Sân khấu Hoàng Thái Thanh đã bắt đầu mùa kịch giữa năm qua vở "Trả lại lia thia". Đây là vở kịch được cảm tác từ truyện ngắn “Củi mục trôi về” của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư.

Trả lại lia thia: Nỗi buồn đẹp của vùng quê sông nước

Nguyễn Huy | 21/08/2023, 22:00

Sân khấu Hoàng Thái Thanh đã bắt đầu mùa kịch giữa năm qua vở "Trả lại lia thia". Đây là vở kịch được cảm tác từ truyện ngắn “Củi mục trôi về” của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư.

Trả lại lia thia (tác giả Nguyễn Thoại – Hoàng Thái Thanh, đạo diễn Hoàng Thái Thanh) là cảm tác nên cái hồn cốt câu chuyện vẫn được giữ lại tuy nhiên, tình huống kịch diễn ra trên sân khấu có nhiều điểm khác so với truyện ngắn. Những điểm khác này được xem là điểm nhấn sáng tạo của tác giả kịch bản và đạo diễn.

Trong truyện ngắn Củi mục trôi về chỉ có 3 nhân vật chính là cô gái quá thì tưng tửng, người đàn ông tù tội và nhà sư. Trong Trả lại lia thia cũng có 3 nhân vật chính gồm cô gái quá thì tưng tửng tên Huệ (Kim Huyền), người đàn ông tù tội tên Rô (Trí Quang), nhà sư tên Năm Mỏ (Huỳnh Thiện Trung). Ngoài ra, còn có tuyến nhân vật phụ gồm ông chủ trại heo (NSƯT Thành Hội), cô Hai - chủ trại hòm (Ái Như), nhân tình của cô Hai (Nguyễn Long), Rô lúc trẻ (Ma Ran Do), Năm Mỏ lúc trẻ (Thế Hải), Huệ lúc trẻ (Kỳ Thảo) và các nhân vật khác.

kichhth.jpg
Kim Huyền và Trí Quang có sự phối hợp diễn xuất tạo cảm xúc mạnh mẽ

Tác giả và đạo diễn bắt đầu câu chuyện bằng một cách giao đãi thường thấy tại Hoàng Thái Thanh, đó là những diễn biến không dự báo một câu chuyện gây ấn tượng. Thế nhưng khi 1/3 thời gian vở diễn trôi qua, khán giả bắt đầu bị cuốn hút vào cảm xúc của nhân vật. Đó là lúc Rô về già (Trí Quang) đột ngột xuất hiện trong ngôi chùa nghèo xập xệ ở đất Thổ Sầu.

Ở đây, Rô đã tái ngộ với thầy Năm Mỏ - nhà sư trụ trì sau gần 20 năm xa cách. Họ đã sống lại với ký ức tuổi đôi mươi thật chân chất của mình. Ngay vào thời điểm này, đạo diễn đã tung ra thủ pháp độc đáo hồi tưởng hiện tại xen lẫn vào quá khứ, điều đơn giản của điện ảnh nhưng hiếm thấy trên sàn diễn kịch. Ở đó, Trí Quang (Rô về già) diễn ăn ý với Huỳnh Thiện Trung (Năm mỏ về già) và phối hợp rất nhịp nhàng với Ma Ran Đô (Rô lúc trẻ), Thế Hải (Năm Mỏ lúc trẻ), Kỳ Thảo (Huệ lúc trẻ). Cái hay của đoạn kịch này là lúc các bạn trẻ đang diễn trong trạng thái động, thì Trí Quang và Huỳnh Thiện Trung diễn trạng thái tĩnh, qua biểu hiện cảm xúc và nội tâm bên trong bằng ánh mắt và nét mặt. Cứ thế, 5 nhân vật trong cùng một không gian nhưng khác nhau về thời gian, cứ chuyển động một cách uyển chuyển, hòa quyệnvà trôi chảy.

