Hôm 18.3, Mỹ và Trung Quốc đã chỉ trích gay gắt các chính sách của nhau trong phiên mở đầu cuộc hội đàm trực tiếp cấp cao đầu tiên kể từ khi ông Biden nhậm chức tổng thống, với mối quan hệ căng thẳng sâu sắc của hai siêu cường được thể hiện công khai.

Nhà ngoại giao hàng đầu Mỹ và Trung Quốc khẩu chiến dữ dội ở Alaska

Nhân Hoàng | 19/03/2021, 07:00

Hôm 18.3, Mỹ và Trung Quốc đã chỉ trích gay gắt các chính sách của nhau trong phiên mở đầu cuộc hội đàm trực tiếp cấp cao đầu tiên kể từ khi ông Biden nhậm chức tổng thống, với mối quan hệ căng thẳng sâu sắc của hai siêu cường được thể hiện công khai.

my-trung-quoc-khai-chien-du-doi1.jpg
Ngoại trưởng Antony Blinken cùng với Cố vấn An ninh Quốc gia Jake Sullivan phát biểu khi đối mặt với ông Dương Khiết Trì và Vương Nghị tại phiên mở đầu các cuộc đàm phán Mỹ - Trung Quốc tại Khách sạn Captain Cook ở thành phố Anchorage, bang Alaska hôm 18.3

Theo Reuters, những phát biểu phê phán chính sách của đối phương ngay trong phiên khai mạc là sự thể hiện công khai hiếm thấy về mối quan hệ căng thẳng sâu sắc giữa Mỹ - Trung Quốc.

Mỹ tìm kiếm một sự thay đổi trong hành vi từ Trung Quốc, nước mà hồi đầu năm nay đã bày tỏ hy vọng thiết lập lại mối quan hệ đang khó khăn.

Trước đàm phán, Trung Quốc đã báo hiệu trước một cuộc họp gây tranh cãi, với việc đại sứ nước này tại Washington nói rằng Mỹ hoàn toàn ảo tưởng nếu họ nghĩ rằng Trung Quốc sẽ thỏa hiệp.

Ngoại trưởng Mỹ - Antony Blinken và cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan đã mở đầu cuộc gặp với hai nhà ngoại giao hàng đầu Trung Quốc là Dương Khiết Trì (Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Công tác Ngoại sự Trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc) và Ủy viên Quốc vụ kiêm Ngoại trưởng Vương Nghị tại thành phố Anchorage, bang Alaska, Mỹ ngay sau chuyến thăm đồng minh Nhật Bản và Hàn Quốc.

Ông Blinken nói trong phát biểu công khai thẳng thắn ở lần đầu gặp gỡ: "Chúng tôi sẽ thảo luận về những mối quan ngại sâu sắc của mình với các hành động từ Trung Quốc, bao gồm ở Tân Cương, Hồng Kông, Đài Loan, các cuộc tấn công mạng vào Mỹ, sự cưỡng bức kinh tế của các đồng minh của chúng tôi. Mỗi hành động này đều đe dọa trật tự dựa trên quy tắc duy trì sự ổn định toàn cầu”.

Ông Dương Khiết Trì đáp lại bằng một bài phát biểu dài 15 phút bằng tiếng Trung Quốc, trong khi phía Mỹ chờ đợi bản dịch. Quan chức ngoại giao hàng đầu Trung Quốc đã chỉ trích nền dân chủ mỏng manh ở Mỹ và hồ sơ nhân quyền của chính nước này, chỉ ra sự tàn bạo của cảnh sát và nạn phân biệt chủng tộc có hệ thống đã dẫn đến các cuộc biểu tình lớn ở Mỹ vào mùa hè năm ngoái.

Ông đả kích những gì Mỹ cáo buộc Trung Quốc đối xử kém với người dân tộc thiểu số Duy Ngô Nhĩ, chỉ trích các chính sách ngoại thương và thương mại của nước này.

