Chủ nhiệm UB Tư pháp Quốc hội (UBTPQH) Lê Thị Nga cho rằng, dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng cần mở rộng phạm vi điều chỉnh ra khu vực ngoài nhà nước và cần có sự kiểm soát chặt chẽ để tránh việc người có thẩm quyền lợi dụng chức vụ được giao hoặc thành lập doanh nghiệp “sân sau” để tham nhũng.

Kiểm soát chặt chẽ để tránh người có thẩm quyền lập DN 'sân sau' để tham nhũng

Nam Phong | 31/05/2018, 14:26

Chủ nhiệm UB Tư pháp Quốc hội (UBTPQH) Lê Thị Nga cho rằng, dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng cần mở rộng phạm vi điều chỉnh ra khu vực ngoài nhà nước và cần có sự kiểm soát chặt chẽ để tránh việc người có thẩm quyền lợi dụng chức vụ được giao hoặc thành lập doanh nghiệp “sân sau” để tham nhũng.

>>Kiểm soát tài sản của cán bộ diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý thế nào?

Sáng nay, ngày 31.5, Quốc hội (QH) tiếp tục kỳ họp thứ 5. Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái thừa ủy quyền của Thủ tướng đã báo cáo các nội dung tiếp thu, giải trình của dự án luật Phòng, chống tham nhũng (PCTN) sửa đổi và UBTPQH đã thẩm tra về dự luật này.

Thực hiện chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017, tại kỳ họp thứ tư (tháng 10.2017) Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật PCTN (sửa đổi). Qua thảo luận, các vị ĐBQH đã có nhiều ý kiến về những nội dung lớn của dự án Luật và cho rằng, đây là dự án Luật quan trọng, cử tri đặc biệt quan tâm và còn nhiều vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu tiếp thu, chỉnh lý nên đề nghị QH xem xét, thông qua theo quy trình tại ba kỳ họp. Ngay sau kỳ họp, Cơ quan soạn thảo đã phối hợp với UBTPQH và các cơ quan hữu quan khẩn trương tiến hành nghiên cứu ý kiến của các ĐBQH để hoàn thiện dự thảo Luật và có Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý số 155/BC-CP ngày 2.5.2018 trình QH cho ý kiến.

Chủ nhiệm UBTPQH Lê Thị Nga cho hay, UBTP nhận thấy, dự thảo Luật được chỉnh lý về cơ bản đã tiếp thu ý kiến của các ĐBQH, thể chế hóa các quan điểm chỉ đạo, định hướng của Đảng trong xây dựng Luật, trên cơ sở kết quả tổng kết 10 năm thi hành Luật PCTN. Nhiều quy định của dự thảo Luật đã được sửa đổi nhằm bảo đảm tính khả thi, phù hợp với thực tiễn, đồng bộ với hệ thống pháp luật hiện hành như: Quy định về công khai, minh bạch về tổ chức và hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị; trách nhiệm giải trình; tiêu chí đánh giá công tác PCTN; báo cáo, công khai báo cáo công tác PCTN; tuyên truyền, giáo dục về công tác PCTN; quy tắc ứng xử của người có chức vụ, quyền hạn; thanh toán qua tài khoản và nhiều nội dung khác của dự thảo Luật.

Bên cạnh đó, UBTP cho rằng, đây là một dự án Luật hết sức quan trọng, tác động đến nhiều mặt của đời sống xã hội nên một số nội dung lớn, phức tạp, còn nhiều ý kiến khác nhau cần được đánh giá, cân nhắc kỹ lưỡng để đảm bảo vừa nâng cao hiệu quả công tác PCTN, khắc phục được những hạn chế trong thực tiễn thi hành Luật, vừa phù hợp với điều kiện kinh tế, văn hóa, xã hội nước ta, bảo đảm tính khả thi, nhất là quy định về xử lý tài sản, thu nhập chênh lệch hoặc tăng thêm mà người kê khai không giải trình được một cách hợp lý nguồn gốc; thẩm quyền của cơ quan nhà nước trong thanh tra, kiểm tra về công tác PCTN khu vực ngoài nhà nước; cơ quan, đơn vị kiểm soát tài sản, thu nhập...

Một trong những điểm lưu ý được UBTP đưa ý kiến là việc “mở rộng phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật ra khu vực ngoài nhà nước”.

Theo Chủ nhiệm UBTPQH, đa số ý kiến UBTP tán thành với việc mở rộng phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật ra khu vực ngoài nhà nước vì cho rằng, trên thực tế, tình hình tham nhũng khu vực ngoài nhà nước đã và đang xuất hiện, ảnh hưởng bất lợi đến các hoạt động cạnh tranh lành mạnh, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư, kinh doanh, cản trở hiệu quả của công tác PCTN khu vực nhà nước.