Thế nhưng, thời điểm bùng nổ cảm xúc là cái đêm tối trời tại nhà của Huệ (Kim Huyền). Trước đó, tại ngôi chùa nghèo của Năm Mỏ, Rô (Trí Quang) hoàn toàn đau đớn khi nhận ra người yêu cũ của mình ngày xưa giờ đây là một cô gái lỡ thì tật nguyền, xấu xí và “tưng tửng”. Rô cứ ngỡ rằng chỉ cuộc đời mình là thứ củi mục vứt đi sau 10 năm tù trả giá cho dục vọng bản năng mất kiểm soát và 10 năm lưu lạc, còn Huệ phải được hạnh phúc. Nhưng giờ đây, Huệ tàn tạ như một bóng ma trơi. Rô đã lén ghé thăm Huệ trong căn nhà tăm tối của cô, còn Huệ ngỡ rằng Rô là một hồn ma. Huệ tâm sự với hồn ma để vơi bớt nỗi cô đơn. Một tình huống xuất sắc để miêu tả nỗi buồn sâu thẳm trong mỗi con người của tác giả kịch bản. Rồi Huệ bàng hoàng đến chết lặng khi nhận ra Rô không phải là hồn ma.

367763702_611286354226204_1564084986306251499_n.jpg
Nghệ sĩ Ái Như (trái) rất duyên dáng trong vai cô Hai - chủ trại hòm

Thân phận con người trong Củi mục trôi về đã được tác giả và đạo diễn vở Trả lại lia thia làm đậm nét lên qua sáng tạo của mình. Cái hay của đạo diễn là chọn Kim Huyền vào vai Huệ. Kim Huyền có thế mạnh vào vai các nhân vật phụ nữ kém về nhan sắc, nhưng đầy số phận cay đắng. Dù đã vắng bóng trên sàn diễn kịch suốt hơn 8 năm nhưng Huyền vào vai Huệ rất ấn tượng. Nếu không phải là Kim Huyền với dáng đi cà thọt, ánh mắt ngu ngơ nửa điên nửa tỉnh, có lẽ khán giả không cảm nhận được hết nỗi đau của nhân vật. Trí Quang cũng quá hay trong vai diễn đàn ông gặp nghịch cảnh. Anh và Kim Huyền đã tương tác cảm xúc một cách tự nhiên và có cao trào để tạo ra những khoảnh khắc tận cùng đau khổ nhưng đẹp về cảm xúc. Vậy nên, nỗi buồn của họ là nỗi buồn rất đẹp về tình người.

kichhtt.jpg
Ma Ran Đô (trái) là nhân tố mới trưởng thành từ lò Hoàng Thái Thanh

Nghệ sĩ Ái Như đóng vai cô chủ trại hòm chồng chết khát tình. Dù thời lượng xuất hiện ít ỏi nhưng đây là vai diễn rất có duyên của chị. Chị diễn tỉnh rụi nhưng khiến khán giả bật cười. Trong vở kịch xuất hiện 5, 6 diễn viên mới từ lò đào tạo Hoàng Thái Thanh. Trong đó, Ma Ran Đô (vai Rô lúc trẻ) đã đánh dấu sự trưởng thành trong diễn xuất. Diễn viên trẻ này có ngoại hình đẹp nên được đánh giá có nhiều hứa hẹn trong tương lai. Kỳ Thảo diễn ngày càng tốt hơn. Các bạn trẻ còn lại tròn trịa vai phụ.

Âm nhạc cũng là nét đẹp sâu lắng của vở diễn. Ai đó từng ở miền Tây sông nước sẽ rất quen với bài ca vọng cổ phát ra từ radio hay máy hát vào buổi ban trưa. Trong vở Trả lại lia thia một tiếng hát vọng cổ bất ngờ phát ra khiến lòng người chùng lại. Nó gợi lên hoài niệm ký ức của những người con đã rời xa vùng sông nước.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Kinh tế-xã hội những năm gần đây và triển vọng trong năm nay - Bài 4: Những con số biết nói
Các con số thống kê cho thấy kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát phù hợp; cung cầu hàng hóa thiết yếu được bảo đảm, hoạt động mua sắm hàng hóa, tiêu dùng nội địa duy trì mức gia tăng khá; đời sống của nhân dân đã được cải thiện, công tác an sinh xã hội được các cấp quan tâm thực hiện kịp thời, thiết thực.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Trả lại lia thia: Nỗi buồn đẹp của vùng quê sông nước