Sau khi thăm đại sứ quán cũ của Trung Quốc ở Belgrade, Tướng Ngụy Phụng Hòa nói: “Người dân Trung Quốc sẽ không bao giờ quên giai đoạn lịch sử này và Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc sẽ không bao giờ cho phép lịch sử như vậy lặp lại".

Trung Quốc không bao giờ quên đêm máy bay Mỹ ném bom đại sứ quán ở Belgrade

Nhân Hoàng | 01/04/2021, 23:00

Sau khi thăm đại sứ quán cũ của Trung Quốc ở Belgrade, Tướng Ngụy Phụng Hòa nói: “Người dân Trung Quốc sẽ không bao giờ quên giai đoạn lịch sử này và Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc sẽ không bao giờ cho phép lịch sử như vậy lặp lại".

Trong những ngày diễn ra cuộc khẩu chiến ngoại giao sôi nổi giữa Mỹ và Trung Quốc tại bang Alaska hôm 18.3, các quan chức cấp cao của cả hai nước đã bay vòng quanh thế giới, củng cố mối quan hệ với các quốc gia mà họ cho là đứng về phía mình.

Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc - Vương Nghị đã rời đi ngày 24.3 trong chuyến công du 6 nước Trung Đông. Song chính Bộ trưởng Quốc phòng - Tướng Ngụy Phụng Hòa thông qua hành trình được lựa chọn cẩn thận, là người đã gửi đi thông điệp mạnh mẽ nhất.

Hôm 26.3, ông Ngụy Phụng Hòa đã có mặt tại Thủ đô Belgrade, gặp Tổng thống Serbia - Aleksandar Vucic. Sau khi thị sát quân đội Serbia, trao đổi lời chào và cảm ơn Serbia vì đã tôn trọng "lợi ích cốt lõi" của Trung Quốc, Ngụy Phụng Hòa nói với Tổng thống Vucic rằng ông đã thực hiện chuyến đi đến một địa điểm đặc biệt vào đầu ngày.

Tướng Ngụy Phụng Hòa nói: “Người dân Trung Quốc sẽ không bao giờ quên giai đoạn lịch sử này và Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc sẽ không bao giờ cho phép lịch sử như vậy lặp lại".

Lịch sử đó là đêm ngày 7.5.1999, khi một phần trong cuộc không kích vào Belgrade của lực lượng NATO do Mỹ dẫn đầu trong các chiến dịch chống Nam Tư, máy bay B-2 của Mỹ đã ném bom vào Đại sứ quán Trung Quốc, giết chết ba nhà báo nước này.

Tướng Ngụy Phụng Hòa đã đến thăm địa điểm của đại sứ quán cũ và bày tỏ lòng kính trọng với những người đã khuất.

"Trung Quốc hoàn toàn có đủ khả năng và quyết tâm bảo vệ chủ quyền quốc gia, an ninh cùng lợi ích phát triển", ông Ngụy Phụng Hòa nói với nhà lãnh đạo Serbia.

trung-quoc-se-khong-bao-gio-quen-dem-my-nem-bom-vao-dai-su-quan-o-belgrade.jpg
Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc - Ngụy Phụng Hòa ngày 26.3 tới thăm địa điểm đặt đại sứ quán của nước này ở Belgrade, nơi bị NATO ném bom năm 1999 trong các chiến dịch chống Nam Tư

Ông Ngụy Phụng Hòa giữ cấp bậc cao nhất trong quân đội Trung Quốc và là thành viên của Quân ủy Trung ương, cơ quan lực lượng vũ trang hàng đầu giám sát Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc. Đoạn phim ông Ngụy Phụng Hòa đến thăm địa điểm đại sứ quán đã gợi lên sự phản đối mạnh mẽ Mỹ và tình cảm chống NATO trong dân Trung Quốc.

Trung Quốc không bao giờ chấp nhận lời giải thích của Mỹ rằng vụ đánh bom là sai lầm. Ngay cả sau khi ông Tập Cận Bình trở thành Chủ tịch Trung Quốc vào năm 2013, các hãng truyền thông nước này vẫn tiếp tục cho rằng đây là một vụ đánh bom "có chủ ý".

