Dù dân số chỉ 8,5 triệu người, nhưng Thuỵ Sỹ xếp thứ 6 châu Âu, xếp thứ 9 thế giới về số ca nhiễm COVID-19 với thống kê mới nhất lên đến gần 15.000.

Trong các nước dưới 10 triệu dân, Thuỵ Sỹ ghi nhận nhiều ca nhiễm COVID-19 nhất

29/03/2020, 20:15

Dù dân số chỉ 8,5 triệu người, nhưng Thuỵ Sỹ xếp thứ 6 châu Âu, xếp thứ 9 thế giới về số ca nhiễm COVID-19 với thống kê mới nhất lên đến gần 15.000.

Vào lúc này, đã có 6 nước châu Âu có từ 10.000 ca nhiễm COVID-19 trở lên. 5 nước dẫn đầu bảng lần lượt là Ý, Tây Ban Nha, Đức, Pháp, Anh. Điều này không khó hiểu vì đây là 5 quốc gia có dân số đông (ít nhất trong 5 cái tên trên là Tây Ban Nha cũng có hơn 47 triệu người). Nhưng Thụy Sỹ xếp thứ 6 châu Âu về số ca nhiệm với thống kê mới nhất lên đến gần 15.000 là một điều ngạc nhiên do dân số quốc gia Trung Âu này chỉ hơn 8,5 triệu người. Tính số ca nhiễm theo bình quân đầu người thì Thụy Sỹ cũng không thua gì Ý. Nếu tính trong các quốc gia dưới 10 triệu dân thì Thụy Sỹ dẫn đầu về số ca nhiễm COVID-19.

Tất cả rất nhanh chỉ trong vòng 1 tháng: ngày 25.2, Thụy Sỹ phát hiện ca nhiễm đầu tiên và giờ là 15.000. Riêng hôm nay, Thụy Sỹ ghi nhận 1.400 ca nhiễm mới. Số ca tử vong cũng là 275.

Nguyên nhân khiến Thụy Sỹ có mật độ nhiễm bệnh cao như vậy là do thế mạnh tài chính của chính nước này. Thụy Sỹ là trung tâm ngân hàng thế giới nên có làn sóng người từ khắp nơi trên thế giới đổ về. Do vậy, Thụy Sỹ khá chần chừ trong việc đóng cửa biên giới ngay cả khi tình hình ở các nước láng giềng xấu đi. Việc có biên giới đất liền với miền bắc Ý, tâm dịch của châu Âu cũng là bất lợi trong chống dịch của Thụy Sỹ. Hiện các nước xung quanh Thụy Sỹ đều có số người nhiễm coronavirus cao. Ngoài Ý dẫn đầu thế giới với hơn 92.000 ca còn có Đức 56.000 ca, Pháp 32.000 ca, Áo 8.000 ca và ngay cả quốc gia nhỏ bé Liechtenstein cũng có hơn 50 ca.

Văn phòng Y tế Liên bang Thụy Sỹ cho biết số lượng xét nghiệm cho kết quả dương tính đang tăng nhanh đến mức khó có thể đưa ra con số chính xác. Hơn 6.000 xét nghiệm đang được thực hiện ở Thụy Sỹ mỗi ngày. nên số người ghi nhận nhiễm coronavirus có thể chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Các chuyên gia đã cảnh báo rằng các trường hợp nhiễm sẽ tiếp tục tăng.

Trước sự lây lan của coronavirus, chính phủ Thụy Sỹ đã phải ban tố tình trạng khẩn cấp trên toàn quốc gia. Điều này cho phép chính quyền nắm quyền điều hành chủ động và đồng bộ với 26 bang thay vì để các bang áp dụng biện pháp đơn lẻ rời rạc thiếu hiệu quả. Đây là lần đầu tiên mà Thụy Sỹ phải sử dụng đến biện pháp cứng rắn như vậy.

Chính phủ tại Bern đã ra lệnh đóng cửa các quán bar, nhà hàng, cơ sở thể thao và văn hóa. Chỉ các doanh nghiệp cung cấp hàng hóa thiết yếu - như cửa hàng tạp hóa, thực phẩm và nhà thuốc - vẫn được mở. Các ngân hàng và bưu điện cũng sẽ được mở với những quy định hạn chế. Dự kiến, các biện pháp cứng rắn được thực hiện cho đến ngày 19.4.

