Một tín hiệu có phần tích cực đối với một trong những vấn đề lớn nhất và đau đầu nhất với các nhà lãnh đạo Trung Quốc về nền kinh tế của mình là khối nợ xấu khổng lồ có vẻ như đã bắt đầu xuất hiện.

Trung Quốc có dám mở cửa thị trường mua bán nợ xấu?

27/05/2016, 13:52

Một tín hiệu có phần tích cực đối với một trong những vấn đề lớn nhất và đau đầu nhất với các nhà lãnh đạo Trung Quốc về nền kinh tế của mình là khối nợ xấu khổng lồ có vẻ như đã bắt đầu xuất hiện.

Sau khi chính phủ Trung Quốc đưa ra yêu cầu sự trợ giúp từ phía Ngân hàng Trung ương Anh (Bank of England) trong việc tái cấu trúc hệ thống ngân hàng và xử lý nợ xấu trong hệ thống ngân hàng nước này, thì nó bắt đầu nhận được sự quan tâm của các nhà đầu tư lớn nước ngoài. Nó đã tạo ra những hy vọng về việc Trung Quốc có thể sẽ mở cửa một thị trường mua bán nợ xấu, thông thường là theo hình thức một ngân hàng chuyên mua bán nợ, để giải quyết khối nợ xấu khổng lồ trong các ngân hàng Trung Quốc hiện nay. Đó có thể sẽ là một giải pháp giúp Trung Quốc tháo hơi khỏi quả bóng nợ xấu đang quá căng và có thể chuẩn bị phát nổ. Nhưng vấn đề là liệu Trung Quốc có dám làm thế hay không?

Một động thái mới mẻ trong vấn đề xử lý khối nợ xấu khổng lồ trong hệ thống ngân hàng của Trung Quốc hiện nay đã xuất hiện trong tuần này, khi tỉ phú Mỹ Wilbur Ross tuyên bố ông sẵn sàng xem xét khả năng đầu tư vào các khoản nợ xấu trong nền kinh tế Trung Quốc hiện nay. Vị tỉ phú này tuyên bố: “Tôi đang rất quan tâm đến các khoản nợ xấu hiện nay ở Trung Quốc. Nếu Trung Quốc muốn giải quyết các khoản nợ xấu này một cách minh bạch và với giá cả hợp lý, nó sẽ tạo ra cơ hội đối với những nhà đầu tư như tôi, đồng thời cũng đem lại lợi ích cho hệ thống ngân hàng Trung Quốc nữa”.

Trên thực tế, đã có rất nhiều nhà phân tích đồng thời là những tỉ phú Mỹ lên tiếng cảnh báo về quả bom nợ xấu trong hệ thống ngân hàng Trung Quốc, mà nổi bật nhất là ông trùm đầu cơ George Soros hay người đã dự đoán chính xác cuộc khủng hoảng tài chính Mỹ 2007 - 2008 Kyle Bass. Tuy nhiên, Wilbur Ross lại đang là người đầu tiên bày tỏ ý định giúp Trung Quốc xử lý vấn đề khó khăn này bằng cách đưa ra một giải pháp cụ thể. Cách xử lý nợ xấu theo cách lập ra một thị trường mua bán nợ xấu này là một cách thức thường thấy đối với các quốc gia đang phát triển gặp phải những vấn đề trong quản lý tài chính. Trước Trung Quốc, đã có một số quốc gia đang phát triển từng áp dụng mô hình này, điển hình là Việt Nam với việc thành lập công ty quản lý tài sản VAMC với chức năng là mua bán nợ xấu trong nền kinh tế.

Sở dĩ Wilbur Ross được xem như người đầu tiên bày tỏ ý định xử lý nợ xấu trong hệ thống ngân hàng ở Trung Quốc bằng cách mở một thị trường mua bán nợ xấu, dù điều này đã từng diễn ra ở một số các quốc gia khác, là vì trong nhiều năm qua chính phủ Trung Quốc vẫn đang giữ kín về số nợ xấu thực sự của các ngân hàng nước này. Theo số liệu công bố chính thức của chính phủ Trung Quốc, tổng số nợ xấu của các ngân hàng nước này hiện nay đang ở khoảng 137 tỉ USD. Tuy nhiên theo các chuyên gia quốc tế thì con số thực phải lớn gấp gần 10 lần, vào khoảng 1.300 tỉ USD (tương đương khoảng 8.000 tỉ nhân dân tệ). Chính vì Trung Quốc có xu hướng giấu kín số nợ xấu thực sự của mình nên cũng ít có nhà đầu tư quốc tế nào mặn mà với việc đầu tư vào thị trường mua bán nợ xấu ở nước này, vì sự minh bạch là một trong những điều kiện tiên quyết trong việc tiến hành mua bán nợ xấu.

