Liên tục trong thời gian gần đây, các bệnh viện trên địa bàn TP.HCM phải “cầu cứu”, Bộ Y tế, Sở Y tế vì không những thiếu thuốc mà còn lâm vào tình cảnh thiếu máy móc chẩn đoán nghiêm trọng, đang đứng trước nguy cơ ngừng hoạt động.

TP.HCM: Vì sao các bệnh viện thiếu thuốc, vật tư y tế phải 'cầu cứu'?

Hồ Quang | 03/03/2023, 16:00

Liên tục trong thời gian gần đây, các bệnh viện trên địa bàn TP.HCM phải “cầu cứu”, Bộ Y tế, Sở Y tế vì không những thiếu thuốc mà còn lâm vào tình cảnh thiếu máy móc chẩn đoán nghiêm trọng, đang đứng trước nguy cơ ngừng hoạt động.

Nhiều máy chụp CT, MRI hư hỏng phải “trùm mền”

Trước đây, các máy móc chẩn đoán hình ảnh tại Bệnh viện Nhân dân 115 luôn đầy đủ để phục vụ nhu cầu bệnh nhân, nhưng thời gian gần đây lại rơi vào cảnh thiếu thốn, nhất là mới đây cả 2 máy chẩn đoán hình ảnh (gồm 1 máy chụp cắt lớp vi tính - CT, 1 máy chụp cộng hưởng từ - MRI) bị hư hỏng nặng, nhưng bệnh viện không thể nào sửa chữa được. Điều này khiến cho trang-thiết bị chẩn đoán hình ảnh ở bệnh viện này càng thêm thiếu trầm trọng.

tphcm-vi-sao-cac-benh-vien-thieu-thuoc-vat-tu-y-te-phai-cau-cuu-hinh-anh(1).png
Nhiều máy móc chẩn đoán hình ảnh tại Bệnh  viện Nhân dân 115 đã bị hư hỏng phải "trùm mền", nhưng chưa thể sửa chữa được - Ảnh: PV

Những bệnh nhân đến Bệnh viện Nhân dân 115 khám bệnh buổi sáng, nếu được bác sĩ chỉ định chụp CT hay MRI thì gần như không thể chụp được, nhanh nhất phải chờ đến chiều tối mới có thể chụp, thậm chí phải chờ sang đến ngày hôm sau.

BSCK2 Trần Văn Sóng - Phó giám đốc Bệnh viện Nhân dân 115 cho biết đối với máy móc, trang thiết bị vật tư đang gặp khó khăn do việc phải đáp ứng được 3 báo giá theo quy định để thực hiện đấu thầu mua sắm mới trang thiết bị y tế cũng như sửa chữa, bảo trì. Đây là quy định của Nghị định 98/2021/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 1.1.2022. “Chúng tôi vướng là vướng ở chỗ này, nên việc sửa chữa, bảo trì đối với 2 máy chẩn đoán hình ảnh (CT và MRI) vẫn chưa thể thực hiện được khiến máy móc chẩn đoán ở đây đã thiếu lại càng thiếu trầm trọng”, bác sĩ Sóng cho biết thêm.

Đặc biệt mới đây, dư luận đã “dậy sóng” với thông tin Bệnh viện Chợ Rẫy có nguy cơ tạm ngưng hoạt động; bác sĩ Nguyễn Tri Thức - Giám đốc bệnh viện này còn khẳng định, nếu tiếp tục chờ 3 báo giá, Bệnh viện Chợ Rẫy sẽ tạm ngưng hoạt động.

Cũng tương tự như tình trạng của Bệnh viện Nhân dân 115, Bệnh viện Chợ Rẫy hiện có nhiều máy chụp chẩn đoán hình ảnh bị hư hỏng nhưng chưa thể sửa chữa, bảo trì được. Ngay cả khoa cấp cứu của bệnh viện này có 1 máy CT dành để chụp cho những trường hợp khẩn cấp cũng đã hư hỏng từ lâu, đến nay vẫn chưa thể sửa chữa.

“Chúng tôi có 6 máy CT thì đã có đến 5 máy hư hỏng, cần sửa chữa, chỉ còn 1 máy là có thể hoạt động được, nên mỗi ngày hàng nghìn bệnh nhân phải chuyển sang nơi khác để chụp. Cũng vì thiếu máy, các bác sĩ ở đây phải tập trung làm việc hết công suất, nhưng bệnh nhân phải xếp hàng dài chờ cả ngày mới có thể được chụp”, bác sĩ Thức chua xót nói.

