Video clip quảng cáo của Tmall đã thu hút hàng chục ngàn lượt xem trên Weibo.
Mới đây, Tmall đã đăng tải một video clip dài 20 giây nhằm quảng cáo cho mùa mua sắm cuối năm trước dịp Tết Nguyên đán 2020. Đây là một trong những trang web thương mại điện tử lớn nhất thế giới với hơn 500 triệu người dùng và do Alibaba sở hữu.
Trong video clip, một chàng trai đã dẫn người yêu đồng giới của mình về ra mắt gia đình nhân dịp Tết. Thú vị nhất là chi tiết người bạn trai ấy đã đáp “Cám ơn cha!” khi cha của người yêu đưa thức ăn cho mình.
Ngay sau khi xuất hiện trên Weibo, video clip này đã thu hút hàng chục ngàn lượt xem và hàng ngàn bình luận mà hầu hết là tích cực. Theo South China Morning Post, đây là tín hiệu cho thấy sự chấp thuận dành cho người LGBT tại Trung Quốc đã được cải thiện – ít nhất là trên không gian mạng.
Nhiều nhà hoạt động quyền LGBT tại Trung Quốc đã hoan nghênh quảng cáo này như một bước tiến cho phong trào LGBT nhưng cảnh báo rằng cần phải mất thêm một thời gian dài nữa thì cộng đồng LGBT mới thật sự được thừa nhận.
Yang Yi - nhân viên truyền thông của tổ chức China Rainbow Media Awards – nói: “Đây chỉ là một trường hợp cá biệt. Rất khó để nói nó có giúp được gì nhiều hay không. Mặc dù vậy, trong vài năm gần đây, sự hiện diện của người LGBT trên mọi phương tiện truyền thông khá hạn chế vì thế bất kỳ bước tiến nào dù ngắn hay dài đều đáng kể”.
Năm 2017, chính phủ Trung Quốc đã ra lệnh cấm toàn diện mọi hình thức phim ảnh, video trực tuyến có nội dung liên quan đến LGBT. Theo đó, đồng tính luyến ái bị xếp loại là “hoạt động tính dục bất bình thường" và bị cắt bỏ toàn bộ khỏi những chương trình đang chiếu hoặc đã xuất hiện trên mạng. Thể loại web-series là bị ảnh hưởng nặng nhất.
Peng Yanzi - giám đốc của tổ chức LGBT Rights Advocacy China – nói rằng quảng cáo lần này của Tmal cho thấy các công ty lớn của Trung Quốc đang tìm cách thân thiện hơn với cộng đồng LGBT nhằm phù hợp với chiến dịch quảng cáo của các công ty quốc tế từ đó tiếp cận đối tượng khách hàng trẻ hơn, tiến bộ hơn.
“Cộng đồng LGBT là những người tiêu dùng hàng đầu trong nhiều lĩnh vực khác nhau và sẽ chọn mua sản phẩm từ các công ty thể hiện thái độ tích cực đối với họ”, Peng Yanzi nói. “Điều này cho thấy ảnh hưởng của ‘nền kinh tế hồng’ (ám chỉ sức mua của cộng đồng LGBT) và tất cả các công ty nên chú ý đến quảng cáo hơn”.
Theo báo cáo năm 2017 của công ty Euromonitor, Trung Quốc có khoảng 70 triệu người LGBT với tổng sức mua tương đương 300 tỉ USD mỗi năm – một con số khổng lồ.
Theo Peng Yanzi, thời điểm quảng cáo này được tung ra trùng với lễ hội Tết Nguyên đán sắp tới có ý nghĩa nhiều hơn mặc dù nó không đề cập rõ ràng về quyền LGBT hoặc cho thấy các nhân vật thể hiện tình cảm lãng mạn với nhau.
Đại diện của Alibaba cho biết: “Tết Nguyên đán là thời gian để đoàn tụ gia đình, và quảng cáo này là một hành động sáng tạo để chúc mừng một dịp như vậy”.
Mai Thảo