"Mỹ sử dụng lực lượng quân sự và quyền bá chủ tài chính của mình để thực hiện quyền tài phán dài hạn và đàn áp các quốc gia khác. Mỹ lạm dụng cái gọi là quan niệm về an ninh quốc gia để cản trở trao đổi thương mại bình thường và kích động một số quốc gia tấn công Trung Quốc. Tôi xin nói ở đây rằng trước mặt Trung Quốc, Mỹ không có đủ tư cách để nói rằng họ muốn nói chuyện với Trung Quốc từ một vị thế cường quốc”, Dương Khiết Trì tuyên bố.

"... phía Mỹ thậm chí không đủ tư cách để nói những điều như vậy, thậm chí 20 năm hay 30 năm trở lại đây, bởi vì đây không phải là cách để đối phó với người Trung Quốc", ông nói thêm.

Có vẻ như sửng sốt trước phát ngôn của Dương Khiết Trì, ông Blinken đã giữ bình tĩnh và mời phóng viên ở lại để trả lời.

Cố vấn an ninh quốc gia Sullivan cho biết Mỹ không tìm kiếm xung đột với Trung Quốc, nhưng sẽ bảo vệ các nguyên tắc và đồng minh của họ. Ông quảng cáo về thành công của NASA với chuyến đổ bộ lên sao Hỏa năm nay và cho biết lời hứa của Mỹ nằm trong khả năng liên tục tự tái tạo.

my-trung-quoc-khai-chien-du-doi.jpg
Ông Dương Khiết Trì và ông Antony Blinken khẩu chiến dữ dội tại cuộc đàm phán ở Alaska

Trước khi nhậm chức, ông Joe Biden đã bị các đảng viên Cộng hòa tấn công, những người lo ngại chính quyền của ông sẽ có cách tiếp cận quá mềm mỏng với Trung Quốc. Song trong những tuần gần đây, các đảng viên hàng đầu đảng Cộng hòa đã tạm hài lòng về Tổng thống Biden về việc khôi phục quan hệ với các đồng minh của Mỹ để đối đầu với Trung Quốc, sự thay đổi từ chiến lược “Nước Mỹ trên hết” của cựu Tổng thống Donald Trump.

Trong khi phần lớn chính sách về Trung Quốc của ông Biden vẫn đang được xây dựng, bao gồm cách xử lý thuế quan với hàng hóa Trung Quốc được thực hiện dưới thời Trump, chính quyền ông cho đến nay đã nhấn mạnh hơn vào các giá trị dân chủ và cáo buộc Trung Quốc vi phạm nhân quyền.

Chính quyền Biden cho biết chuyến công du châu Á của Ngoại trưởng Blinken trước cuộc gặp với các quan chức Trung Quốc, cũng như hoạt động tiếp cận của Mỹ tới châu Âu, Ấn Độ và các đối tác khác, cho thấy nước này đã tăng cường sức mạnh như thế nào để đối đầu với Trung Quốc.

Hai bên dường như có cùng quan điểm rất ít tại cuộc hội đàm.

Ngay cả tình trạng của cuộc hội đàm cũng trở thành một điểm mấu chốt, với việc Trung Quốc khẳng định đây là “cuộc đối thoại chiến lược”, bắt nguồn từ các cơ chế song phương từ những năm trước. Phía Mỹ đã bác bỏ điều đó, gọi đây là phiên họp một lần.

Trước cuộc đàm phán, Mỹ đã đưa ra một loạt các hành động nhắm vào Trung Quốc, bao gồm động thái bắt đầu thu hồi giấy phép viễn thông của Trung Quốc, trát đòi hầu tòa với nhiều công ty công nghệ thông tin Trung Quốc vì lo ngại an ninh quốc gia và bổ sung các lệnh trừng phạt với quan chức Trung Quốc vì áp dụng luật bầu cử ở Hồng Kông.

Dương Khiết Trì đã chất vấn Blinken về việc liệu các lệnh trừng phạt được công bố trước cuộc đàm phán là có chủ đích hay không. “Chà, tôi nghĩ chúng tôi đã nghĩ quá tốt về Mỹ. Chúng tôi nghĩ rằng phía Mỹ sẽ tuân theo các quy trình ngoại giao cần thiết”, ông nói.

Thế nhưng trong tuần này, Trung Quốc cho biết sẽ bắt đầu xét xử hai người Canada bị bắt giữ vào tháng 12.2018 vì tội làm gián điệp ngay sau khi cảnh sát Canada bắt bà Mạnh Vãn Châu, Giám đốc tài chính Huawei, theo lệnh từ Mỹ.