Đồng thời, việc mở rộng phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật ra khu vực này cũng nhằm thể chế hóa quan điểm của Đảng tại Kết luận số 10-KL/TW ngày 26.12.2017 của Bộ Chính trị là “từng bước mở rộng hoạt động PCTN ra khu vực ngoài nhà nước”; bảo đảm đồng bộ với Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định trách nhiệm hình sự của người có chức vụ, quyền hạn trong các doanh nghiệp, tổ chức ngoài nhà nước về các hành vi tham ô tài sản, nhận hối lộ, đưa hối lộ, môi giới hối lộ và yêu cầu tại Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng mà Việt Nam là thành viên (Khoản 1 Điều 12 của Công ước Chống tham nhũng quy định: Trên cơ sở phù hợp với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật nước mình, mỗi quốc gia thành viên sẽ tiến hành các biện pháp để phòng ngừa tham nhũng liên quan đến khu vực tư, tăng cường các tiêu chuẩn kế toán và kiểm toán trong khu vực tư và, khi thích hợp, ban hành những chế tài dân sự, hành chính hoặc hình sự hiệu quả tương xứng và có tính răn đe đối với những hành vi không tuân thủ các biện pháp này).

Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, trong khi chúng ta còn chưa làm tốt công tác PCTN trong khu vực nhà nước thì trước mắt chưa nên mở rộng phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật, mà tập trung nguồn lực làm tốt công tác PCTN trong khu vực nhà nước. Đối với các hành vi tham ô tài sản, nhận hối lộ, đưa hối lộ, môi giới hối lộ ở khu vực ngoài nhà nước nếu đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì sẽ bị xử lý theo quy định của Bộ luật Hình sự.

Cũng theo Chủ nhiệm UBTPQH, dự thảo Luật đã được chỉnh lý theo hướng mở rộng phạm vi áp dụng đối với công ty đại chúng, tổ chức tín dụng; các tổ chức xã hội do Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ hoặc Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thành lập hoặc phê duyệt điều lệ, thường xuyên huy động các khoản đóng góp của nhân dân để hoạt động từ thiện (bỏ quy định áp dụng đối với quỹ đầu tư).

UBTP tán thành với việc mở rộng phạm vi áp dụng của dự thảo Luật vì cho rằng, hoạt động của các tổ chức, doanh nghiệp này có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển lành mạnh của nền kinh tế, đồng thời đây là các chủ thể huy động vốn đóng góp của nhiều cổ đông hoặc thường xuyên huy động các khoản đóng góp của nhân dân để hoạt động từ thiện…

“Do đó, cần có sự kiểm soát chặt chẽ để tránh việc người có thẩm quyền lợi dụng chức vụ được giao hoặc thành lập doanh nghiệp “sân sau” để tham nhũng. Quy định này còn có tác động lớn đến sự phát triển bền vững của nền kinh tế, thúc đẩy hiệu quả PCTN trong khu vực nhà nước”, Chủ nhiệm UBTPQH nhấn mạnh.

Tuy nhiên, dự thảo Luật quy định trách nhiệm của các công ty đại chúng, tổ chức tín dụng, tổ chức xã hội căn cứ quy định của Luật này tự ban hành quy định về kê khai, kiểm soát tài sản, thu nhập (khoản 2 Điều 99 và khoản 2 Điều 102). Theo quy định của dự thảo Luật thì kiểm soát tài sản, thu nhập gồm các nội dung như: thẩm quyền kiểm soát, phương thức kiểm soát, quyền yêu cầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị cung cấp thông tin, tài liệu có liên quan đến việc kiểm soát, xác minh tài sản, thu nhập, xử lý người kê khai không trung thực và xử lý tài sản, thu nhập không giải trình được nguồn gốc tăng thêm… UBTP đề nghị cần làm rõ các nội dung kiểm soát tài sản, thu nhập khu vực ngoài nhà nước, đánh giá tính khả thi để bảo đảm phù hợp với thực tế.

Nam Phong
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Công nghiệp bán dẫn - Việt Nam cần nắm bắt cơ hội 'nghìn năm có một'
17 phút trước Nhịp đập khoa học
Việt Nam đang có cơ hội “nghìn năm có một” để tham gia vào chuỗi giá trị ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Kiểm soát chặt chẽ để tránh người có thẩm quyền lập DN 'sân sau' để tham nhũng