Bắc Kinh đang cố gắng làm dịu làn sóng chủ nghĩa dân tộc đang gia tăng trong nước, sau khi ngày càng xuất hiện hàng loạt lời kêu gọi Trung Quốc tận dụng đại dịch COVID-19 để tấn công thống nhất Đài Loan.

Trung Quốc gắng làm dịu làn sóng đòi 'thống nhất Đài Loan bằng vũ lực'

11/05/2020, 16:58

Bắc Kinh đang cố gắng làm dịu làn sóng chủ nghĩa dân tộc đang gia tăng trong nước, sau khi ngày càng xuất hiện hàng loạt lời kêu gọi Trung Quốc tận dụng đại dịch COVID-19 để tấn công thống nhất Đài Loan.

Bản đồ đảo Đài Loan vào thế kỷ 18, sau khi bị nhà Thanh chinh phục - Ảnh: SCMP

Theo báo SCMP, một số lượng lớn các nhà bình luận Trung Quốc trên phương tiện truyền thông xã hội đã phát đi kêu gọi nước này tiến hành thống nhất đảo Đài Loan bằng vũ lực - phương án mà Bắc Kinh chưa từng loại trừ. Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng chính quyền Trung Quốc muốn đặt ra những chiến lược lâu dài và đang cố gắng hạ nhiệt "cơn sốt chủ nghĩa dân tộc" hiện nay.

Bài xã luận 5.000 chữ của nhà sử học Trung Quốc Deng Tao được đăng tải trên Thời báo học tập (Study Times), cơ quan của Trường đảng trung ương Trung Quốc, hồi đầu tháng 5, đã chỉ ra điểm tương đồng trong cuộc chinh phạt của triều đại nhà Thanh đối với Đài Loan vào thế kỷ 17, nhằm nổi bật tầm quan trọng của sự kiên nhẫn cùng kế hoạch kỹ lưỡng.

Theo ông Deng, nhà Thanh đã dành thời gian 20 năm để chuẩn bị cho cuộc chinh phục Đài Loan. Ông chỉ ra rằng triều đình khi đó cũng đã sử dụng các biện pháp chính trị, ngoại giao và kinh tế để đạt được mục tiêu thay vì chỉ dựa vào quân sự.

Cụ thể, nhà Thanh đã tìm cách cô lập về mặt chính trị đối với những nhà cai trị của Đài Loan, đồng thời cử đại diện của Bắc Kinh ra đảo để vận động sự ủng hộ từ cư dân hòn đảo bằng những lời cam kết, bao gồm cả mức thuế nhẹ nhàng hơn để lôi kéo họ trở về đại lục. Cùng lúc đó, hoàng đế Khang Hy tập trung xây dựng, đào tạo một hạm đội, và cuối cùng đánh chiếm thành công hòn đảo vào năm 1683, sáp nhập vào bản đồ của triều đại Thanh.

Gần đây, nhiều nhà bình luận và cả các chỉ huy quân sự nghỉ hưu ở Trung Quốc đã kêu gọi Bắc Kinh giành lại quyền kiểm soát Đài Loan, nơi trú ngụ của các lực lượng Quốc dân đảng kể từ sau thất bại trong cuộc nội chiến ở Trung Quốc năm 1949. Họ lập luận rằng nước Mỹ, vốn đang bị ràng buộc pháp lý phải hỗ trợ Đài Loan phòng vệ, hiện không có khả năng giúp hòn đảo tự bảo vệ mình, khi cả 4 tàu sân bay ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ đều đã bị tấn công bởi COVID-19.

Một số nhà bình luận pháp lý, trong đó có Tian Feilong, phó giáo sư tại Đại học Hàng không vũ trụ Bắc Kinh, kêu gọi chính phủ Trung Quốc xem xét sử dụng vũ lực để thống nhất Đài Loan, viện dẫn đạo luật chống ly khai được thông qua năm 2005 cho phép Bắc Kinh có thẩm quyền pháp lý để hành động như vậy.

Trong bài báo đăng tải trên trang tin Guancha.cn (Trung Quốc), ông Tian lập luận rằng các diễn biến chính trị và xã hội ở Đài Loan là minh chứng cho việc không thể sử dụng phương án giải quyết vấn đề một cách hòa bình. Ông cho rằng các cuộc biểu tình đòi dân chủ nổ ra ở Hồng Kông từ năm ngoái cho thấy mô hình "một quốc gia, hai chế độ" - điều mà Bắc Kinh hy vọng làm cơ sở để thống nhất Đài Loan - đã thất bại.