3 nguyên nhân khiến các bệnh viện thiếu thuốc, vật tư y tế

Có một thực tế mà nhiều người đều biết, trước đây mà cụ thể là trước thời điểm dịch COVID-19, các cơ sở y tế không phải rơi vào tình trạng thiếu thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế như hiện nay. Thời điểm đó, nếu có chăng chỉ một số bệnh viện thiếu thuốc cục bộ do chưa kịp đấu thầu, chứ không thiếu máy móc chẩn đoán hình ảnh trầm trọng khiến các bệnh viện có nguy cơ đóng cửa như hiện nay.

Chiều 2.3, trả lời câu hỏi của phóng viên Một Thế Giới về vấn đề này, bà Lê Thiện Quỳnh Như - Chánh văn phòng Sở Y tế TP.HCM đã chỉ ra 3 nguyên nhân chính khiến các bệnh viện trên địa bàn TP hiện nay rơi vào tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế trầm trọng. Đó là các bệnh viện không xác định được giá dự toán gói thầu; hết hạn giấy phép nhập khẩu, giấy chứng nhận đăng ký lưu hành của trang thiết bị; hạ tầng của hệ thống mạng đấu thầu quốc gia chưa đáp ứng.

“Dù quy định định tất cả các gói thầu mua sắm hàng hóa của các cơ sở y tế đều phải thực hiện đấu thầu qua mạng nhưng hạ tầng của hệ thống mạng đấu thầu quốc gia chưa đáp ứng được, như khi đăng tải kế hoạch lựa chọn nhà thầu; thông báo mời thầu và phát hành hồ sơ mời thầu; kết quả lựa chọn nhà thầu đối với gói thầu có danh mục hàng hóa nhiều thường bị gián đoạn, nếu gói thầu trên 300 khoản là gần như không đăng tải được”, bà Như nói.

Theo bà Như, hiện nay rất nhiều trang thiết bị (hóa chất xét nghiệm, vật tư y tế kỹ thuật cao) theo quy định phải có giấy phép nhập khẩu hoặc giấy chứng nhận đăng ký lưu hành do Bộ Y tế cấp nhưng đến nay các giấy trên đã hết hạn từ ngày 1.1.2023 theo khoản 2 điều 76 Nghị định 98/2021/NĐ-CP ngày 8.11.2021 của Chính phủ về quản lý trang thiết bị y tế, nhưng vẫn chưa được Bộ Y tế cấp mới, gia hạn nên các sản phẩm hàng hóa dự thầu không thể trúng thầu (không đáp ứng được tiêu chí kỹ thuật về giấy phép nhập khẩu, giấy chứng nhận đăng ký lưu hành). Vì vậy, cơ sở y tế không thực hiện được việc mua sắm trang thiết bị.

Đặc biệt, TP có khoảng 10% số lượng mặt hàng vật tư y tế, trang thiết bị là hàng đặc thù, riêng biệt hoặc dịch vụ phi tư vấn (sửa chữa, bảo trì, bảo hành…) các trang thiết bị đặc thù, riêng biệt (chỉ có một hoặc hai nhà sản xuất) nên cơ sở y tế không thể có được 3 báo giá. Việc thẩm định giá cũng không thực hiện được, vì các tổ chức thẩm định giá hiện nay không nhận thực hiện thẩm định giá trang thiết bị y tế, các dịch vụ phi tư vấn.

Nhiều trang thiết bị, dịch vụ không có giá trúng thầu của các gói thầu tương tự trong thời gian không quá 90 ngày, kể cả dựa vào kết quả được công bố trên cổng công khai kết quả đấu thầu của Bộ Y tế; giá kê khai và công khai của trang thiết bị y tế trên cổng thông tin chưa thực hiện đầy đủ chi tiết cấu hình, tính năng, chưa được kiểm soát nên việc các cơ sở y tế tham khảo để xây dựng giá dự toán gói thầu cũng không đầy đủ, phù hợp.

Giải pháp nào để xử lý tình trạng trên?

Chia sẻ về điều này, bác sĩ Nguyễn Tri Thức cho biết từ khi Nghị định 98/2021/NĐ-CP có hiệu lực, quy định phải thu thập đầy đủ các báo giá cũng như tham khảo giá kê khai, công khai trên cổng thông tin khiến bệnh viện gặp rất nhiều khó khăn. Hầu hết các trang thiết bị y tế kỹ thuật cao như máy CT, MRI, máy siêu âm doppler màu... đều không có đủ 3 báo giá theo quy định để thực hiện đấu thầu mua sắm mới trang thiết bị y tế cũng như sửa chữa, bảo trì.

