Sáng 1.6, một số tài xế ô tô đi qua Trạm BOT T1 (Q.Ô Môn, TP.Cần Thơ) đã dừng xe phản đối yêu cầu giảm giá vé ngay ngày đầu tháng 6 chứ không chờ đến 15.6 như Sở GTVT Cần Thơ và Công ty CP Đầu tư BOT Quốc lộ 91 Cần Thơ - An Giang đã hứa trước đó.

Trạm BOT T1 bị tài xế phản ứng, yêu cầu giảm giá vé từ 1.6

Nguyên Việt | 01/06/2018, 14:04

Sáng 1.6, một số tài xế ô tô đi qua Trạm BOT T1 (Q.Ô Môn, TP.Cần Thơ) đã dừng xe phản đối yêu cầu giảm giá vé ngay ngày đầu tháng 6 chứ không chờ đến 15.6 như Sở GTVT Cần Thơ và Công ty CP Đầu tư BOT Quốc lộ 91 Cần Thơ - An Giang đã hứa trước đó.

Khoảng 9 giờ sáng cùng ngày, một số tài xế lái ô tô tải, ô tô khách… đã dừng xe ở 2 làn thu phí xe ô tô các loại để phản ứng không chịu mua vé mà yêu cầu trạm phải giảm giá vé chứ không muốn chờ đợi lâu hơn nữa. Sau khoảng 30 phút, những chiếc xe tải nối đuôi nhau kéo dài gần cả cây số.

Ở làn xe máy, người dân lưu thông cũng rất khó khăn. Lực lượng Công an, CSGT Q.Ô Môn cũng nhanhchóng có mặt ở hiện trường để điều tiết giao thông. Trước tình hình trên, Trạm BOT T1 buộc phải xả trạm cho các xe lưu thông qua.

Tuy nhiên, chỉ ít phút sau từ hướng ngược lại, tình trạng tài xế dừng xe phản ứng yêu cầu giảm giá vé lại tiếp tục xảy ra khiến BOT T1 nhiều lần phải xả trạm cả 2 hướng.

Trước đó, ngày 29.5 lãnh đạo Sở GTVT TP.Cần Thơ và Công ty CP Đầu tư BOT Quốc lộ 91 Cần Thơ - An Giang (gọi tắt là BOT T1, T2), đã làm việc cùng người dân tại Q.Thốt Nốt và Ô Môn, thông báo về việc giảm giá dịch vụ cho một số phương tiện kể từ ngày 15.6.

Cụ thể, đối với BOT T1 (Q.Ô Môn) sẽ tiến hành giảm 100% cho 10 xe đã được Bộ GTVT chấp thuận. Bên cạnh đó, cũng giảm 100% cho phương tiện là xe buýt, xe không kinh doanh của người dân có hộ khẩu thường trú, cơ quan, tổ chức có trụ sở chính tại các KV.Bình Lập, Thới Trinh thuộc P.Phước Thới; KV.12 và 15 thuộc P.Châu Văn Liêm. Theo tính toán, tổng số được giảm vào khoảng 70 phương tiện.

Riêng đối với xe không kinh doanh của người dân có hộ khẩu thường trú, cơ quan, tổ chức có trụ sở chính tại P.Phước Thới, Châu Văn Liêm và Thới Hòa (Q.Ô Môn) sẽ được giảm 50% phí khi qua trạm. Ước tính ban đầu, sẽ có khoảng 598 phương tiện được miễn ở mức 50%.

Tại buổi làm việc này, hầu hết người dân có mặt đều đồng tình với chủ trương giảm giá lần này của ngành chức năng. Tuy nhiên, người dân yêu cầu phải giảm giá bắt đầu từ đầu tháng 6 này chứ không phải đợi đến 15.6.

Lực lượng chức năng phải có mặt tại BOT T1 để điều tiết giao thông - Ảnh: Thanh Nguyên

Ông Lê Tiến Dũng, Phó giám đốc Sở GTVT, cho biết Bộ GTVT đã đồng ý chủ trương miễn giảm cho người dân, tuy nhiên để triển khai thực hiện cần có thời gian.

Về phần đại diện chủ đầu tư thì cho rằng phía lãnh đạo trạm sẽ trình lại với HĐQT. Khi có kết quả sẽ phản hồi lại với người dân trong thời gian sớm nhất.

Theo kết quả của Kiểm toán Nhà nước (KTNN) vừa công bố, các dự án BOT 91 và 91B đội giá gần 100 tỉ đồng. Công trình này do Liên danh Công ty CP Đầu tư Phát triển Cường Thuận IDICO và Tổng Công ty CP Phát triển khu công nghiệp làm chủ đầu tư; công tác giải phóng mặt bằng của dự án do Ban Quản lý tiểu dự án giải phóng mặt bằng dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 91 thuộc UBND TP.Cần Thơ thực hiện.

Cụ thể, dự án BOT đầu tư xây dựng công trình cải tạo, nâng cấp quốc lộ 91 (Cần Thơ đến cửa khẩu Tịnh Biên, tỉnh An Giang) và quốc lộ 91B (nối từ cảng Cái Cui thuộc P.Tân Phú, Q.Cái Răng đến quốc lộ 91 tại P.Phước Thới, Q.Ô Môn trong địa phận Cần Thơ) có tổng mức đầu tư 1.720,3 tỉ đồng.

Qua kiểm toán, KTNN kiến nghị giảm quyết toán 52,1 tỉ đồng kinh phí giải phóng mặt bằng, tái định cư. Khoản tiền này bao gồm: Chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng 20,6 tỉ đồng; di dời công trình hạ tầng 23,5 tỉ đồng; tái định cư 6,1 tỉ đồng; chi phí đo đạc lập bản đồ địa chính gần 2 tỉ đồng.

Ngoài giảm quyết toán các khoản trên, KTNN còn kiến nghị giảm quyết toán chi phí đầu tư thực hiện số tiền hơn 44,8 tỉ đồng, bao gồm: Chi phí xây dựng 33,7 tỉ đồng; chi phí quản lý dự án 1,3 tỉ đồng; chi phí tư vấn 0,45 tỉ đồng và các chi phí khác hơn 9,35 tỉ đồng.

Kết quả kiểm toán cũng cho thấy một số hạng mục của các gói thầu di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật phát sinh, chưa được Ban Quản lý tiểu dự án giải phóng mặt bằng trình thẩm định và phê duyệt trước khi thực hiện; dự toán chi phí di dời áp sai định mức làm tăng dự toán.

KTNN kiến nghị chủ đầu tư và các cơ quan có liên quan tính toán, điều chỉnh lại tất cả các yếu tố đầu vào để làm cơ sở cho việc điều chỉnh lại phương án tài chính của dự án, trên cơ sở đó điều chỉnh các nội dung có liên quan tại hợp đồng BOT.

Thanh Nguyên
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Kinh tế-xã hội Việt Nam gần đây và triển vọng trong năm nay - Bài 1: Những điểm sáng và thành tựu nổi bật
Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu suy giảm, nhờ sự phối hợp kịp thời, chặt chẽ, hiệu quả của các cơ quan trong hệ thống chính trị, sự điều hành chủ động, linh hoạt, quyết liệt của Chính phủ, sự đoàn kết, tin tưởng, ủng hộ của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp... tình hình kinh tế - xã hội nước ta năm 2023 đã phục hồi ổn định, sang năm 2024 càng phát triển. Trong loạt bài này, chúng tôi xin đề cập tới hiện trạng kinh tế - xã hội đất nước và triển vọng trong năm 2024.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Trạm BOT T1 bị tài xế phản ứng, yêu cầu giảm giá vé từ 1.6