Sự gia tăng các chuyên gia Trung Quốc tìm kiếm cơ hội di cư để đối phó với các biện pháp chống dịch nghiêm ngặt của chính sách "Zero-COVID" tại Trung Quốc có thể tác động xấu đến tham vọng trở thành siêu cường về khoa học và công nghệ của nước này.
Các chuyên gia tư vấn về di cư ở Trung Quốc đã nhận thấy sự gia tăng đáng kể về nhu cầu di cư trong những tháng gần đây khi sự bùng phát của biến thể Omicron xuất hiện tại TP. Thượng Hải.
Người dân của thành phố giàu có nhất Trung Quốc đã phải trải qua gần 2 tháng bị giam cầm trong nhà, gây nên làn sóng giận dữ và lo lắng.
Một đợt bùng phát dịch vào tháng 5 cũng đã khiến thủ đô Bắc Kinh (Trung Quốc) phải triển khai đợt xét nghiệm hàng loạt mới, đóng cửa thêm nhiều tuyến xe buýt và ga tàu điện nhằm tránh việc phải phong tỏa toàn thành phố như Thượng Hải.
Theo ước tính từ tập đoàn dịch vụ tài chính Nhật Bản Nomura Holdings, khoảng 373 triệu người tại 45 thành phố trên khắp Trung Quốc đã phải chịu một số biện pháp chống dịch nghiêm ngặt kể từ tháng 4.
Không có thống kê nào cho thấy mức độ quan tâm rộng rãi của việc di cư khỏi Trung Quốc, nhưng số lần tìm kiếm từ khóa “di cư” đã tăng 400 lần trong tháng qua trên nền tảng Baidu. Sự gia tăng tương tự cũng được thể hiện rõ ràng trên nền tảng WeChat.
Bất kỳ cuộc di cư quy mô lớn nào của các chuyên gia sẽ giáng một đòn mạnh vào lịch trình Trung Quốc trở thành cường quốc hàng đầu thế giới về khoa học và công nghệ trong vòng 20 năm tới. Đây là vấn đề được Chủ tịch Tập Cận Bình đưa ra tại một cuộc họp cấp cao vào tháng 9.2021
Ông Tập nhấn mạnh rằng các quan chức ở mọi cấp cần phải cải thiện khả năng thu hút nhân tài của đất nước và các chuyên gia nước ngoài tới làm việc ở Trung Quốc, thêm rằng đây chính là “chìa khóa” để giúp đất nước tự chủ về công nghệ và phục hồi.
Ông Tập cũng chỉ ra Bắc Kinh, Thượng Hải và khu vực Vịnh Lớn (gồm Hồng Kông, Ma Cao) là những trọng tâm chính, ông cũng kêu gọi phát triển các nghiên cứu và phòng thí nghiệm đẳng cấp thế giới cũng như các nền tảng đổi mới trên khắp Trung Quốc.
Việc thúc đẩy nhân tài cũng là một phần quan trọng trong sự cạnh tranh của Trung Quốc với Mỹ, quốc gia đã áp đặt các hạn chế về thị thực đối với sinh viên Trung Quốc và xuất khẩu công nghệ.
Ông Guo Shize, một đối tác tại Văn phòng Luật sư Ying Zhong ở Bắc Kinh, chuyên cung cấp các dịch vụ tư vấn du học và nhập cư, cho biết công ty của ông đã nhận thấy sự quan tâm về nhu cầu di cư tăng gấp đôi kể từ cuối tháng 3.
"Chúng tôi đã không nghỉ ngơi vào những ngày cuối tuần do lượng khách hàng tăng mạnh trong tháng qua và tôi đã nhận được 4 yêu cầu vào sáng nay, tất cả đều từ những khách hàng có nền tảng kỹ năng chuyên nghiệp. Bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, các chuyên gia cảm thấy bất an và một tương lai không chắc chắn làm giảm hy vọng của họ về nguồn thu nhập và định hướng phát triển trong tương lai", Guo Shize nói.
Ông Guo cho biết nhiều khách hàng quan tâm đến thị thực EB-1 của Mỹ dành cho những cá nhân có khả năng phi thường về khoa học, nghệ thuật, giáo dục, kinh doanh và thể thao.
