“Nói là làng nghề gốm Phước Tích nghe có vẻ to lớn lắm, nhưng hiện tại chỉ có hai người thường xuyên làm gốm”, nghệ nhân lương thanh hiền chia sẻ.

Trăn trở của những người giữ lửa làng gốm Phước Tích

DDVN | 24/05/2016, 06:00

“Nói là làng nghề gốm Phước Tích nghe có vẻ to lớn lắm, nhưng hiện tại chỉ có hai người thường xuyên làm gốm”, nghệ nhân lương thanh hiền chia sẻ.

Cách trung tâm thành phố Huế chừng 45km về phía Bắc, làng cổ Phước Tích (xã Phong Hòa, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế) được biết đến như làng cổ thứ hai của Việt Nam. Ngoài hệ thống nhà rường hàng trăm năm tuổi, nơi đây còn nổi tiếng với nghề làm gốm tồn tại hơn 500 năm.

Hai người trẻ giữ lửa nghề

Những ngày đầu tháng Tư, anh Lương Thanh Hiền cùng người thợ của mình (anh Nguyễn Thanh Bảo, 28 tuổi, tỉnh Thừa Thiên - Huế) đang bận rộn hoàn thành các sản phẩm gốm để phục vụ cho dịp Festival Huế 2016 và các đơn đặt hàng của khách. Hằng ngày, chỉ có hai anh làm ra các sản phẩm gốm Phước Tích, còn đến dịp Festival mới có các cụ già trong làng tham gia quảng diễn nghề gốm để phục vụ cho du khách đến tham quan. Gốm Phước Tích khác biệt so với gốm các nơi khác trên đất nước Việt Nam, đó là không tráng men, do đất tốt nên không thấm nước.

Nói như ông Lê Trọng Diễn, 69 tuổi, một nghệ nhân 60 năm làm gốm Phước Tích thì gốm của làng chỉ vỡ khi cố tình làm rơi, thậm chí rơi trên nền đất cũng không vỡ. Trước đây, cả làng có khoảng 13 lò quanh năm đỏ lửa. Đồ gốm được đem đi bán khắp ở các tỉnh lân cận. Nhưng ngày nay, cả làng hiện chỉ còn duy nhất một lò nung do nghệ nhân Lương Thanh Hiền còn đỏ lửa. “Ngày xưa, cả làng này ai cũng biết làm gốm, nghề gốm là nghề chính nuôi sống dân làng, còn bây giờ chỉ còn hai người trẻ làm thôi. Các cụ già chỉ có thể hướng dẫn kỹ thuật cho người trẻ chứ rất ít làm”, ông Diễn cho hay. Hằng ngày, hai người thợ trẻ cần mẫn đến lò gốm cạnh sông Ô Lâu, rồi từ nguồn đất sét mua từ các làng bên, các anh đã cho ra những sản phẩm gốm đẹp, tinh tế phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng.

Nghề gốm Phước Tích trải qua rất nhiều thăng trầm, đáng chú ý nhất là khoảng thời gian năm 1900 - 1968, các lò gốm tạm thời dừng hoạt động do chiến tranh và năm 1998 đánh dấu mốc nghề gốm chính thức tắt lửa do không còn khả năng cạnh tranh và nhu cầu thị trường kén chọn hơn. Sau đó, vì trăn trở với nghề truyền thống của làng, các cụ ông như cụ Lê Trọng Ngũ, Hồ Văn Huân, Lê Trọng Kiểm… đã đứng ra vực dậy làng gốm, rồi đi ra tận làng Bát Tràng (Hà Nội), Hương Canh (Vĩnh Phúc) học tập kinh nghiệm để về khôi phục làng nghề. Thông qua các dịp Festival, gốm Phước Tích cũng được biết đến nhiều hơn với các hoạt động triển lãm gốm truyền thống và để du khách tự tay trải nghiệm làm ra sản phẩm gốm. Rồi những người già cũng dần rời khỏi nghề do tuổi cao sức yếu, thỉnh thoảng mới làm gốm để thỏa mãn thú vui và phục vụ du khách. Hiện trong làng chỉ có nhà ông Diễn mới có đủ bộ sưu tập về đồ gốm Phước Tích, những lúc có khách đến tham quan, ông ra lò làm gốm rồi nung cho khách xem.