Các trao đổi ngoại giao liên lạc chính thức giữa hai bờ eo biển Đài Loan đã đóng băng sau khi bà Thái Anh Văn thuộc đảng Dân tiến ủng hộ độc lập giành chiến thắng trong cuộc bầu cử lãnh đạo Đài Loan năm 2016. Bà Thái sau đó đã bác bỏ mô hình "một Trung Quốc" làm nền tảng cho quan hệ Đài - Trung, đồng thời khẳng định hòn đảo là một “xã hội dân chủ”. Việc bà Thái Anh Văn tái đắc cử năm nay có khả năng làm leo thang căng thẳng giữa Đài Loan và Trung Quốc. Thêm vào đó, với sự ủng hộ của các cử tri, bà Thái sẽ được tiếp thêm sức mạnh trong nỗ lực bảo vệ Đài Loan trước áp lực từ Bắc Kinh.

Tướng Qiao Liang - đồng tác giả cuốn sách Chiến tranh không giới hạn: Kế hoạch tổng thể Trung Quốc để tiêu diệt nước Mỹ xuất bản năm 2004 đã gióng lên hồi chuông cảnh báo chống lại làn sóng kêu gọi chủ nghĩa dân tộc tại Trung Quốc khi cho rằng điều này "chỉ gây hại cho đất nước".

"Không thể phủ nhận rằng Mỹ đang tập trung đối phó với dịch bệnh và sức mạnh quân sự do đó bị giảm sút. Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng COVID-19 chỉ tạo ra thời cơ chiến thuật rất nhỏ cho Trung Quốc, không đủ lớn để giải quyết thế tiến thoái lưỡng nan trong chiến lược tương lai, trừ khi gần như chắc chắn rằng COVID-19 sẽ dẫn tới sự sụp đổ của nước Mỹ", ông Qiao Liang nhận định.

Chiến lược gia quân sự Trung Quốc cho rằng nếu quân đội Trung Quốc chiếm Đài Loan bằng vũ lực có thể không khiến Mỹ phải tuyên chiến, nhưng Washington có thể hợp tác với các đồng minh trong khu vực để sử dụng lợi thế trên biển và trên không của họ nhằm cắt đứt đường dây hàng hải của Bắc Kinh ở Biển Đông. Ngoài ra, các nước phương Tây khác cũng có thể bị thuyết phục để áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Bắc Kinh, sẽ kìm hãm sự phát triển kinh tế của đất nước.

Theo nguồn tin quân sự nói với báo SCMP, chính quyền Trung Quốc vẫn nuôi hy vọng vấn đề Đài Loan được giải quyết hòa bình, và phần lớn người dân Đài Loan vẫn muốn duy trì hiện trạng hòn đảo. “Duy trì sự ổn định và thịnh vượng của Đài Loan trước và sau khi thống nhất vẫn là ưu tiên hàng đầu đối với Trung Quốc”, nguồn tin cho hay.

Lee Chih-horng, chuyên gia về quan hệ xuyên eo biển tại Đại học Công nghệ Nanyang (Singapore) nhận định rằng các ý kiến của Deng Tao và Qiao Liang đã chỉ ra rằng Trung Quốc vẫn muốn bám sát thời gian biểu đã vạch ra cho lộ trình thống nhất với Đài Loan.

“Chính quyền Bắc Kinh hiện nay nhận ra rằng họ cần phải hạ nhiệt cơn sốt chủ nghĩa dân tộc, khi những kêu gọi tấn công Đài Loan bằng vũ lực đã trở nên quá cảm tính, và nhiều phương tiện truyền thông xã hội nước này đang khuấy động chủ đề ấy để thu hút sự chú ý”, ông Lee cho hay.

Phát biểu với đài truyền hình trung ương - CCTV hồi năm 2018, giáo sư Đại học Quốc phòng Trung Quốc Fang Bing nói rằng lịch trình thống nhất Đài Loan của Bắc Kinh sẽ không bị chậm lại nếu Quốc dân đảng thân Bắc Kinh lên nắm quyền, và cũng không đẩy nhanh khi đảng Dân chủ tiến bộ trở thành đảng cầm quyền".

Hoàng Vũ (theo SCMP)

Bài liên quan
Lệnh cấm đánh bắt cá của Trung Quốc ở Biển Đông vi phạm chủ quyền của Việt Nam
Lệnh cấm đánh bắt cá của Trung Quốc không chỉ vi phạm chủ quyền của Việt Nam ở quần đảo Hoàng Sa mà còn vi phạm quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam đối với vùng đặc quyền kinh tế được xác định theo Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Công nghiệp bán dẫn - Việt Nam cần nắm bắt cơ hội 'nghìn năm có một'
một giờ trước Nhịp đập khoa học
Việt Nam đang có cơ hội “nghìn năm có một” để tham gia vào chuỗi giá trị ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Trung Quốc gắng làm dịu làn sóng đòi 'thống nhất Đài Loan bằng vũ lực'