Mạnh Vãn Châu đang chờ phát quyết của tòa án Canada xem bà có bị dẫn độ sang Mỹ hay không, nhưng Bộ Ngoại giao Trung Quốc bác bỏ lời cáo buộc rằng thời gian xét xử hai người Canada có liên quan đến các cuộc đàm phán với Mỹ ở Alaska.

Chính quyền Biden cho biết sẵn sàng làm việc với Trung Quốc vì lợi ích của Mỹ, lấy ví dụ như cuộc chiến chống biến đổi khí hậu và đại dịch coronavirus. Hôm 18.3, ông Blinken cho biết Mỹ hy vọng sẽ thấy Trung Quốc sử dụng ảnh hưởng của mình với Triều Tiên để thuyết phục nước này từ bỏ vũ khí hạt nhân.

Nhóm lớn nhất đại diện cho những người Duy Ngô Nhĩ lưu vong đã viết thư cho Blinken kêu gọi ông yêu cầu Trung Quốc đóng cửa các trại giam giữ ở khu vực Tân Cương, nơi các chuyên gia của Liên Hợp Quốc nói rằng hơn 1 triệu thành viên của nhóm dân tộc này và các dân tộc thiểu số Hồi giáo khác bị giam giữ.

Blinken đã cam kết nêu vấn đề này, ủng hộ quan điểm của chính quyền Trump rằng Trung Quốc đang gây ra tội ác diệt chủng ở Tân Cương, điều mà phía Trung Quốc kịch liệt phủ nhận.

Trong phiên khai mạc cuộc hội đàm, ông Dương Khiết Trì cho biết Trung Quốc kiên quyết phản đối sự can thiệp của Mỹ vào công việc nội bộ của họ. Ông nói Mỹ nên giải quyết các vấn đề của riêng mình thay vì Trung Quốc.

Theo CNN, khi hai bên trao đổi qua lại bằng lời lẽ căng thẳng bất thường, ông Blinken đã gọi phóng viên lại để phản bác những bình luận từ quan chức Trung Quốc, đặc biệt là sự coi thường của họ về nền dân chủ Mỹ, tạo ra một chuỗi đấu khẩu qua lại khi mỗi bên phản ứng nhận xét của nhau.

Ông Blinken cho biết ban đầu Mỹ có ý định bảo vệ "trật tự dựa trên luật lệ trong một thế giới không có bạo lực nhiều hơn" nhưng nói rằng các hoạt động của Trung Quốc ở những nơi như Tân Cương, Hồng Kông và Đài Loan cũng như các cuộc tấn công mạng của họ vào Mỹ và sự ép buộc kinh tế với các đồng minh của Mỹ "đe dọa trật tự dựa trên luật lệ duy trì sự ổn định toàn cầu. Đó là lý do tại sao chúng không chỉ là những vấn đề nội bộ và tại sao chúng tôi cảm thấy có nghĩa vụ phải nêu ra những vấn đề này ở đây ngày hôm nay".

Ông Dương Khiết Trì đã đẩy lùi quan điểm này, cảnh báo Mỹ không can thiệp vào "công việc nội bộ" của Trung Quốc, chống lại quyền phát ngôn của Mỹ thay các nước khác, cho rằng Mỹ là "nhà vô địch" của các cuộc tấn công mạng và chế nhạo sự ổn định trong nước của Mỹ.

"Chúng tôi tin rằng điều quan trọng là Mỹ phải thay đổi hình ảnh của chính mình và ngừng thúc đẩy nền dân chủ của chính mình ở phần còn lại của thế giới. Nhiều người ở Mỹ thực sự không mấy tin tưởng vào nền dân chủ của Mỹ. Theo các cuộc thăm dò dư luận, các nhà lãnh đạo của Trung Quốc có sự ủng hộ rộng rãi từ người dân Trung Quốc”, Dương Khiết Trì nói.

