Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị nói rằng các nước tán thành việc phối hợp giữa Diễn đàn Mekong-Lan Thương (MLC) với chiến lược phát triển của mỗi quốc gia, sáng kiến "Một vành đai, một con đường" của Trung Quốc và các chương trình phát triển liên quan của ASEAN.

Trung Quốc ra sức quảng bá 'Một vành đai, một con đường' với tiểu vùng Mekong

Anh Tú (tổng hợp) | 16/12/2017, 07:00

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị nói rằng các nước tán thành việc phối hợp giữa Diễn đàn Mekong-Lan Thương (MLC) với chiến lược phát triển của mỗi quốc gia, sáng kiến "Một vành đai, một con đường" của Trung Quốc và các chương trình phát triển liên quan của ASEAN.

          

Chiều 15.12, Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Mekong-Lan Thương (MLC) lần thứ 3 đã chính thức khai mạc tại thành phố Đại Lý, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc. Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự hội nghị.

Phát biểu tại hội nghị, Phó thủ tướng Phạm Bình Minh đã ghi nhận những kết quả nổi bật của Hợp tác MLC trong hai năm qua, đánh giá cao nỗ lực của Trung Quốc và sự tham gia chủ động tích cực của các nước Mekong (sông Mekong chảy qua 6 nước, gồm Trung Quốc, Myanmar, Lào, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam. Đoạn thượng nguồn trên lãnh thổ Trung Quốc được nước này gọi là sông Lan Thương). Phó thủ tướng cũng nhấn mạnh sự đóng góp tích cực và hiệu quả của Việt Nam cả trong quá trình xây dựng cơ chế hoạt động cũng như đề xuất các ý tưởng, dự án hợp tác thiết thực và phản ánh nhu cầu chung của các nước thành viên. 

Phó thủ tướng cho rằng để có thể hỗ trợ hiệu quả các nước thành viên nắm bắt cơ hội phát triển mới và giải quyết các thách thức chung, Hợp tác MLC cần chú trọng tăng cường hợp tác quản lý và sử dụng bền vững nguồn nước sông Mekong nhằm đạt được cân bằng về lợi ích và trách nhiệm giữa các nước ven sông. Sự phối hợp giữa MLC và Ủy hội Mekong (MRC) sẽ giúp phát huy thế mạnh của mỗi tổ chức và đáp ứng tốt hơn nhu cầu của các nước về chia sẻ thông tin, dữ liệu, nghiên cứu chung, nâng cao năng lực quản lý và phối hợp. 

Phó thủ tướng cũng nhắc lại đề xuất của Việt Nam về việc thiết lập đường dây liên lạc giữa các nước MLC trong xử lý tình huống khẩn cấp trên sông Mekong. Đây sẽ là cơ chế thông tin đầu tiên giữa 6 nước ven sông. 

Bên cạnh đó, Phó thủ tướng cũng nhấn mạnh các nước trong khuôn khổ MLC cần tăng cường hợp tác để hỗ trợ phát triển ngành nông nghiệp với sức cạnh tranh cao, có khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu và tham gia ngày càng sâu vào chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu, nâng cao sức cạnh tranh của các nền kinh tế MLC thông qua phát triển hệ thống hạ tầng giao thông khu vực, đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu mới của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. 

Trước đó, trong cuộc họp báo chung với người đồng cấp Campuchia Prak Sokhon, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị khẳng định "Hợp tác Mekong – Lan Thương  không phải cuộc nói chuyện suông với những ngôn từ hoa mỹ, MLC cần là chiếc xe ủi có thể tạo ra khác biệt thật sự trong thực tế".

Ngoại trưởng Vương Nghị nhấn mạnh MLC là cơ chế hợp tác mới, chú trọng tới 3 trụ cột chính là chính trị - an ninh; kinh tế và phát triển bền vững; và giao lưu văn hóa, nhân dân. Hợp tác Mekong-Lan Thương đặt trọng tâm vào 5 lĩnh vực ưu tiên là tăng cường kết nối; nâng cao năng lực sản xuất; thúc đẩy hợp tác kinh tế qua biên giới; sử dụng và quản lý tài nguyên nước hiệu quả; phát triển nông nghiệp và xóa đói giảm nghèo.

