Báo New York Times ngày 14.7 đưa tin, dù Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký lệnh rút Mỹ khỏi TPP, nhưng nay Nhật Bản muốn chống Trung Quốc trỗi dậy bằng nỗ lực xây dựng một khối kinh tế đủ lực đương đầu.

TPP khởi động lại các cuộc đàm phán do Nhật dẫn dắt

15/07/2017, 15:45

Báo New York Times ngày 14.7 đưa tin, dù Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký lệnh rút Mỹ khỏi TPP, nhưng nay Nhật Bản muốn chống Trung Quốc trỗi dậy bằng nỗ lực xây dựng một khối kinh tế đủ lực đương đầu.

Thủ tướng Nhật Shinzo Abe nói chuyện với Tổng thống Donald Trump tại Hội nghị thượng đỉnh G20 - Ảnh: New York Times

Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) là thỏa thuận thương mại do cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama khởi xướng, ban đầu có 12 nước ký tham gia trong đó có Mỹ, Nhật Bản và Việt Nam. Tuy nhiên, ngay trong tuần đầu tiên nhậm chức hồi tháng 1.2017, Tổng thống Donald Trump đã ký lệnh rút Mỹ khỏi TPP, khiến 11 nước còn lại thắc mắc phải chăng nỗ lực đàm phán nhiều năm bị đổ sông đổ biển.

Tuy nhiên, trong tuần này, nhóm 11 nước còn lại (TPP 11) xác định sẽ thúc đẩy TPP. Trong cuộc họp tại một khu nghỉ dưỡng ở phía nam Tokyo, các đoàn đàm phán của TPP 11, trong đó có Việt Nam, Malaysia, Canada, Úc đã bàn cách khôi phục các luật để cải thiện điều kiện lao động, tăng cường bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ ở vài quốc gia; đồng thời mở thêm nhiều thị trường cho tự do thương mại ở mảng nông sản và dịch vụ kỹ thuật số trong khu vực.

Vẫn còn nhiều thử thách cho TPP 11

Nhật Bản là nền kinh tế lớn nhất trong TPP 11, đang thúc đẩy giữ lại những quy định mang tính tham vọng mà những nhà đàm phán đã đồng ý ngay từ đầu.

Ông Tomohiko Taniguchi, cố vấn chính sách đối ngoại của Thủ tướng Nhật Shinzo Abe, nói: “Dĩ nhiên hy vọng của Nhật là duy trì nguyên trạng khung làm việc đã được nhất trí”. Dù rất lạc quan về việc Nhật có thể dẫn dắt TPP 11 đến sự nhất trí, ông Taniguchi cũng xác nhận cuộc đàm phán có nhiều thử thách.

Theo New York Times, các nước đang phát triển như Malaysia và Việt Nam có thể muốn thương lượng lại về vài tiêu chuẩn khắt khe mà họ đã chấp nhận, để đổi lấy lời hứa được tiếp cận thị trường Mỹ (khi Mỹ chưa rút khỏi TPP).

Ví dụ, TPP đã buộc các nước đang phát triển phải chỉnh sửa quy định cấm sử dụng lao động trẻ em, cải thiện sự minh bạch của các công ty thuộc nhà nước và cho phép các nhà sản xuất thuốc ở những nền kinh tế lớn được bảo vệ bản quyền trên nhiều loại dược phẩm mà các nước nhỏ muốn sản xuất. Vài nước đang phát triển có thể phản ứng trước những quy định quá nặng, trong khi họ lại không thể xuất khẩu đến tay người tiêu dùng Mỹ.

Bruce H. Andrews, cựu Thứ trưởng Bộ Thương mại Mỹ thời Tổng thống Obama, nay là giám đốc Công ty tư vấn Rock Creek Global Advisors, nói: “Nếu TPP 11 cố gắng thương lượng lại về các quy định hoặc hạ thấp các tiêu chuẩn, thì sẽ khó cho Mỹ quay lại TPP”.

Ông còn nói một lý do khác để TPP 11 nên duy trì những quy định thương mại cứng rắn - đó là thúc đẩy Trung Quốc cải tổ: "Nếu TPP có hiệu lực, Trung Quốc sẽ muốn tham gia để hưởng lợi ích. Mà để gia nhập TPP, Trung Quốc sẽ phải thực hiện vài cuộc cải cách kinh tế nghiêm túc, nới rộng cửa thị trường của họ. Nếu TPP không trở thành một mô hình mẫu, Trung Quốc sẽ có được phần lợi từ những nước khác mà không phải mở cửa thị trường của họ”.

Thủ tướng Abe còn có lý do chính trị riêng để thúc đẩy TPP. Ông tập trung nhiều vốn liếng chính trị cho hiệp định này, đối đầu với những nhà nông thường ủng hộ đảng Dân chủ tự do của ông. TPP sẽ buộc lĩnh vực nông nghiệp Nhật lâu nay khép kín phải chấp nhận nhập khẩu gạo, thịt heo cùng các loại hàng hóa khác.