Sau vụ việc năm 1999, hàng chục ngàn sinh viên Trung Quốc biểu tình đã tập trung trước Đại sứ quán Mỹ ở Bắc Kinh. Tòa nhà chuyển sang màu vàng, đỏ và xanh khi những người biểu tình ném chai nhựa sơn. Các cửa sổ phía trước Đại sứ quán Mỹ bị vỡ tan tành.

Hai thập kỷ sau, tình cảm chống Mỹ lại bùng phát, như có thể thấy qua các cuộc công kích dồn dập trên mạng xã hội sau cuộc họp ở Alaska bắt đầu vào ngày 18.3. Tuy nhiên đến nay chưa có cuộc biểu tình chống Mỹ nào diễn ra ở Trung Quốc.

Cùng nhìn lại cách các cuộc biểu tình được tổ chức vào năm 1999.

Cheng Chunhua từng là trợ lý của Chủ tịch Hội sinh viên Đại học Bắc Kinh và là một trong những người tổ chức cuộc biểu tình ở trước Đại sứ quán Mỹ năm nào. Cheng Chunhua đã nói chuyện thẳng thắn với trang Nikkei trong một cuộc phỏng vấn.

"Ngay sau khi vụ đánh bom được công khai, động lực tổ chức một cuộc biểu tình đã tăng lên trong khuôn viên trường. Một số người đã đến hiện trường. Theo bản năng, tôi nghĩ rằng các nhà chức trách, bao gồm cả cảnh sát, sẽ chấp thuận một cuộc biểu tình như vậy. Vì vậy, tôi đã xin phép tổ chức một cuộc biểu tình thông qua trường học của mình. Đúng như dự đoán, tôi nhanh chóng được chính quyền thành phố Bắc Kinh bật đèn xanh và 5 chiếc xe buýt chạy đến đại sứ quán đã được sắp xếp", Cheng Chunhua chia sẻ.

Đại học Bắc Kinh đã đóng vai trò trung tâm trong cuộc biểu tình đòi dân chủ tại Quảng trường Thiên An Môn năm 1989. Với những ký ức về cuộc đàn áp đẫm máu đó vẫn còn nguyên vẹn, ưu tiên hàng đầu của chính quyền Trung Quốc là ngăn chặn các cuộc biểu tình vượt quá tầm kiểm soát, do đó xe buýt và lòng yêu nước bộc phát có trật tự là điều có thể chấp nhận được với họ.

trung-quoc-se-khong-bao-gio-quen-dem-my-nem-bom-vao-dai-su-quan-o-belgrade1.jpg
Vụ đánh bom đại sứ quán năm 1999 đã làm dấy lên các cuộc biểu tình phản đối Mỹ ở Trung Quốc, mà sinh viên Đại học Bắc Kinh cũng tham gia. 5 chuyến xe buýt đến khu Đại sứ quán Mỹ đã được sắp xếp thông qua chính quyền thành phố Bắc Kinh

Trở lại năm 1999, có một thế giới khác biệt giữa Mỹ với Trung Quốc về sức mạnh kinh tế và quân sự. Sinh viên biểu tình mang biểu ngữ với khẩu hiệu "Đừng xúc phạm đất nước Trung Quốc". Câu khẩu hiệu cũng thể hiện sự bộc phát những cảm xúc dồn nén của họ.

Trung Quốc ngày nay đã đứng ở một vị trí hoàn toàn khác. Bây giờ Trung Quốc sở hữu sức mạnh để đáp trả lại.

Các chuyến thăm ngoại giao tuần trước là biểu hiện của tầm ảnh hưởng như vậy. Tại Trung Đông, Ngoại trưởng Vương Nghị đã nói chuyện với các nước chủ nhà dưới tư cách là người mua năng lượng hàng đầu thế giới. Ở Đông Âu và vùng Balkan, Tướng Ngụy Phụng Hòa đề xuất mở rộng trao đổi quân sự, khiến các quan sát viên NATO phải chú ý.

Việc cung cấp vắc xin COVID-19 sản xuất tại Trung Quốc cũng cung cấp cho nước này nguồn lực mạnh mẽ.