Theo Ngoại trưởng Trung Quốc, MLC sẽ không thay thế các chương trình hợp tác khu vực và tiểu vùng sông Mekong khác mà sẽ bổ trợ cho các cơ chế này, nhằm củng cố lẫn nhau, tạo ra sức mạnh tổng hợp để thúc đẩy phát triển của khu vực. 

Đặc biệt, theo trang Nation của Thái Lan, ông Vương Nghị nói rằng các nước tán thành việc phối hợp giữa MLC với chiến lược phát triển của mỗi quốc gia, sáng kiến "Một vành đai, một con đường" của Trung Quốc và các chương trình phát triển liên quan của ASEAN. Ông Vương Nghị cũng cho biết để thúc đẩy hợp tác, mỗi nước thành viên trong MLC đã thành lập ban thư ký riêng và sắp tới là sẽ thành lập ban thư ký chung của MLC.

Một số điểm đáng lưu ý về sáng kiến "Một vành đai, một con đường"

"Một vành đai, một con đường" hay còn được gọi là “Vành đai và Con đường” được coi là đứa con tinh thần của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và là chính sách đối ngoại quan trọng nhất của nhà lãnh đạo này cho tới nay. Ông Tập gọi đây là “dự án thế kỷ”.

Toàn bộ “Vành đai và Con đường” kết nối Đông Á, Trung Á, Trung Đông, Bắc Phi và châu Âu. Riêng Con đường Tơ lụa trên biển kết nối bờ biển Trung Quốc với châu Âu qua Biển Đông, Ấn Độ Dương và đi từ bờ biển Trung Quốc qua Biển Đông ra Nam Thái Bình Dương.

Dự án “Con đường Tơ lụa” hiện đại tập trung vào xây dựng hạ tầng đường bộ, đường sắt và đường biển, đường hàng không, đường ống dẫn dầu, đường dây điện, và hệ thống viễn thông để tăng cường kết nối liên khu vực.

Khái niệm “Vành đai” được ông Tập giới thiệu lần đầu vào tháng 9.2013 khi nhà lãnh đạo Trung Quốc này đi thăm quốc gia Trung Á là Kazakhstan. Phát biểu tại Đại học Nazarbayev, ông Tập đề nghị Trung Á hợp tác với Trung Quốc để xây dựng một Vành đai Kinh tế Con đường Tơ lụa.

Đến tháng 10.2013, ông Tập đề xuất xây dựng quan hệ chặt chẽ giữa Trung Quốc và khối ASEAN, đồng thời đưa ra các gợi ý về một Con đường Tơ lụa trên Biển của thế kỷ 21.

Tháng 3.2015, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị bác bỏ mọi sự so sánh sáng kiến này với Kế hoạch Marshall do Mỹ tài trợ sau Thế chiến 2. Ông Vương khi đó nói rằng sáng kiến này là sản phẩm của hợp tác, chứ không phải là công cụ địa chính trị và “không nên được nhìn nhận bằng não trạng Chiến tranh Lạnh đã lỗi thời”.

Trong khi đó, Chủ tịch Tập Cận Bình khẳng định rằng mục tiêu của sáng kiến “Vành đai và Con đường” là xây dựng quan hệ đối tác chứ không phải là liên minh.

Trước đề xuất “Vành đai và Con đường” của Trung Quốc, nhiều nước tỏ ra hào hứng và ủng hộ, nhưng cũng không ít nước dè dặt và cảnh giác. Bản thân Trung Quốc ý thức được những hoài nghi và do dự đó và đang tích cực tìm cách thuyết phục các nước tin vào đại dự án này.

theo VOV

P.V (tổng hợp)

   
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Miễn nhiệm chức vụ Chủ tịch Quốc hội với ông Vương Đình Huệ
một giờ trước Theo dòng thời sự
Quốc hội đã bỏ phiếu kín, thông qua nghị quyết miễn nhiệm chức vụ Chủ tịch Quốc hội với ông Vương Đình Huệ tại kỳ họp bất thường thứ 7 Quốc hội khóa 1 chiều 2.5.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Trung Quốc ra sức quảng bá 'Một vành đai, một con đường' với tiểu vùng Mekong