Thị thực EB-1, còn được gọi là “Ưu tiên đầu tiên dựa vào việc làm”, là một loại thị thực di dân. Một thị thực EB-1 đủ tiêu chuẩn cho người xin thành công thẻ xanh của Mỹ (cư trú hợp pháp). Ngoài ra, vợ/chồng và con của người đó cũng có thể hội đủ điều kiện nhận thẻ xanh.
Một trong những khía cạnh thú vị của thị thực EB-1 là nó có 3 loại riêng biệt rất khác nhau và có các yêu cầu khác nhau để được chấp thuận. 3 loại này là:
EB-1A cho những người có khả năng phi thường; EB-1B cho các giáo sư xuất sắc và các nhà nghiên cứu; EB-1C dành cho các nhà quản lý và giám đốc điều hành đa quốc gia
"Nhiều khách hàng của tôi là kỹ sư của các công ty công nghệ thông tin lớn như Huawei, doanh nhân công ty công nghệ và giám đốc điều hành ngành dược phẩm", ông Gou nói.
Tại văn phòng của Tập đoàn Ngôi sao - công ty chuyên cung cấp dịch vụ di cư đến Bắc Mỹ có trụ sở tại Hồng Kông và Quảng Châu (Trung Quốc) cũng ghi nhận mức tăng 60 - 70% các yêu cầu từ miền Nam Trung Quốc về thị thực tài năng cấp cao so với cùng kỳ năm ngoái.
"Hầu hết mọi người đều hỏi về thị thực EB-1 ở Mỹ, thị thực Express Entry ở Canada và chương trình Global Talent Independent ở Úc - đó thường là những kênh nhập cư ưa thích nhất đối với nhân tài trẻ Trung Quốc. Tất nhiên, những chương trình này có yêu cầu rất cao đối với người nộp đơn về tuổi tác, trình độ học vấn và thành tích công việc", Chủ tịch Công ty Jack Ho cho biết.
Tất cả các chương trình này đều nhằm vào những giáo sư và nhà nghiên cứu trong ngành khoa học, nghệ thuật, giáo dục, cũng như các vận động viên ưu tú, các nhà quản lý kinh doanh đa quốc gia, giám đốc điều hành và các chuyên gia có tay nghề cao.
Ông Ho nói thêm rằng những tác động về mặt kinh tế và tâm lý từ các cuộc phong tỏa đã thúc đẩy quyết định tìm cách rời đi của nhiều người có chuyên môn cao.
Trong số những người chuẩn bị di cư có giám đốc công nghệ Rutina Liang ở Thượng Hải, và chồng cô, cũng là một kỹ sư công nghệ thông tin.
Cô Liang, tuổi ngoài 40, đã làm việc cho một số công ty công nghệ khổng lồ của Trung Quốc, cho biết việc phong tỏa tại Thượng Hải không phải là yếu tố duy nhất dẫn đến quyết định di cư của cô.
"Sự thôi thúc di cư của tôi đã có từ năm ngoái và tôi có thể nói rằng điều đó là phổ biến ở những chuyên gia công nghệ, đặc biệt là những người làm việc trong lĩnh vực công nghệ giáo dục và internet. Tôi thực sự sợ hãi. Tôi chưa bao giờ cảm thấy bất an như vậy về sự an toàn của gia đình cũng như tài sản của chúng tôi", Liang chia sẻ.
Cô Liang cho biết sự khắc nghiệt của một số biện pháp chống dịch, với việc xâm phạm quyền tự do và an ninh của người dân, đã khiến những chuyên gia như cô phải xem xét lại các lựa chọn của họ, bao gồm cả việc chuyển ra sống tại nước ngoài
"Tôi chưa bao giờ nghĩ đến việc di cư cho đến vừa rồi, và tôi bây giờ hy vọng nghề nghiệp và kinh nghiệm của mình sẽ cho tôi cơ hội sống tốt ở nước ngoài", Liang nói thêm.
