Mặc dù giải quyết tình trạng tỷ suất sinh giảm và dân số già hóa là chuyện cấp thiết, nhưng Trung Quốc buộc phải thận trọng nới lỏng chính sách sinh đẻ vì sợ ảnh hưởng xấu đến ổn định xã hội.
Thống kê dân số công bố tuần trước cho thấy dân số Trung Quốc trong thập kỷ qua chỉ tăng 5,38% lên 1,41 tỉ người – mức tăng thấp nhất kể từ năm 1953 đến nay. Tỷ suất sinh năm 2020 chỉ có 1,3 con/phụ nữ – tương đương mức sinh ở quốc gia già hóa như Nhật Bản hay Ý.
Đây là hồi chuông báo động cho giới chức Trung Quốc: nền kinh tế lớn thứ hai thế giới có thể đã bước vào thời kỳ suy giảm dân số không thể đảo ngược khi chưa đạt được mức thu nhập như của nhóm 7 nền công nghiệp phát triển (G7).
Loạt số liệu đáng ngại trên làm gia tăng kỳ vọng nới lỏng chính sách sinh đẻ. Tuy nhiên nguồn tin của hãng Reuters tiết lộ giới chức Trung Quốc đang vạch ra kế hoạch tổng thể bao gồm nhiều biện pháp hiệu quả hơn thay vì chỉ dỡ bỏ giới hạn số con được sinh.
Trước hết là nâng tuổi nghỉ hưu nhằm làm chậm đà suy giảm lực lượng lao động cũng như giảm bớt áp lực lên hệ thống lương hưu, cùng với đó là khuyến khích sinh con theo khuôn khổ chính sách hiện hành bằng cách giảm bớt gánh nặng tài chính cho các cặp vợ chồng. Dỡ bỏ giới hạn số con được sinh là biện pháp chỉ có thể thực hiện trong 3 - 5 năm tới, nguồn tin cho biết.
Trung Quốc năm 2016 từ bỏ chính sách 1 con áp dụng suốt gần 50 năm, cho phép sinh 2 con để cứu vãn tình hình. Nỗ lực này không thể ngăn tỷ suất sinh giảm vì người dân chẳng chịu sinh.
Nguồn tin chỉ ra rằng bỏ giới hạn số con được sinh đem lại hệ quả không mong muốn: vật giá cao ở đô thị khiến thị dân vẫn không muốn sinh nhưng gia đình ở nông thôn lại sinh nhiều hơn – làm gia tăng tỷ lệ đói nghèo lẫn áp lực việc làm.
“Người dân nông thôn sẵn sàng sinh con hơn người dân thành thị, và có thể còn nhiều vấn đề khác”, theo nguồn tin.
Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) gần đây ra báo cáo kêu gọi tự do hóa hoàn toàn và khuyến khích sinh con để tránh tác động xấu lên kinh tế. Dân số già có thể khiến kinh tế trì trệ, tỷ lệ tiết kiệm giảm, giá tài sản giảm phát, vỡ quỹ lương hưu.
Nhưng theo một cố vấn chính phủ Trung Quốc giấu tên, quyết sách lớn chỉ đến khi áp lực đủ lớn. Giới chức nước này chỉ thực hiện thay đổi khi đánh giá kỹ tác động của thay đổi lên ổn định xã hội.
Nhà kinh tế Rob Subbaraman thuộc ngân hàng Nomura (Nhật) chỉ ra: “Kinh nghiệm từ các nước châu Á khác cho thấy khuyến khích tăng tỷ lệ là thách thức lớn, thay vào đó cần tập trung tăng lực lượng lao động và năng suất lao động”.