Tại quê nhà, cơ chế sản xuất và tiêu dùng của Trung Quốc thay đổi khi các công ty may mặc nước ngoài phải đối mặt với sức ép dữ dội vì chỉ trích các hành động của nước này ở khu tự trị Tân Cương, nơi bị cáo buộc vi phạm nhân quyền với nhóm dân tộc Duy Ngô Nhĩ.

Người ta không còn tìm thấy sản phẩm H&M trên các trang web mua sắm lớn của Trung Quốc, do những tuyên bố trước đây của hãng thời trang Thụy Điển rằng sẽ không giao dịch với các công ty Trung Quốc có nhà máy ở Tân Cương.

trung-quoc-se-khong-bao-gio-quen-dem-my-nem-bom-vao-dai-su-quan-o-belgrade12.jpg
Một nhân viên bảo vệ đứng bên ngoài cửa hàng H&M ở Bắc Kinh vào ngày 25.3. Các sản phẩm của nhà bán lẻ thời trang Thụy Điển đã đột ngột biến mất khỏi các trang web mua sắm lớn của Trung Quốc

Chiến dịch giám sát hàng loạt đã lan sang các nhà bán lẻ quần áo khác, bao gồm cả Nike và Adidas, vì họ cũng bị ảnh hưởng bởi những tuyên bố trước đây cáo buộc Trung Quốc cưỡng bức lao động người Duy Ngô Nhĩ trong sản xuất bông.

Các diễn viên và người nổi tiếng Trung Quốc nhanh chóng tham gia chỉ trích, chấm dứt hợp đồng đại diện và tài trợ với H&M, Nike, Adidas cùng các thương hiệu thời trang quốc tế khác. Những người nổi tiếng này đưa ra những tuyên bố rằng không thể dung thứ cho bất kỳ hành động nào nhằm "bôi nhọ Trung Quốc”, làm gợi nhớ đến khẩu hiệu "Đừng xúc phạm đất nước Trung Quốc" được những sinh viên biểu tình hô vang vào năm 1999.

Trong thời đại thương mại điện tử, việc mua sắm trực tuyến bị tắc nghẽn đột ngột, nghiêm trọng tương đương với các cuộc biểu tình trên đường phố chặn đường vào các quận trung tâm thành phố trong ngày.

Sau cuộc hội đàm giữa Mỹ và Trung Quốc tại Alaska, tài khoản Weibo Nhân dân Nhật báo, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản, đã trích dẫn lịch sử Trung Quốc từng bị các cường quốc phương Tây chà đạp 120 năm trước, khi đăng hai bức ảnh cạnh nhau. Một bức cho thấy Hiệp ước Tân Sửu (Nghị định thư Bắc Kinh) năm 1901 đầy nhục nhã mà nhà Thanh ký kết với Liên minh 8 quốc gia; bức còn lại là ảnh cuộc họp ở Alaska nơi Ủy viên Bộ Chính trị Dương Khiết Trì và Ngoại trưởng Vương Nghị khẩu chiến nảy lửa với Ngoại trưởng Mỹ - Antony Blinken. Xem thêm tại đây.

trung-quoc-se-khong-bao-gio-quen-dem-my-nem-bom-vao-dai-su-quan-o-belgrade33.jpg
Ảnh ghép so sánh việc ký kết Hiệp ước Tân Sửu không công bằng vào năm 1901 với cuộc họp giữa Mỹ - Trung Quốc ở Alaska đã lan truyền trên mạng xã hội Trung Quốc

Anh, Mỹ, Đức, Pháp, Ý, Nga, Nhật Bản và Áo-Hungary là những quốc gia mà nhà Thanh phải bồi thường thiệt hại. Các bên ký kết nhận thiệt hại còn có Bỉ, Hà Lan và Tây Ban Nha.

Thông điệp to và rõ ràng: "Không bao lặp lại nữa". Giờ đây, Trung Quốc có thể tham gia vào cuộc đấu trí và đấu khẩu bình đẳng với Mỹ.