Dương Khiết Trì thách thức những tuyên bố của Mỹ trước giới lãnh đạo toàn cầu khi nói rằng "Mỹ không đại diện cho thế giới, mà chỉ đại diện cho Chính phủ Mỹ", trước khi Ngoại trưởng Vương Nghị khẳng định Trung Quốc sẽ không chấp nhận "những cáo buộc không có cơ sở từ Mỹ”.

Sau khi ông Vương Nghị nói xong và các trợ lý bắt đầu mời phóng viên rời khỏi phòng, Ngoại trưởng Blinken xen vào và nói: "Vui lòng chờ trong giây lát". Nhà ngoại giao hàng đầu Mỹ ra hiệu cho báo chí quay lại và nói: “Cho phép tôi bổ sung một vài thông tin của riêng mình trước khi chúng ta bắt đầu làm việc".

Ông Blinken nói rằng trong các cuộc gọi với gần 100 người đồng cấp, ông "nghe thấy sự hài lòng rằng Mỹ đã trở lại, rằng chúng tôi đã gắn kết lại với các đồng minh và đối tác của mình. Tôi cũng nhận thấy mối quan tâm sâu sắc về một số hành động mà chính phủ Trung Quốc đang thực hiện".

Sau đó, ông Blinken nói về các vấn đề liên quan đến đối nội của Mỹ.

Một dấu hiệu thể hiện sự lãnh đạo của Mỹ ở quê nhà là một nhiệm vụ không ngừng, như chúng tôi vẫn nói, tạo thành một liên minh hoàn hảo hơn. Chúng tôi thừa nhận những điểm không hoàn hảo của mình, thừa nhận rằng chúng tôi không hoàn hảo. Chúng tôi mắc sai lầm. Chúng tôi có những bước đi ngược lại, chúng tôi có những bước lùi, nhưng những gì chúng tôi đã làm trong suốt lịch sử của mình là đương đầu với những thách thức đó một cách công khai, minh bạch, không cố gắng phớt lờ chúng, không cố gắng giả vờ như chúng không tồn tại. Đôi khi nó đau đớn. Đôi khi nó xấu xí. Nhưng mỗi lần chúng tôi đều trở nên mạnh mẽ hơn, tốt hơn, đoàn kết hơn, với tư cách là một đất nước", Blinken cho hay.

Ngoại trưởng Blinken sau đó đề cập đến cuộc gặp giữa ông Joe Biden và Tập Cận Bình khi cả hai chưa trở thành người đứng đầu nước.

Blinken nói với quan chức Trung Quốc: “Vào thời điểm đó, ông Biden đã nói rằng không bao giờ là một cuộc cá cược tốt để chống lại Mỹ. Và điều đó vẫn đúng cho đến ngày nay".

Các phát biểu mang tính chiến đấu xuất hiện tại phiên khai mạc hai ngày hội đàm tại Alaska cho điều mà các quan chức chính quyền Biden mô tả là "cuộc trò chuyện chiến lược rộng lớn hơn" về nhiều mối quan ngại từ Mỹ về hành vi của Trung Quốc, cũng như các lĩnh vực tiềm năng mà hai bên cùng quan tâm.

Bài liên quan
‘Trung Quốc khá kém trong việc giữ lời hứa, phải hành động nếu muốn cải thiện quan hệ với Mỹ’
Mỹ tin rằng sẽ đàm phán với Trung Quốc trong tuần này với một “bàn tay ngày càng mạnh mẽ” và sẽ đặt ra những lo ngại sâu sắc về hành vi của nước này trong nhiều vấn đề, bao gồm cả nhân quyền, các quan chức cấp cao của Mỹ nói với Reuters.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
ĐBSCL khát khô giữa mùa hạn - Bài 3: Nỗ lực giải cơn 'khát' cho từng nhà
1 giờ trước Bảo vệ môi trường
Tình trạng thiếu nước sinh hoạt đang diễn ra gay gắt tại nhiều tỉnh thành vùng ĐBSCL. Để giúp người dân có nước ngọt phục vụ cho sinh hoạt, ăn uống, bằng nhiều cách, lãnh đạo các địa phương đã rất nỗ lực đưa nước sạch đến tận nơi.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nhà ngoại giao hàng đầu Mỹ và Trung Quốc khẩu chiến dữ dội ở Alaska