Chỉ đến khi chính phủ Trung Quốc lên tiếng đề nghị Ngân hàng Trung ương Anh giúp đỡ trong việc cải tổ lại hoạt động của hệ thống ngân hàng nước này, thì Wilbur Ross mới là tỉ phú đầu tiên nêu ra ý tưởng xử lý nợ xấu bằng cách mua bán. Khi Trung Quốc đã phải viện đến một ngân hàng trung ương châu Âu giúp giải quyết bế tắc trong việc cơ cấu lại hoạt động của hệ thống ngân hàng, thì cũng đồng nghĩa với việc chính phủ nước này có thể sẽ nới lỏng việc kiểm soát và thậm chí cho phép các nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào quá trình xử lý nợ xấu này. Lời phát biểu của tỉ phú Wilbur Ross vì thế mang ý nghĩa là một lời gợi ý cho chính phủ Trung Quốc. Nếu Trung Quốc đồng ý thành lập một thị trường mua bán nợ xấu, đó sẽ là thị trường giao dịch nợ lớn nhất trên thế giới với tổng giá trị lên tới 1.300 tỉ USD.

Về lý thuyết, phương án xử lý bằng cách mở thị trường mua bán nợ xấu của Wilbur Ross nếu diễn ra có thể sẽ là một giải pháp khá ổn thỏa cho vấn đề hiện nay của Trung Quốc. Chính phủ Trung Quốc hiện nay không đủ khả năng về tài chính và hiệu quả hoạt động trong hệ thống ngân hàng đủ để xử lý khối nợ xấu này một mình. Cách thức giải quyết duy nhất của Bắc Kinh đến nay vẫn là những gói hỗ trợ thanh khoản nhỏ giọt, lần gần nhất là gói hỗ trợ trị giá 50 tỉ nhân dân tệ (khoảng 7,6 tỉ USD) vào hệ thống ngân hàng, đồng thời cố gắng xử lý nợ xấu bằng cách cho phép các công ty chuyển các khoản nợ này thành cổ phần và trả cho ngân hàng như một biện pháp trì hoãn.

Tất cả những biện pháp này tỏ ra không đủ khả năng giải quyết tận gốc và bắt đầu phát sinh những biến chứng. Chẳng hạn như các ngân hàng Trung Quốc giờ đây đang siết chặt các quy định cho vay chặt chẽ hơn bao giờ hết, và một số biện pháp lách luật đã được các DN nước này nghĩ ra. Điển hình là việc xuất hiện một số công ty cho thuê tài sản thế chấp cho các DN muốn vay tiền ngân hàng, và một trong những tài sản thế chấp được các ngân hàng ưu chuộng hiện nay là những đàn bò. Một số công ty như China Huishan Dairy Holding đang có dịch vụ cho thuê khoảng 50.000 con bò với tổng trị giá khoảng 152 triệu USD cho các DN nào muốn có tài sản thế chấp khi vay tiền ngân hàng. Việc chính phủ Trung Quốc lần đầu tiên phải ngỏ ý muốn nước Anh giúp đỡ trong việc tái cấu trúc hệ thống ngân hàng đang cho thấy, Bắc Kinh hiểu rằng chỉ có thể xử lý tận gốc nợ xấu chỉ khi tái cơ cấu lại toàn bộ cách thức hoạt động của các ngân hàng, thay vì các giải pháp tạm thời như bơm thanh khoản hay cho phép các DN chuyển nợ thành cổ phần.

Tuy nhiên, vấn đề lớn nhất trong giải pháp mà tỉ phú Wilbur Ross đưa ra là, liệu Trung Quốc có chấp nhận giải pháp ấy hay không, hay nói cách khác là có dám hay không. Việc thành lập một thị trường giao dịch nợ xấu cũng đồng nghĩa với việc công khai toàn bộ số nợ xấu trong hệ thống ngân hàng và nền kinh tế nước này. Đó có thể sẽ là một áp lực khổng lồ về chính trị, thậm chí có thể khiến các nhà lãnh đạo cấp cao bị ảnh hưởng. Chưa kể, việc công khai và mua bán nợ xấu có thể sẽ là một cú sốc lớn với nền kinh tế Trung Quốc, khi hiện nay nó đang có quá nhiều những công ty xác sống tồn tại bằng những khoản trợ cấp của chính phủ. Một khi chấp nhận mua bán nợ xấu, sẽ có hàng loạt tập đoàn và các công ty sẽ phải cải tổ, sa thải công nhân và giảm quy mô hoạt động. Đó sẽ là một cú sốc quá lớn mà có thể chính phủ Trung Quốc không đủ can đảm để chấp nhận.

Nhàn Đàm (theo Bloomberg)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Tổng Bí thư Đảng Cách mạng Hiện đại cầm quyền Dominicana
2 giờ trước Sự kiện
Theo Đặc phái viên TTXVN, trong chương trình thăm chính thức Cộng hoà Dominicana, ngày 21.11 (giờ địa phương), tại thủ đô Santo Domingo, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp Tổng Bí thư Đảng Cách mạng Hiện đại (PRM) cầm quyền, Thị trưởng Thành phố Santo Domingo - bà Carolina Mejia.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Trung Quốc có dám mở cửa thị trường mua bán nợ xấu?