Hiệp ước Tân Sửu hay Nghị định thư Bắc Kinh (Boxer Protocol) được kí kết giữa đại diện nhà Thanh Trung Quốc với 11 quốc gia sau sự kiện Phong trào Nghĩa Hòa Đoàn và sự kiện Liên quân tám nước tấn công Bắc Kinh. Phía Trung Quốc coi đây là một trong những hiệp ước bất bình đẳng mà nhà Thanh ký kết sau Chiến tranh nha phiến lần thứ nhất, đem lại nhiều tổn thất nhất cho Trung Quốc cả về vật chất lẫn quyền lực của nhà nước và thể diện quốc gia. Hiệp ước được ký kết ngày 7.9.1901 (ngày 27 tháng 7 năm Tân Sửu) gồm 12 điều khoản và 19 phụ lục.

Trong các cuộc biểu tình trước Đại sứ quán Mỹ ở Bắc Kinh vào cuối thế kỷ 20, một số sinh viên đã hét lên: "Một lúc nào đó Trung Quốc sẽ trở thành quốc gia số 1 thế giới".

Đó dường như chỉ là một giấc mơ viển vông, nhưng giờ có thể nằm trong tầm tay của Trung Quốc.

Việc thiếu các cuộc biểu tình chống Mỹ hiện tại ở Trung Quốc có thể phản ánh sự tự tin mà nước này đã tích lũy được. Suy cho cùng, biểu tình trên đường phố là phương pháp để những người ở vị thế yếu hơn đứng lên chống lại kẻ mạnh như phương sách cuối cùng.

Công chúng Trung Quốc ngày nay không cảm thấy cần thiết phải sử dụng một phương pháp như vậy. Người dân Trung Quốc tự tin về cách họ kiểm soát được đợt bùng phát coronavirus. Họ tự hào rằng nền kinh tế đang trên đà tăng trưởng trở lại.

Thế nhưng, Trung Quốc phải đối mặt với sự chỉ trích ngày càng tăng từ khắp nơi trên thế giới. Trong đó đặc biệt rắc rối là việc Liên minh châu Âu (EU) quyết định cùng Mỹ trừng phạt Trung Quốc về việc đối xử với người thiểu số Duy Ngô Nhĩ.

Trung Quốc không ngồi yên. Trước chuyến thăm Đông Âu của Tướng Ngụy Phụng Hòa, Chủ tịch Tập Cận Bình đã xuất hiện bất ngờ tại hội nghị thượng đỉnh trực tuyến "17 + 1" của các nhà lãnh đạo Trung Quốc với 17 quốc gia Trung và Đông Âu vào ngày 9.2. Trong một thời gian dài trước đó, đại diện của Trung Quốc tại "17 + 1" là Thủ tướng Lý Khắc Cường.

Ông Tập Cận Bình ủng hộ việc tăng cường quan hệ của Trung Quốc với các nước Đông Âu và Balkan, một biện pháp đối phó với những nỗ lực của chính quyền Tổng thống Joe Biden nhằm xây dựng liên minh quốc tế chống lại nước này.

Cuộc đối đầu giữa các phe do Mỹ và Trung Quốc dẫn đầu sẽ tiếp tục gia tăng thời gian tới.

Bài liên quan
Nhà ngoại giao hàng đầu Mỹ và Trung Quốc khẩu chiến dữ dội ở Alaska
Hôm 18.3, Mỹ và Trung Quốc đã chỉ trích gay gắt các chính sách của nhau trong phiên mở đầu cuộc hội đàm trực tiếp cấp cao đầu tiên kể từ khi ông Biden nhậm chức tổng thống, với mối quan hệ căng thẳng sâu sắc của hai siêu cường được thể hiện công khai.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
ĐBSCL khát khô giữa mùa hạn – Bài 4: Giải pháp bền vững
5 giờ trước Bảo vệ môi trường
Để ứng phó với tình trạng thiếu nước sạch sinh hoạt trong mùa khô, nhiều tỉnh thành vùng ĐBSCL đã đưa ra nhiều giải pháp. Tuy nhiên, để thực hiện đồng bộ, hiệu quả, các địa phương cần nguồn vốn đầu tư lớn.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Trung Quốc không bao giờ quên đêm máy bay Mỹ ném bom đại sứ quán ở Belgrade