Tại thành phố cổ Acre, lễ Eid al-Fitr đánh dấu tháng chay Ramadan kết thúc thường là dịp để các gia đình gặp gỡ nhau, đưa con cái đi chơi hoặc đi thuyền dọc bờ biển.

Giao tranh leo thang, ‘thành phố hòa hợp’ tại Israel chìm trong sợ hãi

Cẩm Bình | 15/05/2021, 10:20

Tại thành phố cổ Acre, lễ Eid al-Fitr đánh dấu tháng chay Ramadan kết thúc thường là dịp để các gia đình gặp gỡ nhau, đưa con cái đi chơi hoặc đi thuyền dọc bờ biển.

Nơi đây thường được biết đến như “tấm gương” tiêu biểu cho việc người Ả Rập và người Do Thái có thể sống hòa hợp với nhau. Nhưng bầu không khí hòa bình nơi đây vừa bị phá vỡ vì giao tranh giữa Israel với chiến binh Hamas Palestine.

“Họ nói Dải Gaza đang dần mất kiểm soát, nhưng những gì xảy ra ở đây khiến tôi sợ hãi hơn”, cư dân Acre Majd Abado cho biết.

Đã có thông tin thanh niên Ả Rập và thanh niên Do Thái tấn công lẫn nhau, nhiều cư dân Acre bày tỏ với phóng viên hãng Reuters rằng họ ngại ra khỏi nhà do sợ bị nhầm lẫn thành người Ả Rập, hoặc người Do Thái.

Ngày 11.3, một nhóm biểu tình đập phá đồn cảnh sát. Hai ngày sau cảnh sát gửi đi thông điệp răn đe bằng cách mặc trang phục chống bạo động để đến xem xét thiệt hại.

yc56rjbflnoxhaea2nrezmwsfe.jpg
Đồn cảnh sát tại Acre bị phá hoại - Ảnh: Reuters

Ông Moni Yosef làm việc cho nhà hát Acco chia sẻ: “Chúng tôi đang sống cùng nhau rất tốt đẹp. Nhà hát này thuê người Do Thái, người Ả Rập, người Cơ đốc giáo, người Hồi giáo, người Druze làm việc, như một gia đình vậy. Vậy rồi ai đó gây ra rắc rối ở bên ngoài và ảnh hưởng đến tất cả chúng tôi”.

Lời kêu gọi từ giới lãnh đạo tôn giáo chẳng giúp ngăn chặn bạo lực tại Acre cũng như tại nhiều thành phố khác. Nỗi sợ hãi và tâm lý ngờ vực đang ngự trị.

screen-shot-2021-05-14-at-4.34.22-pm-1024x640.png
Một nhà hát bị phóng hỏa hôm 14.5 - Ảnh: The Times of Israel

Căng thẳng gia tăng trong vài tuần qua vì cuộc chiến pháp lý nhằm đẩy 7 gia đình Palestine khỏi khu đất ở Đông Jerusalem, cộng thêm động thái đột kích nhà thờ Hồi giáo linh thiêng Al-Aqsa mà cảnh sát Israel thực hiện. Tình hình leo thang khi phong trào Hamas can thiệp bằng loạt pháo kích vào hàng loạt địa điểm trên lãnh thổ Israel, châm ngòi cho giao tranh.

Cộng đồng người Ả Rập tổ chức biểu tình phản đối, từ ôn hòa biến thành bạo lực: phóng hỏa ô tô, đập phá đồn cảnh sát, giáo đường. Người Do Thái tấn công người Ả Rập đang lái xe hoặc đang đi trên đường.

Abado đổ lỗi bạo lực do người ngoài Acre và một nhóm nhỏ thanh niên gây ra: “99% người dân ở đây phản đối hành động như vậy”.

Dân số Ả Rập tại Israel chủ yếu là hậu duệ của người Palestine từ thời đế chế Ottoman và thời Anh cai trị. Cộng đồng Hồi giáo, Cơ đốc giáo, người Druze (thường nói được cả tiếng Ả Rập lẫn tiếng Do Thái) cảm thấy có mối quan hệ gần gũi với người Palestine hiện sống ở Bờ Tây và Dải Gaza.

Có khoảng 4.000 năm lịch sử, thành phố Acre ngày nay chủ yếu là nơi sinh sống của người Ả Rập, còn người Do Thái tập trung đông đúc ở vùng ngoại ô hiện đại.

Tại con hẻm nhỏ đi từ nhà thờ Al-Jazzar, vài người Ả Rập đang xem xét một nhà tắm công cộng lâu đời vừa bị phóng hỏa. Khi một người đàn ông đến gần thì có 3 người Ả Rập yêu cầu xuất trình chứng minh thư, nói bằng tiếng Do Thái. Người đàn ông từ chối xuất trình, trả lời bằng tiếng Ả Rập rằng minh là người Ả Rập, sau đó rời đi.

Không rõ yêu cầu xuất trình chứng minh trên có phổ biến ở Arce hay không. Một người khác khuyến cáo phóng viên Reuters không nói tiếng Do Thái khi đi vào khu phố cổ.

Một số người nhận xét tình hình hiện tại tuy là kết quả của loạt sự kiện gần đây, nhưng còn có nguyên nhân sâu xa hơn: chính quyền Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu năm 2018 thông qua đạo luật “quốc gia - dân tộc” gây tranh cãi. Nhiều người Ả Rập chỉ trích đạo luật biến họ thành “công dân hạng 2” trong khi trao cho người Do Thái quá nhiều đặc quyền.

Bài liên quan
Iran không có kế hoạch đáp trả Israel
Hãng Reuters dẫn lời một quan chức Iran cấp cao tiết lộ nước này không có kế hoạch đáp trả Israel sau đợt tấn công rạng sáng 19.4.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Xuất khẩu gạo Việt Nam có nhiều cơ hội
một giờ trước Kinh tế - đầu tư - dự án
Ông Nguyễn Phúc Nam, Phó vụ trưởng Vụ thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công Thương), cho biết trong quý 1/2024, gạo Việt Nam xuất khẩu vẫn tiếp tục chiếm lĩnh các thị trường gạo thế giới.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Giao tranh leo thang, ‘thành phố hòa hợp’ tại Israel chìm trong sợ hãi