Việc phong tỏa kéo dài ở Thượng Hải cũng là nguyên nhân của quyết định rời sang Canada của một cặp vợ chồng khác. Người chồng làm việc trong lĩnh vực điện ảnh cho biết anh chọn nơi ở mới chủ yếu do môi trường kiểm duyệt chặt chẽ của Trung Quốc, nhưng việc phong tỏa tại Thượng Hải là nguyên nhân quyết định.
"Việc phong tỏa Thượng Hải thực sự là một cột mốc quan trọng trong giai đoạn này. Mặc dù mọi người có thể không nói ra, nhưng họ chắc chắn cảm thấy có điều gì đó không ổn", người đàn ông nói thêm.
Frankie Lau, một kỹ sư khoa học máy tính ở California (Mỹ) cho biết nhu cầu nhân viên kỹ thuật tăng cao ở Mỹ đồng nghĩa với việc nhiều nhà tuyển dụng sẵn sàng đưa ra mức lương khởi điểm cao ngất ngưởng. Song ông cũng cảnh báo những người trẻ tuổi ở Trung Quốc nên cân nhắc kỹ lựa chọn của họ trước khi quyết định.
"Họ cần hiểu rằng xã hội Mỹ đã trở nên rất phân cực chính trị và điều này có tác động đáng kể, đặc biệt là đối với các kỹ sư Trung Quốc", Frankie Lau nói.
Một kỹ sư của Juniper Networks là công ty công nghệ thông tin ở California (Mỹ) cho biết những người Trung Quốc trẻ tuổi như anh đang có suy nghĩ về việc trở về nhà sau khi tốt nghiệp.
"Khi Donald Trump nắm quyền, những mâu thuẫn, chia rẽ trong xã hội Mỹ đã bộc lộ. Đó là khi tôi bắt đầu nghĩ đến việc rời Mỹ sau khi tốt nghiệp và quay trở lại châu Á. Kế hoạch ban đầu của tôi là trở về Trung Quốc sau khi tốt nghiệp nhưng bây giờ tôi có xu hướng tìm kiếm cơ hội ở Singapore vì tôi cảm thấy quyền cá nhân không được tôn trọng ở Trung Quốc. Tôi biết nhiều người có cùng quan điểm với tôi và họ cũng dự định rời Mỹ nhưng họ sẽ không quay trở lại Trung Quốc", kỹ sư giấu tên ấy cho biết.
Theo Viện Nghiên cứu MacroPolo, Trung Quốc là nơi cung cấp các nhà nghiên cứu hàng đầu lớn nhất trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI), chiếm 29% số sinh viên chưa tốt nghiệp về AI.
Một báo cáo tương tự cho thấy 53% các nhà nghiên cứu cấp cao nhất trong lĩnh vực này ở Trung Quốc là người nhập cư hoặc công dân nước ngoài làm việc ở một quốc gia khác, nơi họ nhận bằng đại học.
Mỹ vẫn đang dẫn đầu trong cuộc đua phát triển và ứng dụng trí thông minh nhân tạo, với gần 60% các nhà nghiên cứu hàng đầu đang làm việc cho các trường đại học và công ty của Mỹ. Hơn 2/3 lấy bằng đại học ở các nước khác.
Liệu sự gia tăng đột biến về nhu cầu di cư có dẫn đến việc nhân tài từ Trung Quốc có xu hướng muốn di cư nhiều hơn hay không vẫn còn phải được xem xét. Song điều này có nguy cơ làm trật bánh các kế hoạch đánh bại sự thống trị công nghệ của Mỹ từ Trung Quốc.
Phát biểu tại cuộc họp tháng 9.2021 với sự tham dự của các cấp cao nhất trong ban lãnh đạo đảng, ông Tập Cận Bình nhấn mạnh rằng khả năng cạnh tranh tổng thể của đất nước bắt nguồn từ đội ngũ nhân tài có tay nghề cao. "Xét cho cùng, sức cạnh tranh tổng thể của đất nước chính là sức cạnh tranh của những người có kỹ năng… Sự phát triển của đất nước dựa vào nhân tài, và sự phục hồi đất nước cũng dựa vào nhân tài", ông Tập nói.