Mùa hè năm 2018 khi Tổng thống Mỹ Donald Trump phát động cuộc chiến thương mại, kinh tế Trung Quốc đang trên đà phát triển mạnh mẽ. Thậm chí từng có nhận định Trung Quốc sắp vượt Mỹ trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Góc nhìn

Trung Quốc sẵn sàng cho thương chiến 2.0 với ông Trump

Cẩm Bình 24/11/2024 15:20

Mùa hè năm 2018 khi Tổng thống Mỹ Donald Trump phát động cuộc chiến thương mại, kinh tế Trung Quốc đang trên đà phát triển mạnh mẽ. Thậm chí từng có nhận định Trung Quốc sắp vượt Mỹ trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Giờ đây Tổng thống Trump còn vài tháng nữa là tái nắm quyền, nền kinh tế hàng đầu châu Á đã suy yếu đáng kể. Hứng chịu khủng hoảng bất động sản, nợ nần cùng giảm phát, Trung Quốc dường như không sẵn sàng cho một cuộc thương chiến nữa.

Nhưng thực tế chưa chắc như vậy. Hiểu rõ lập trường lẫn cách thức quản trị của Tổng thống Trump, giới lãnh đạo Trung Quốc được trang bị tốt hơn để đối phó viễn cảnh hàng hóa từ nước này nhập vào Mỹ bị áp mức thuế 60%. Biện pháp khả dĩ bao gồm đa dạng hóa thương mại, trả đũa có mục tiêu rõ ràng, kích thích tiêu dùng nội địa.

2024-11-24-150805.png

Đa dạng hóa

Theo nhà nghiên cứu Dexter Roberts (tổ chức Atlantic Council): “Trung Quốc đã chuẩn bị cho ngày này trong thời gian dài. Hiện nay trong mạng lưới thương mại của họ Mỹ ít quan trọng hơn”.

Do thương chiến 1.0 tiếp diễn dưới thời Tổng thống Joe Biden, nên doanh nghiệp Trung Quốc 4 năm qua tích cực giảm phụ thuộc vào thị trường Mỹ. Năm ngoái Mexico vượt Trung Quốc trở thành nước xuất khẩu vào Mỹ số một, lấy đi vị trí mà nền kinh tế châu Á nắm giữ suốt 20 năm. Kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ năm 2023 của Trung Quốc giảm 20% xuống còn 427 tỉ USD.

Công ty quản lý đầu tư Matthews Asia ghi nhận tỷ trọng hàng xuất sang số quốc gia thuộc nhóm G7 trong tổng lượng hàng Trung Quốc xuất khẩu giảm từ 48% năm 2000 xuống còn dưới 30% năm 2023. Con số này góp phần lý giải vì sao dù giảm xuất khẩu sang Mỹ nhưng thị phần xuất khẩu toàn cầu của Trung Quốc lại ở mức 14% – tăng 1% so với trước lúc Tổng thống Trump áp thuế lần đầu.

Tại họp báo ngày 22.11, Thứ trưởng Thương mại Trung Quốc Vương Thụ Văn tự tin tuyên bố: “Chúng tôi đủ khả năng giải quyết và chống lại tác động của cú sốc bên ngoài”.

Trả đũa có mục tiêu

Nếu Tổng thống Trump quả thực áp mức thuế 60%, khả năng Trung Quốc thực hiện động thái trả đũa mạnh tay như bán tháo trái phiếu Bộ Tài chính Mỹ hay phá giá đồng Nhân dân tệ không cao. Theo nhà phân tích Andy Rothman (Matthews Asia): “Biện pháp mạnh mẽ như vậy chẳng giúp ích gì. Trung Quốc thường không trả đũa trực tiếp theo cách đó”.

Nhà phân tích Liza Tobin (Dự án Nghiên cứu cạnh tranh đặc biệt) cảnh báo đừng mong đợi thương chiến 2.0 chỉ là áp đặt thuế quan qua lại. Phản ứng của Trung Quốc có thể bất cân xứng và có mục tiêu cụ thể.

