Sáng nay 13.5, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dẫn đầu đoàn Chính phủ đã có buổi làm việc với TP.HCM.

Trong buổi làm việc với Thủ tướng, TP.HCM đề xuất Trung ương hỗ trợ vốn bổ sung từ ngân sách

Tú Viên | 13/05/2021, 11:12

Sáng nay 13.5, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dẫn đầu đoàn Chính phủ đã có buổi làm việc với TP.HCM.

Tham gia cùng đoàn có Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình, các Phó thủ tướng Lê Minh Khái, Lê Văn Thành. Đoàn công tác còn có các thành viên của Chính phủ là Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể, Bộ trưởng Bộ TN-MT Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị.

Về phía TP.HCM có Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên, Chủ tịch UBND Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch HĐND Nguyễn Thị Lệ; Phó Bí thư Thành ủy Hồ Hải…

Phát biểu khai mạc buổi làm việc, Thủ tướng cho biết, đây là buổi làm việc đầu tiên của Thủ tướng trên cương vị mới với một địa phương trên cả nước sau khi Chính phủ được kiện toàn nhân sự.

Để chuẩn bị cho buổi làm việc này, Thường trực Chính phủ và các thành viên Chính phủ đã nghiên cứu, thảo luận về báo cáo, đề xuất của Thành phố. “Nội dung rất nhiều và phong phú, đòi hỏi chất lượng cao, đề nghị các đồng chí tập trung trí tuệ, suy nghĩ để tập trung bàn bạc, phát biểu trực tiếp vào vấn đề. Các thành viên Chính phủ cái gì được thì nói là được, cái gì chưa được thì nói là vì sao”, Thủ tướng nêu rõ tinh thần buổi làm việc đồng thời lưu ý, Thành phố phải tiếp tục tập trung cao độ cho công tác phòng chống COVID-19.

thutuongphamminhchinh_azrq.jpeg

Thủ tướng Phạm Minh Chính tại buổi làm việc với UBND TP.HCM-Ảnh: Internet

Báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho biết, thời gian qua, Thành phố đã nỗ lực thực hiện “mục tiêu kép”, vừa chủ động phòng, chống dịch, vừa đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội.

Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) 3 tháng đầu năm đạt 329.636 tỉ đồng, tăng 4,58% so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 0,42%). Trong 4 tháng, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng 7,9%; chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 9,7% (cùng kỳ giảm 2,6%), 4 nhóm ngành công nghiệp trọng yếu tăng 11,7%; xuất khẩu hàng hóa 15,5 tỉ USD, tăng 14%. Lượng khách du lịch nội địa đạt gần 6,2 triệu lượt, doanh thu gần 30.000 tỉ đồng, tăng 17%. Đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt hơn 1,1 tỉ USD, có 5.600 doanh nghiệp hoạt động trở lại, tăng 95%. Tổng thu ngân sách Nhà nước thực hiện đạt 140.300 tỉ đồng, đạt 38,4% dự toán, tăng 15,7% so với cùng kỳ.

Về công tác chống dịch COVID-19, ông Nguyễn Thành Phong cho biết tình hình tại TP.HCM được triển khai tốt. Liên quan các chuỗi lây nhiễm từ ngày 27.4 tới nay, TP.HCM chỉ ghi nhận 1 ca lây nhiễm cộng đồng liên quan chuỗi lây nhiễm tại Hà Nam.

Thời gian tới, TP.HCM xác định phòng, chống dịch là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu, là “cuộc chiến thực sự, phải chấp nhận hy sinh lợi ích ngắn hạn để bảo đảm cho sự phát triển dài hạn”, giữ mức cảnh giác cao nhất với dịch bệnh, kết hợp hài hòa phòng ngự và tấn công, tấn công là chính. Đến nay, TP.HCM đã tiêm vaccine phòng COVID-19 cho 59.000 người.

Chủ tịch UBND TP.HCM nhắc tới sự quá tải về hạ tầng kinh tế-xã hội đang ngày càng gia tăng; hạ tầng giao thông lạc hậu, chậm được mở rộng và nâng cấp, hệ thống giao thông kết nối liên vùng còn hạn chế, chưa đáp ứng nhu cầu phát triển cũng như vị thế trung tâm liên kết của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Nhu cầu đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng và nhu cầu kinh phí để đảm bảo các chính sách, chế độ ngày càng tăng cao, gây áp lực lớn cho ngân sách TP.HCM.

TP.HCM có hoạt động kinh tế lớn nhất cả nước (chiếm hơn 22% GDP cả nước) song việc thu hút đầu tư nước ngoài chưa vượt trội (số vốn bình quân đầu tư trên mỗi dự án chưa đạt 1 triệu USD), quy mô doanh nghiệp chủ yếu là nhỏ và siêu nhỏ chiếm gần 98% với số vốn đăng ký chỉ chiếm hơn 27% tổng số vốn đăng ký của doanh nghiệp trên địa bàn.

Cùng với đó, TP.HCM là địa phương có năng suất lao động và thu nhập đầu người cao nhất cả nước (gấp khoảng 2,7 lần so với bình quân cả nước), song tỷ suất sinh lại thấp nhất cả nước (khoảng 1,3 trẻ/phụ nữ so với bình quân cả nước là 2,1 trẻ/phụ nữ). Điều này sẽ ảnh hưởng đến việc cung cấp nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế-xã hội của Thành phố trong tương lai.

Từ đó, chính quyền TP.HCM đề xuất, kiến nghị với Chính phủ một số nội dung nhằm đảm bảo thành phố phát triển trong thời gian tới. Trong số này có các kiến nghị liên quan đến việc phân cấp, phân quyền cho TP.HCM; về những khó khăn, vướng mắc cùng đề xuất liên quan đến việc thực hiện Nghị quyết 54/2017 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM; về công tác cổ phần hóa và hoạt động của doanh nghiệp Nhà nước.

Đồng thời, TP.HCM cũng nêu những kiến nghị cụ thể về đầu tư công trung hạn 2021 - 2025, trong đó có đề xuất bổ sung vốn trung hạn từ ngân sách Trung ương để hỗ trợ TP.HCM cân đối vốn đầu tư xây dựng các dự án trọng điểm, dự án có tính liên kết vùng có ý nghĩa thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững.

Đặc biệt là việc kiến nghị nhiều nội dung liên quan đến TP Thủ Đức, trong đó có chấp thuận việc xây dựng đề án, cơ chế chính sách đặc thù phát triển TP Thủ Đức; về phát triển hạ tầng, thu hút đầu tư phát triển TP Thủ Đức.

Bài liên quan
Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp mặt, đối thoại với thanh niên về chuyển đổi số
Nhân kỷ niệm 93 năm ngày thành lập Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, sáng 26.3, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị gặp mặt và đối thoại với thanh niên.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Bắt cựu Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi Lê Viết Chữ
3 giờ trước Sự kiện
Ông Lê Viết Chữ, cựu Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi, bị Cơ quan điều tra Bộ Công an khởi tố bị can, bắt tạm giam để điều tra sai phạm liên quan vụ án xảy ra tại Tập đoàn Phúc Sơn.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Trong buổi làm việc với Thủ tướng, TP.HCM đề xuất Trung ương hỗ trợ vốn bổ sung từ ngân sách