Bên cạnh đó, nghị định này lại chưa có quy định cụ thể về việc sửa chữa, bảo trì, linh kiện thay thế trang thiết bị y tế, chưa có quy định kê khai, công khai giá, trong khi việc vận hành trang thiết bị y tế luôn đòi hỏi phải mua sắm linh kiện thay thế sửa chữa, bảo trì trong khi đó lại chưa được quy định quản lý giá, giá kê khai dẫn đến bệnh viện không xác định được giá gói thầu để mua sắm, sửa chữa.

Đối với số lưu hành, giấy phép nhập khẩu của trang thiết bị y tế được quy định tại Nghị định 98 hiện nay hầu hết không còn hiệu lực, ảnh hưởng nghiêm trọng đến công tác điều trị người bệnh, các nhà thầu không thế nhập khẩu được trang thiết bị y tế để cung ứng cho bệnh viện, đặc biệt là hóa chất xét nghiệm khí máu, xét nghiệm chẩn đoán nhồi máu cơ tim…

Để giải quyết tình trạng các bệnh viện “đói” thuốc, vật tư y tế, Sở Y tế TP.HCM cho biết đã có công văn kiến nghị Bộ Y tế tiếp tục cho phép thanh toán chi phí các dịch vụ kỹ thuật theo hình thức máy đặt cho đến khi cơ quan có thẩm quyền quy định, hướng dẫn hình thức tổ chức phù hợp, và cơ sở y tế đảm bảo được đầy đủ trang thiết bị nhằm đảm bảo liên tục hoạt động khám, chữa bệnh.

Đồng thời, Sở Y tế cũng kiến nghị Bộ Y tế xem xét, chấp thuận hình thức máy đặt theo kết quả trúng thầu hóa chất, vật tư y tế được thực hiện theo quy định của Luật Đấu thầu để đảm bảo trang thiết bị cho cơ sở y tế; bổ sung quy định về căn cứ xác định giá gói thầu của các gói thầu mua sắm trang thiết bị, dịch vụ phi tư vấn (sửa chữa, bảo trì, bảo hành…) trang thiết bị có tính chất đặc thù, riêng biệt.

Bộ Y tế sớm cấp giấy phép nhập khẩu, giấy chứng nhận đăng ký lưu hành của trang thiết bị; cấp tài khoản cho các cơ sở y tế TP.HCM để thực hiện đăng tải kết quả lựa chọn nhà thầu theo quy định. Trong thời gian chờ hệ thống mạng đấu thầu quốc gia được hoàn thiện, đáp ứng được việc đấu thầu qua mạng đối với tất cả các gói thầu, cho phép các cơ sở y tế được thực hiện đấu thầu thông thường (không qua mạng) đối với các gói thầu mua sắm thuốc, vật tư y tế gồm nhiều phần để đảm bảo việc cung ứng thuốc, vật tư y tế được đầy đủ, kịp thời cho công tác khám, chữa bệnh.

Theo bác sĩ Thức, khi xây dựng và phê duyệt dự toán mua sắm, Bộ Y tế cần quy định, hướng dẫn cụ thế bằng các thông tư của các bộ ngành liên quan. Trong thời gian chờ các bộ ngành điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung quy định, Bộ Y tế cho phép bệnh viện được bổ sung Nghị quyết 144/NQ-CP “cho phép dự toán mua sắm hằng năm được xác định trên tổng kinh phí phân bổ trong năm”. “Việc bổ sung này rất cần thiết, vì đây là bước đầu của quá trình mua sắm. Việc cho phép này sẽ giảm bớt được thủ tục không cần thiết”, bác sĩ Thức nói.

Bài liên quan
TP.HCM: Nhiều vi phạm trong quản lý đầu tư xây dựng tại Khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng
Thanh tra TP.HCM đã chỉ ra nhiều vi phạm liên quan đến Công ty TNHH Phát triển Phú Mỹ Hưng trong quản lý đầu tư xây dựng tại Khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính và Phu nhân dự chương trình Xuân quê hương tại Ba Lan
8 phút trước Theo dòng thời sự
Tối 17.1, giờ địa phương, tại thủ đô Warsaw, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Phu nhân đã dự chương trình “Xuân quê hương Ất Tỵ 2025,” chung vui với cộng đồng người Việt Nam tại Ba Lan.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
TP.HCM: Vì sao các bệnh viện thiếu thuốc, vật tư y tế phải 'cầu cứu'?