Gần đây, Thủ tướng Abe bị vướng nhiều tai tiếng “bán tầm ảnh hưởng” và đảng của ông bị thất bại nặng trong cuộc bầu cử địa phương tại Tokyo.

Nhật Bản đã ngỏ ý muốn đạt được một thỏa thuận với nhóm nước tham gia TPP vào tháng 11 tới, khi nhiều nước tham gia hội nghị APEC ở Việt Nam.

Các nhà phân tích nói rằng bất kỳ thỏa thuận nào cũng khó thể đạt được nhanh. Nhưng Shumpei Takemori, giáo sư khoa kinh tế ở Đại học Keio nói rằng việc mở lại cuộc đàm phán cho phép Nhật và đồng minh “cho Mỹ thấy chúng tôi có những giải pháp khác”.

Không có Mỹ thì TPP sẽ thế nào?

Nỗ lực cứu TPP của Nhật phản ánh sự thừa nhận rằng các nước từng trông vào vai trò lãnh đạo của Mỹ sẽ phải tự nắm lấy vị trí dẫn đầu.

Tại Nhật Bản, các quan chức lo lắng ngăn chặn Trung Quốc lập một thỏa thuận thương mại tự do để làm đối trọng với TPP là Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP). Hiệp định này gồm 10 nước thành viên Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN) và 6 quốc gia mà ASEAN đã ký hiệp định thương mại tự do là Trung Quốc, Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc và New Zealand.

Ông Kazuyoshi Umemoto, trưởng đoàn đàm phán Nhật, nói với các nhà báo: “TPP 11 đạt được sự hiểu biết chung về con đường tiến”.

Trước thềm hội nghị thượng đỉnh G20, Nhật và Liên minh châu Âu (EU) đã đạt được Hiệp định thương mại tự do (FTA), càng đẩy Mỹ vào thế bị cô lập về những vấn đề như bảo vệ môi trường, thương mại tự do.

Tổng thống Mỹ Donald Trump luôn khẳng định ông ghét thương mại tự do, hứa bảo vệ nhân công Mỹ và tái cân bằng thâm hụt thương mại với các nước khác.

Ngày 12.7, đại diện thương mại Mỹ Robert E. Lighthizer gửi thư đến chính phủ Hàn Quốc nói rằng Mỹ đang muốn xét lại một thỏa thuận thương mại Mỹ - Hàn đã có hiệu lực được 5 năm.

Nếu Nhật và các nước ký TPP muốn giữ hiệp định này sống, thì ít nhất TPP 11 cần xem xét lại một điều khoản quy định rằng TPP chỉ có hiệu lực khi có 6 nước chiếm 85% tổng giá trị kinh tế của 12 nước ban đầu ký tham gia TPP. Ngưỡng này không thể đạt khi không có Mỹ.

Nhà nghiên cứu Jeffrey Wilson ở Trung tâm Mỹ - châu Á thuộc Đại học Tây Úc (ở Perth) nói: “Vấn đề nảy sinh khi loại Mỹ ra, trong khi Mỹ lại là 2/3 của TPP. Đối với các nước đang phát triển bị yêu cầu chỉnh sửa quá tốn kém thì tham gia TPP để làm gì?”.

Mục tiêu của Nhật là bảo vệ hết mức thỏa thuận ban đầu với hy vọng Mỹ sẽ quay trở lại TPP. Cựu Đại sứ Nhật tại Washington, ông Ichiro Fujisaki nói: “Chúng ta nên hoan nghênh khi Mỹ lúc nào đó trong tương lai sẽ quyết định quay trở lại”.

Nhưng vài nhà quan sát nói rằng những hy vọng này là “ngây thơ”. Takuji Okubo, tổng giám đốc và nhà kinh tế trưởng của Hội đồng cố vấn kinh tế vĩ mô Nhật Bản, nói: “Tôi nghĩ đó chỉ là một suy nghĩ đơn giản khi cho rằng chính phủ Trump sẽ đổi ý về TPP. Khi nào ông Trump còn là tổng thống, tôi không nghĩ ông ấy sẽ thực sự quay lại”.

Những người khác cho rằng có thể các cố vấn của ông Trump sẽ cố gắng khuyên Tổng thống Mỹ đổi ý, một khi ông Trump nhận ra Mỹ có thể gặp khó khi đàm phán thỏa thuận thương mại song phương. Nhưng họ nói trong trường hợp này, TPP 11 không nên thay đổi các quy định của TPP.

Vĩnh Thụy (theo New York Times)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp đoàn kiều bào tiêu biểu tham dự chương trình 'Xuân quê hương 2025'
11 giờ trước Sự kiện
Chiều 19.1, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Tô Lâm đã tiếp đoàn 100 kiều bào tiêu biểu tham dự chương trình "Xuân quê hương 2025" do Ủy ban Nhà nước về Người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao tổ chức.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
TPP khởi động lại các cuộc đàm phán do Nhật dẫn dắt