ca trong cộng đồng này là chùm ca bệnh lây từ một phụ nữ Việt Kiều Mỹ nhập cảnh vào sân bay Cam Ranh (tỉnh Khánh Hòa). Như vậy, số ca nhiễm biến thể Omicron trong cộng đồng chỉ dừng lại ở 5 ca, không tăng thêm. Trong 5 ca cộng đồng đã truy vết được 185 trường hợp F1, nhưng tất cả đều âm tính. Các trường hợp nhiễm biến thể Omicron có 6 ca nhẹ, 4 ca nặng nhưng hiện các ca nặng này đã ổn định. Riêng 5 ca nhiễm biến thể Omicron trong cộng đồng đều không có triệu chứng”, ông Nguyễn Hồng Tâm – Phó giám đốc phụ trách Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP thông tin.
Để đối phó với biến chủng Omicron, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai – Chánh văn phòng Sở Y tế TP.HCM cho biết, Sở đã có tờ trình với Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 và phục hồi kinh tế về mở rộng hình thức cách ly.
Hiện nay, những người nhập cảnh dương tính với SARS- CoV-2 được cách ly tại Bệnh viện dã chiến số 12 , sau đó theo dõi và giải mã trình tự gien. Tuy nhiên, trong tình hình mới, Sở đã đề xuất Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 và phục hồi kinh tế của TP cho phép chuyển những người nhập cảnh dương tính với SAR-CoV-2 nặng đến các bệnh viện dã chiến đa tầng; những trường hợp ở mức độ trung bình chuyển đến Bệnh viện dã chiến số 12, hoặc những bệnh viện tư nhân đủ điều kiện; còn những trường hợp dương tính với SARS- CoV-2 nhẹ, không triệu chứng có thể cách ly tại nhà.
“Chúng tôi luôn tạo điều kiện tốt nhất, thuận lợi nhất để những người từ nước ngoài về quê đón Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022”, bà Mai nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, Sở Y tế cũng đã có văn bản hướng dẫn các cơ sở dịch vụ phân luồng, phân tuyến người bệnh có nguy cơ, đảm bảo cơ số thuốc, giường bệnh, trang thiết bị để khi có sự cố xảy ra không lúng túng.
Thành phố triển khai thêm các hướng dẫn giám sát việc cách ly phòng chống dịch, tăng cường kiểm tra giám sát và sẵn sàng ứng phó với việc gia tăng số ca nhiễm biến thể Omicron.
Đề cấp đến miễn dịch trong cộng đồng tại TP.HCM, bà Mai khẳng định đến thời điểm này TP vẫn chưa đạt được miễn dịch cộng đồng đối với dịch bệnh COVID-19. “Miễn dịch trong cộng đồng được xác định là phải tiêm vắc xin phòng COVID-19 đủ cho tất cả các người dân trên địa bàn TP. Tuy nhiên hiện nay, TP vẫn chưa tiêm đủ hết người dân, vì chưa được hướng dẫn, cụ thể là những trẻ dưới 12 tuổi chưa được tiêm. Như vậy TP vẫn chưa đạt miễn dịch cộng đồng”, bà Mai nói.
Dù hiện nay, số ca mắc COVID-19 ở TP đang xuống ở mức thấp nhất, số ca tử vong chỉ còn 1 con số và đang ngày càng giảm dần, nhưng TP vẫn hướng dẫn duy trì các biện pháp phòng chống dịch, thực hiện triệt để 5K, không tụ tập. Thành phố đang triển khai quyết liệt tiêm vắc xin phòng COVID-19, kể cả mũi tăng cường, mũi bổ sung để tăng miễn dịch cộng đồng.
Với những trường hợp nhập cảnh tại TP.HCM dương tính với SARS- CoV-2 được tiến hành lấy mẫu tất cả để giải mã trình tự gien tại Viện Pasteur và Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới. Thời gian để thực hiện giải mã trình tự gien là 4 ngày.
Trong thời gian qua, tất cả các trường hợp nhập cảnh dương tính với SARS-CoV-2 đều được tiến hành lấy mẫu giải mã trình tự gien, nhưng bà Mai cho biết, khi số ca nhiễm Omicron ở nước ngoài tăng cao, số ca nhiễm Omicron trong cộng đồng tăng cao thì việc lấy mẫu giải mã trình tự gien có thể sẽ thay đổi. “Lúc này, có thể ngành y tế TP sẽ lấy mẫu ngẫu nhiên những trường hợp nhập cảnh dương tính với SARS-CoV-2, chứ không thực hiện lấy mẫu giải mã tất cả các trường hợp dương tính này”, bà Mai cho biết thêm.
Dù công tác phòng chống dịch COVID-19 tại TP.HCM đang ngày càng đạt kết quả tốt, nhưng ông Phạm Đức Hải – Phó Ban tuyên giáo Thành ủy, kiêm trưởng Ban chỉ đạo Phòng chống dịch COVID-19 và phục hồi kinh tế TP.HCM khuyến cáo người dân không chủ quan, lơ là, phải tiếp tục chủ động, thực hiện đồng bộ các giải pháp để không xảy ra tình huống bị động.