Chính phủ đặc biệt khuyến nghị người bệnh và những người từ 65 tuổi trở lên nên ở nhà. Một số bang sốt sắng đã cấm người hơn 65 rời khỏi nhà, ngoại trừ các chuyến thăm bác sĩ, hoặc đi dạo một mình hai giờ. Tuy nhiên, Văn phòng Tư pháp Liên bang đã nhắc nhở các biện pháp như vậy là vi phạm các quy định trên toàn quốc. Cũng có trường hợp các bang ban đầu làm trái với tinh thần chỉ đạo của Liên bang nhưng sau cùng thì Liên bang cũng học theo cách làm của các bang.

Bang Ticino giáp Ý đã quyết định đóng cửa các nhà máy và ngừng mọi hoạt động kinh tế không thiết yếu. Hành động này ban đầu được Bern coi là bất hợp pháp. Nhưng về sau chính quyền trung ương đã phải ban bố lệnh tương tự như Ticino để ngăn chặn dịch bệnh. Hiện chính phủ Thụy Sỹ đã đưa ra lệnh cấm tụ tập 5 người ngoài công cộng trên toàn quốc.

Cuộc bỏ phiếu ​​trên toàn quốc dự kiến tổ chức ​​vào ngày 17.5, trong đó có đề xuất hủy bỏ một thỏa thuận với Liên minh châu Âu về quyền di chuyển tự do của người dân, đã bị hoãn lại. Theo kế hoạch mới thì ngày bỏ phiếu tổ chức vào cuối tháng 5.

Vào ngày 25.3, chính phủ Thụy Sỹ đã mở rộng hạn chế nhập cảnh đối với tất cả các nước, kể cả các quốc gia trong khối Schengen. Chỉ có công dân Thụy Sỹ, cư dân Thụy Sỹ hay những người vào nước này vì lý do công việc (ví dụ: những người làm việc ở đây và có giấy phép để chứng minh điều đó) và những người quá cảnh, mới được đặt chân vào nước này.

Chính phủ Bern cũng đã công bố gói viện trợ 32 tỉ CHF (32,6 tỉ USD) để giúp hỗ trợ nền kinh tế, ngoài gói 10 tỉ CHF được tung trước đó một tuần. Số tiền này được giải ngân nhằm mục đích giúp các công ty sống sót qua suy thoái kinh tế do coronavirus gây ra. Các viện kinh tế và ngân hàng đang dự đoán một cuộc suy thoái trong năm 2020. Ngay cả khi tình hình virus được giải quyết trong những tháng tới thì cũng phải đến 2021 kinh tế mới phục hồi trở lại.

Gói kinh tế hứa hẹn cung cấp 20 tỉ CHF cho các công ty có vấn đề về nợ ngân hàng để dòng tiền được luân chuyển. Các công ty bị khủng hoảng có thể tạm hoãn việc thanh toán tiền bảo hiểm xã hội và không bị tính lãi. Những biện pháp này cũng được áp dụng cho các doanh nghiệp nhỏ lẻ có doanh thu sụt giảm.

Trong khi đó, tình trạng thất nghiệp đã tăng mạnh do đại dịch coronavirus và dự kiến ​​sẽ tiếp tục tăng. Tính đến ngày 28.3, khoảng 750.000 người, tương đương 15% tổng số người lao động, đã ở trong tình trạng như vậy. Trong khi kêu gọi mọi người ở nhà trừ các trường hợp khẩn cấp, Thụy Sỹ đã đảm bảo duy trì rằng nguồn cung cấp thuốc và thực phẩm hàng ngày cho mọi người. Các quan chức điều hành kinh tế cũng trấn an người dân đang thực hiện cách ly xã hội khi tuyên bố đảm bảo tiền lương tháng 3 sẽ phát đủ, dù có thể một vài người phải lãnh chậm.

Anh Tú

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Kinh tế-xã hội Việt Nam những năm gần đây và triển vọng trong năm nay - Bài 3: Đầu tư phát triển, xuất nhập khẩu đều ghi điểm tốt
Trên các lĩnh vực quan trọng như xuất nhập khẩu, đầu tư phát triển, tài chính - ngân hàng - chứng khoán, tiêu dùng, thu chi ngân sách đều có sự cải thiện, thay đổi theo hướng tích cực.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Trong các nước dưới 10 triệu dân, Thuỵ Sỹ ghi nhận nhiều ca nhiễm COVID-19 nhất