Đối với đề nghị cần điều chỉnh tăng lương cơ sở từ ngày 1.1.2023, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng dịp đầu năm, gần Tết là thời điểm nhạy cảm, nhu cầu mua sắm tăng mạnh, tạo sức ép lên điều hành giá cả.

Tránh thời điểm nhạy cảm gần Tết, Quốc hội quyết định tăng lương cơ sở vào tháng 7.2023

Lam Thanh | 11/11/2022, 15:20

Đối với đề nghị cần điều chỉnh tăng lương cơ sở từ ngày 1.1.2023, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng dịp đầu năm, gần Tết là thời điểm nhạy cảm, nhu cầu mua sắm tăng mạnh, tạo sức ép lên điều hành giá cả.

Với đa số phiếu thuận, chiều 11.11, Quốc hội thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2023.

Ngày 11.11, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày báo cáo tiếp thu, giải trình về đánh giá tình hình thực hiện ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2022, dự toán ngân sách nhà nước năm 2023 và Dự thảo Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2023.

Tiếp thu ý kiến các đại biểu cho rằng, cơ cấu tăng thu NSNN chưa bền vững; tăng thu nội địa thấp, tăng thu chủ yếu từ tiền sử dụng đất, từ dầu thô, trong khi thu từ thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp hụt thu lớn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ sớm trình Quốc hội sửa đổi, hoàn thiện hệ thống pháp luật về thu ngân sách, tăng cường quản lý thu, cơ cấu lại nguồn thu bảo đảm tính bền vững.

luong.jpg
Quốc hội thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2023

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đề nghị Chính phủ khẩn trương xây dựng các giải pháp thực hiện giai đoạn 2021-2025, gắn với trách nhiệm người đứng đầu; sớm phê duyệt, điều chỉnh đề án tái cơ cấu doanh nghiệp.

Đối với tình trạng nhiều địa phương, bộ, ngành đề nghị được trả lại vốn ODA, Chính phủ cần có giải pháp mạnh mẽ, căn cơ hơn trong việc yêu cầu các bộ, cơ quan trung ương và địa phương nâng cao chất lượng đề xuất, công tác chuẩn bị, phê duyệt dự án ODA; xây dựng kế hoạch triển khai cụ thể cho từng giai đoạn thực hiện; nghiên cứu chế tài xử lý đối với các trường hợp trả lại kế hoạch vốn hằng năm do nguyên nhân chủ quan.

Về dự toán NSNN năm 2023, một số ý kiến cho rằng, dự toán tổng thu cân đối NSNN được xây dựng chỉ tương đương với ước thực hiện năm 2022 (chỉ tăng khoảng 0,4%) là chưa phù hợp với tiềm năng. Đặc biệt trong bối cảnh dự kiến tăng trưởng GDP năm 2023 khoảng 6,5%, lạm phát khoảng 4,5%. Các ý kiến đề nghị dự toán thu năm 2023 ở mức cao hơn để có nguồn lực thực hiện cải cách tiền lương, giảm bội chi NSNN.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho hay, trong bối cảnh kinh tế - xã hội trong nước và thế giới còn tiềm ẩn nhiều yếu tổ rủi ro, để bảo đảm an ninh, an toàn tài chính quốc gia, tránh rủi ro khi dự toán thu không đạt, ảnh hưởng tới nhiệm vụ chi NSNN, tránh xáo trộn quá lớn dự toán thu của các địa phương…, xin Quốc hội cho phép giữ như phương án Chính phủ trình.

Tuy nhiên, tiếp thu ý kiến các vị đại biểu quốc hội, đề nghị trường hợp thu ngân sách trung ương năm 2023 vượt so với dự toán, đề nghị Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội phân bổ theo hướng bố trí nguồn để thực hiện cải cách tiền lương theo quy định và ưu tiên giảm bội chi ngân sách nhà nước.

Đối với ý kiến đề nghị cần điều chỉnh tăng lương cơ sở từ ngày 1.1.2023, có ý kiến đề nghị tăng 12,5% chi cho người hưởng trợ cấp hàng tháng. Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy nếu áp dụng tăng lương từ 1.1.2023 đúng vào thời điểm đầu năm gần với Tết dương lịch và Tết âm lịch.

“Đây là thời điểm nhạy cảm, nhu cầu mua sắm sử dụng hàng hóa, dịch vụ của người dân và doanh nghiệp tăng mạnh, tạo sức ép lên điều hành giá cả do tâm lý tăng lương đi kèm với tăng giá, gây áp lực với việc kiểm soát lạm phát và ảnh hưởng đến đời sống người dân”, ông Tùng nêu.

Hơn nữa, Ban chấp hành Trung ương đã đồng ý điều chỉnh tăng lương cơ sở, lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội theo đề nghị của Ban cán sự Đảng Chính phủ và thời điểm áp dụng từ 1.7.2023.

tung.jpg
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng

Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu, giải trình ý kiến đề nghị, để bảo đảm tính công bằng và hợp lý, cần lưu ý việc điều chỉnh tăng trợ cấp cho người có công, bảo trợ xã hội không thấp hơn chuẩn nghèo đô thị.

Theo đó, năm 2021, để bảo đảm mức hỗ trợ cho người thuộc diện bảo trợ xã hội, mức chuẩn trợ cấp bảo trợ xã hội mới được điều chỉnh tăng 33,3% từ mức 270.000 đồng/tháng lên mức 360.000 đồng/tháng.

Mặt khác, hệ số hỗ trợ thực hưởng từ 1-3 lần mức bảo trợ xã hội đối với từng đối tượng cụ thể, không áp dụng chung mức 360.000 đồng/tháng cho các đối tượng, theo đó đã góp phần hỗ trợ cho các đối tượng này.

Phương án Chính phủ trình, mức trợ cấp cho người có công tăng 20,8%, theo đó mức chuẩn trợ cấp sẽ được điều chỉnh từ 1.624.000 đồng lên mức khoảng 1.961.800 đồng. Người có công là những người đã hy sinh cho đất nước trong thời điểm đất nước còn nhiều khó khăn.

Vì vậy, tiếp thu ý kiến đại biểu, Đảng đoàn Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xin ý kiến các cơ quan có liên quan, cấp có thẩm quyền và chỉ đạo cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra tiếp thu tăng mức chuẩn trợ cấp cho người có công không thấp hơn chuẩn nghèo đô thị.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Tổng Bí thư Đảng Cách mạng Hiện đại cầm quyền Dominicana
3 giờ trước Sự kiện
Theo Đặc phái viên TTXVN, trong chương trình thăm chính thức Cộng hoà Dominicana, ngày 21.11 (giờ địa phương), tại thủ đô Santo Domingo, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp Tổng Bí thư Đảng Cách mạng Hiện đại (PRM) cầm quyền, Thị trưởng Thành phố Santo Domingo - bà Carolina Mejia.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tránh thời điểm nhạy cảm gần Tết, Quốc hội quyết định tăng lương cơ sở vào tháng 7.2023