Trang GB Times cho biết Trung Quốc đang chuẩn bị phóng tên lửa đẩy hạng nặng Trường Chinh-5, mang theo một vệ tinh viễn thông thử nghiệm, vào năm 2018.
Phó giám đốc Tập đoàn Công nghệ và Khoa học hàng không vũ trụ Trung Quốc (CASC) Dương Bảo Hoa ngày 2.11 cho biết Bắc Kinh sẽ phóng vệtinh Đông Phương Hồng-5 (DFH-5) lên vũ trụ vào năm 2018. Vì đây là vệ tinh cỡ lớn nên chỉ có tên lửa đẩy hạng nặng Trường Chinh-5 mới có thể thực hiện nhiệm vụ đưa vệ tinh này lên quỹ đạo cao của Trái Đất.
Trường Chinh-5 hiện là tên lửa đẩy lớn và uy lực nhất của Trung Quốc. Tên lửa 2 tầng này có đường kính 5 m, nặng 800 tấn, dự kiến sẽ được dùng cho các nhiệm vụ lên Mặt Trăng, Sao Hỏa và kế hoạch xây trạm không gian ở quỹ đạo thấp của Trái Đất.
Tên lửa này đã được phóng thành công vào tháng 11.2016, nhưng trong lần phóng hôm 2.7.2017 thì lại thất bại. Vệ tinh Thực tiễn-18 mà Trường Chinh-5 mang theo vì vậy cũng bị thất lạc.
Phó giám đốc Dương cho hay vệ tinh DFH-5 mà tên lửa mang theo máy tiếp sóng băng tần Q (30-50 GHz) và V (50- 75 GHz), vớitốc độ tải dữ liệu có thể đạt đến 300 Gbps.
CASC là cơ quan phụ trách chính chương trình không gian của Trung Quốc. Các viện trực thuộc CASC gồm Viện nghiên cứu công nghệ tên lửa đẩy (CALT) và Viện nghiên cứu công nghệ vũ trụ (CAST) sẽ chịu trách nhiệm thực hiện lần phóng năm 2018 này.
Thời gian cụ thể cho lần phóng Trường Chinh-5 thứ ba không được tiết lộ, nhưng theo GB Times, việc công bố này cho thấy Trung Quốc sẽ sớm đưa ra văn bản giải thích chính thức cho lần phóng thất bại hồitháng 7 vừa qua cũng như phác thảo của những kế hoạch mới cho tương lai.
Vụ phóng thất bại hồitháng 7 được cho là sẽ làm kế hoạch đưa tàu vũ trụ Hằng Nga-5 thăm dò Mặt Trăng vào cuối tháng 11 sẽ bị chậm trễ.
Ông Dương cho biết theo Kế hoạch 5 năm lần thứ 13 (2016 - 2020), Trung Quốc sẽ có 25 - 27 vệ tinh viễn thông cỡ trung và cỡ lớn hoạt động trên quỹ đạo địa tĩnh (độ cao 35.678 km), trong đó có 4 - 5 vệ tinh là vệ tinh có dung lượng truyền dẫn lớn (HTS).
Cẩm Bình (theo GB Times)