“Họ đã và đang gây sức ép lên doanh nghiệp nước ngoài hoạt động tại Trung Quốc. Họ có thể gia tăng sức ép lên doanh nghiệp Mỹ, lựa chọn mục tiêu mà họ muốn đẩ khỏi thị trường”, bà Tobin phân tích.

Vào tháng 9, Trung Quốc thông báo điều tra điều tra nhà bán lẻ thời trang PVH Corp (sở hữu hai thương hiệu Calvin Klein và Tommy Hilfiger) vì từ chối lấy bông từ Tân Cương. Năm ngoái văn phòng công ty tư vấn Bain & Company tại Thượng Hải bị công an đến khám xét khiến cộng đồng doanh nghiệp Mỹ vô cùng lo ngại. Ngay sau vụ việc, truyền thông Trung Quốc tiết lộ giới chức an ninh cũng khám xét nhiều văn phòng của công ty tư vấn Capvision.

Giới chuyên gia kinh tế lo rằng khả năng Trung Quốc trả đũa doanh nghiệp và ngành nông nghiệp Mỹ cao hơn khả năng bán tháo trái phiếu. Trái phiếu Bộ Tài chính Mỹ không thiếu người sẵn sàng mua, hơn nữa làm vậy có thể khiến lợi ích của chính Trung Quốc bị thiệt hại.

Phá giá đồng Nhân dân tệ sẽ giúp nâng đỡ xuất khẩu nếu Tổng thống Trump áp thuế. Nhưng nhà phân tích ngoại hối Sean Callow (công ty ITC Markets) nhắc nhở một đợt phá giá năm 2015 từng làm chao đảo thị trường chứng khoán trong nước, ngoài ra Nhân dân tệ mất giá chắc chắn ảnh hưởng đến uy tín quốc tế của đồng tiền này.

Kích thích tiêu dùng nội địa

Với mức thuế 60% với hàng Trung Quốc, Tổng thống Trump có thể khiến tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế châu Á này giảm đến một nửa. Nhưng Trung Quốc là thị trường hơn 1,4 tỉ dân nên nếu triển khai đúng biện pháp đối phó thì họ sẽ vượt qua khó khăn.

“Phản ứng tốt nhất mà Trung Quốc nên thực hiện là tái sắp xếp nền kinh tế, khôi phục niềm tin của doanh nhân trong nước – những người đem lại đến 90% việc làm ở thành thị và triển khai hầu hết đổi mới. Làm vậy thúc đẩy niềm tin của người tiêu dùng, dẫn đến tiêu dùng nội địa mạnh lên, góp phần giảm thiểu tác động từ tình trạng xuất khẩu sang Mỹ yếu đi”, theo ông Rothman.

Tháng trước, Tổng cục Thống kê quốc gia Trung Quốc cho biết nền kinh tế tiếp tục giảm tốc trong quý 3.2024, bị ảnh hưởng bởi tiêu dùng yếu một phần do khủng hoảng bất động sản. GDP quý tăng 4,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Chính phủ đặc mục tiêu tăng trưởng năm đạt 5%. Từ cuối tháng 9 đến đầu tháng 11 đã có nhiều biện pháp kích thích kinh tế được công bố.

Chuyên gia kinh tế Larry Hu (ngân hàng Macquarie) nhận định cần chờ đến khi Tổng thống Trump áp mức thuế 60% thì Trung Quốc mới tung ra biện pháp lớn.

“Nếu xuất khẩu sụp đổ, giới hoạch định chính sách sẽ không còn lựa chọn nào khác ngoài đẩy mạnh kích thích kinh tế, chính sách nhà ở có thể đóng vai trò mấu chốt. Lịch sử cho thấy Trung Quốc có xu hướng phản ứng với tình hình thực tế chứ không phòng ngừa trước”, theo ông Hu.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ
3 giờ trước Khoa học - công nghệ
TSKH Nghiêm Vũ Khải - nguyên Phó chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam cho rằng nếu không có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ thì sẽ không thể vượt qua tình trạng tụt hậu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Trung Quốc sẵn sàng cho thương chiến 2.0 với ông Trump