TP.HCM giao chỉ tiêu dự toán thu ngân sách cho TP. Thủ Đức năm 2021 là hơn 8.327 tỉ đồng nhưng Thủ Đức cần hướng tới mốc 10.000 tỉ đồng. Đó là bài toán không đơn giản

TP. Thủ Đức trước bài toán thu ngân sách 10.000 tỉ đồng

Tú Viên | 29/03/2021, 08:26

TP.HCM giao chỉ tiêu dự toán thu ngân sách cho TP. Thủ Đức năm 2021 là hơn 8.327 tỉ đồng nhưng Thủ Đức cần hướng tới mốc 10.000 tỉ đồng. Đó là bài toán không đơn giản

Kỳ họp thứ 24 của HĐND TP.HCM khóa 11 cuối tháng 3 vừa thông qua nghị quyết giao chỉ tiêu dự toán thu, chi ngân sách nhà nước cho TP. Thủ Đức. Cụ thể, TP.HCM giao chỉ tiêu dự toán thu ngân sách cho TP. Thủ Đức năm 2021 là hơn 8.327 tỉ đồng và chi ngân sách là hơn 3.155 tỉ đồng. Số bổ sung từ ngân sách TP.HCM cho ngân sách TP. Thủ Đức là 1.990 tỉ đồng.

Tuy nhiên, lãnh đạo của TP. Thủ Đức trong buổi làm việc cuối tuần qua với đoàn công tác của TP.HCM đã mạnh dạn nhắc đến mục tiêu 10.000 tỉ đồng. Bí thư thành ủy TP. Thủ Đức Nguyễn Văn Hiếu cho rằng địa phương có thể đạt được con số này nhưng TP. Thủ Đức cần cơ chế, điều kiện.

Trong nguồn thu chính của ngân sách TP. Thủ Đức hiện nay gồm:

- Các khoản thu ngân sách TP. Thủ Đức được hưởng 100% là: thuế tài nguyên (trừ thuế tài nguyên thu từ hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí) của các doanh nghiệp, hợp tác xã thuộc cơ quan thuế TP. Thủ Đức quản lý; thuế sử dụng đất nông nghiệp (trừ thuế sử dụng đất nông nghiệp thu từ hộ gia đình); lệ phí môn bài (trừ lệ phí môn bài thu từ cá nhân, hộ kinh doanh) của các doanh nghiệp, hợp tác xã thuộc cơ quan thuế TP. Thủ Đức quản lý; lệ phí trước bạ nhà, đất trên địa bàn TP. Thủ Đức; các khoản viện trợ không hoàn lại của các tổ chức quốc tế, các tổ chức khác, các cá nhân ở nước ngoài trực tiếp cho TP. Thủ Đức; phí thu từ các hoạt động dịch vụ do các cơ quan nhà nước thuộc TP. Thủ Đức thực hiện; lệ phí do các cơ quan nhà nước thuộc TP. Thủ Đức thực hiện thu (không kể lệ phí trước bạ nhà, đất và lệ phí môn bài); thu từ tài sản được xác lập quyền sở hữu của nhà nước do các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc TP. Thủ Đức xử lý sau khi trừ đi các chi phí theo quy định của pháp luật; thu từ bán tài sản nhà nước (trừ tài sải là nhà, đất) do các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc TP. Thủ Đức quản lý; thu từ tiền xử phạt vi phạm hành chính, phạt, tịch thu khác…

- Các khoản thu phân chia theo tỷ lệ % giữa ngân sách Trung ương, ngân sách TP.HCM và ngân sách TP. Thủ Đức gồm, thuế giá trị gia tăng thu từ khu vực công thương nghiệp, dịch vụ ngoài quốc doanh do cơ quan thuế TP. Thủ Đức thu; thuế thu nhập doanh nghiệp từ khu vực công thương nghiệp, dịch vụ ngoài quốc doanh do cơ quan thuế TP. Thủ Đức thu; tiền chậm nộp phát sinh từ các khoản thu phân chia theo tỷ lệ % giữa ngân sách Trung ương, ngân sách TP.HCM và ngân sách TP. Thủ Đức. Hiện tỷ lệ phân chia cụ thể là ngân sách Trung ương 82%, ngân sách TP.HCM 0% và ngân sách TP. Thủ Đức 18% nên nguồn thu này dù lớn nhưng TP. Thủ Đức không được hưởng nhiều.

- Ngoài ra, có khoản thu nhỏ từ thuế sử dụng đất nông nghiệp thu từ hộ gia đình được phân chia giữa ngân sách cấp TP. Thủ Đức và ngân sách cấp phường theo tỷ lệ ngân sách cấp TP. Thủ Đức 80%, ngân sách cấp phường 20%.

Nếu chỉ dựa vào những khoản nêu trên thì rất khó để TP. Thủ Đức có đột biến về thu ngân sách trong năm nay và sau này.

Trước mắt, TP. Thủ Đức đề xuất TP.HCM phân cấp cho địa phương được chủ động sử dụng 100% nguồn thu được từ bán đấu giá tài sản, trụ sở công sản dôi dư sau khi sắp xếp do TP. Thủ Đức quản lý dùng làm nguồn đầu tư phát triển hạ tầng. Đồng thời phân cấp cho UBND TP. Thủ Đức được chủ động sử dụng 50% nguồn thu được từ bán đấu giá tài sản, trụ sở công sản do TP.HCM quản lý nằm trên địa bàn TP Thủ Đức; giao thẩm quyền cho địa phương chủ động triển khai các dự án từ nguồn thu này.

UBND TP. Thủ Đức dự kiến dùng nguồn thu này dùng cho phát triển hạ tầng và thực hiện công tác bồi thường giải phóng mặt bằng tạo nguồn đất sạch để kêu gọi đầu tư dự án mới.

Về lâu dài, TP. Thủ Đức cần chuyển dịch cơ cấu kinh tế trên địa bàn phải theo hướng chú trọng chất lượng, giá trị gia tăng cao, hiệu quả kinh tế lớn, ứng dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ, năng suất lao động cao. Các dịch vụ chất lượng cao có dư địa lớn, như du lịch, logistics…

TP. Thủ Đức cho biết đã xác định có 29 địa chỉ nhà đất dôi dư, không có kế hoạch và nhu cầu sử dụng cho các công trình công cộng, phúc lợi xã hội do địa phương quản lý với tổng diện tích 21.520m². Nếu được UBND TP.HCM chấp thuận chủ trương, dự kiến năm 2023 sẽ hoàn tất công tác bán đầu giá quyền sử dụng đất với số tiền thu được khoảng 1.000 tỉ đồng.

Chủ tịch TP.HCM Nguyễn Thành Phong đã đồng ý để lại khoản thu từ bán đấu giá tài sản, trụ sở dôi dư sau khi sắp xếp do TP. Thủ Đức quản lý dùng làm nguồn đầu tư phát triển hạ tầng. Cũng trong buổi làm việc, ông Nguyễn Thành Phong cho rằng, TP Thủ Đức cần đặt mục tiêu cao hơn, nỗ lực vượt qua mốc 10.000 tỉ đồng vì xét về quy mô và tiềm năng, TP. Thủ Đức trong tương lai cần phấn đấu vượt qua quận 1 (thu ngân sách đạt 19.000 tỉ đồng/năm).

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Ba kịch bản về lạm phát năm 2024
Ba kịch bản lạm phát năm 2024 tương ứng với CPI bình quân năm lần lượt là 3,8%, 4,2% và 4,5%.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
TP. Thủ Đức trước bài toán thu ngân sách 10.000 tỉ đồng