Làng gốm có một mai một?

Phải tận mắt chứng kiến cảnh người thợ gốm thực hiện động tác xoay bàn xoay, cắt gọt từng chi tiết thừa, lấy khăn ẩm lau những bình chưa nung cho ướt rồi cẩn thận vẽ từng họa tiết trên chiếc bình thơm mùi đất mới thấy được sự vất vả và cầu kỳ của nghề. Anh Hiền cho biết: “Làm gốm thời nay đã khác xưa, gốm phải đáp ứng được nhu cầu của thị trường do đó cần sáng tạo ra các kiểu dáng mới, mẫu vẽ mới”. Mỗi tuần lò của anh làm ra khoảng 70 sản phẩm, giá cả tùy thuộc vào mẫu mã và kích cỡ sản phẩm, dao động từ vài chục ngàn đồng cho tới vài trăm ngàn đồng. Nhìn ra con đường làng vắng tanh người, ông Diễn ngậm ngùi nói: “Đi quanh làng hiếm lắm mới gặp được thanh niên, vì làng bây giờ chủ yếu là người già. Hiếm có thanh niên nào theo nghề gốm bởi họ hầu hết đã đi làm ở nơi khác rồi”.

Thấy nghề có nguy cơ mai một, thời gian qua ông Diễn đã đào tạo được 5 người trẻ làm nghề gốm, trong đó có cả người khác làng. Thế nhưng, giờ chỉ còn 2 người quyết đeo đuổi, “sống chết” với nghề, đó là anh Hiền và anh Bảo, có lẽ bởi nghề gốm không mang lại thu nhập cao cho người dân, mặt khác nghề này luôn luôn đòi hỏi sự đổi mới và sáng tạo. “Làm hết giờ rồi về thì không thể theo nghề được. Không phải là không có người làm, gọi một người thợ vào đạp đất thì ai cũng làm được, nhưng nghề này buộc người làm phải thực sự giỏi, đam mê sáng tạo ra nhiều hình dáng, mẫu mã mới để đáp ứng được nhu cầu ngày càng đa dạng của khách hàng. Ngày xưa là đồ tròn, giờ phải làm ra các loại dẹt, méo…”, anh Hiền trăn trở. Lò gốm do chỉ có hai người làm nên lượng sản phẩm cũng ít, có khi khách đặt hàng nhiều mà các anh không ai dám nhận lời.

Nghệ nhân Hiền kể: “Hôm vừa rồi, có một vị khách đến đặt 500 sản phẩm nhưng chúng tôi còn lưỡng lự do sợ làm không kịp, nếu đặt khoảng 100-200 sản phẩm thì may ra có thể làm xong”. “Nói là làng nghề gốm Phước Tích nghe có vẻ to lớn lắm, nhưng hiện tại chỉ có hai người thường xuyên làm gốm để bán ra thị trường và phục vụ cho các dịp Festival làng nghề và Festival Huế”, anh chia sẻ thêm. Khi được hỏi về tình hình sản xuất của làng gốm Phước Tích, ông Diễn cho rằng nghề sẽ không thất truyền nhưng để phát triển được thì e rằng khó khăn. “Nói nghề gốm thất truyền thì không đúng, bởi làng còn có hai người trẻ sản xuất gốm, vả lại thỉnh thoảng vài cụ già cũng có làm gốm, hai cô con gái của tôi mặc dù làm giáo viên nhưng những lúc về nhà cũng có làm, còn nói nghề này phát triển thì cũng khó lắm”, ông phân tích. Có lẽ, ước mong để những lò gốm Phước Tích còn đỏ lửa mãi cho đến ngàn sau vẫn còn là nỗi trăn trở, day dứt của những người gắn bó còn lại với nghề.

Khải Tuấn / Duyên dáng Việt Nam
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Hạn hán khô khát khốc liệt ở miền Tây Nam Bộ
một giờ trước Theo dòng thời sự
Kênh rạch khô nứt nẻ; đường sá sạt lở sụt lún khiến giao thông ách tắc; hàng vạn người dân thiếu nước sạch sinh hoạt… là những gì đã và đang diễn ra tại nhiều địa phương vùng ĐBSCL hiện nay.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Trăn trở của những người giữ lửa làng gốm Phước Tích