Theo một cố vấn của chính phủ Trung Quốc, nước này sẽ không tung ra một chương trình kích cầu khổng lồ nữa để phục hồi nền kinh tế, bù đắp cho cuộc chiến thương mại với Mỹ.
Khi trò chuyện bên lề một hội thảo về quan hệ thương mại và kinh tế Trung - Mỹ ở Hong Kong, ông Liu Shangxi Viện trưởng Viện Khoa học tài chính (Chinese Academy of Fiscal Sciences, thuộc Bộ Tài chính Trung Quốc, chuyên tư vấn chính sách tài chính cho chính phủ) nói: nước này sẽ dựa vào phương án giảm thuế và đổi mới cơ chế quản lý công quỹ, vì gói kích cầu tài chính mà họ từng áp dụng (khi xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008) đã dẫn đến sự vô hiệu quả và hàng hóa thừa mứa ở lĩnh vực sản xuất.
Ông Liu nói: “Chúng tôi sẽ không áp dụng một chương trình kích cầu kinh tế khổng lồ khác để giải quyết các vấn đề mà chúng tôi đang đối mặt: Người tiêu dùng đòi hỏi hàng hóa tốt hơn, lành mạnh hơn và thân thiện môi trường hơn nhưng không thể tìm được ở thị trường, khác hẳn với những vấn nạn hồi năm 2008. Dù gói kích cầu năm ấy là cần thiết, chúng tôi thừa nhận nó đã gây ra tình trạng thừa mứa hàng hóa kém chất lượng”.
Theo tờ SCMP ngày 10.7, đó là bình luận đầu tiên của một cố vấn cấp cao về chiến lược kéo giảm mức độ của thương chiến, từ khi Mỹ - Trung đồng ý đình chiến vào cuối tháng 6.
Hồi tháng 4, Trung Quốc đã giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) cho các nhà sản xuất từ 16% xuống 13%, giảm thuế từ 10% xuống còn 9% cho các công ty vận tải và xây dựng, mục đích là giúp họ giảm gánh nặng thuế, cải thiện phân phối thu nhập và giữ việc làm cho nhân công.
Các khoản giảm thuế này ước tính trị giá 2.000 tỉ yuan (tương đương 290,55 tỉ USD) cho nền kinh tế Trung Quốc. Tháng 10.2018, Trung Quốc cũng giảm thuế thu nhập cá nhân, mà ngân hàng Nomura (Nhật Bản) ước tính sẽ giúp tăng chi tiêu dùng lên 81 tỉ yuan (khoảng 11,77 tỉ USD). Bắc Kinh cũng giảm mức đóng góp vào quỹ phúc lợi cho các chủ lao động.
Ông Liu nói: “Chúng tôi chủ yếu sẽ chỉ áp dụng chính sách miễn - giảm thuế ở mức 2.000 tỉ yuan để đề phòng các rủi ro, bất ổn từ trong và ngoài nước”, đồng thời nhấn mạnh kinh tế Trung Quốc đang bị suy yếu nghiêm trọng. “Và chúng tôi phải sửa đổi hệ thống quản lý ngân sách hiện nay để thúc đẩy nhân sự làm việc hiệu quả hơn mà không phải chi tiêu nhiều”, ông nói thêm.
Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 xảy ra sau khi ngân hàng Lehman Brothers phá sản. Vài tháng sau, chính phủ Trung Quốc đã bơm khoảng 4.000 tỉ yuan (khoảng 580 tỉ USD) vào nền kinh tế nước này. Gói kích cầu giúp Trung Quốc tránh bị suy thoái và giúp nền kinh tế nước này hồi phục nhanh hơn so với các nền kinh tế lớn khác.
Nay, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đã được 1 năm, nền kinh tế Trung Quốc lại phải chịu sức ép ngày càng tăng. Số liệu do Cục Thống kê nhà nước công bố hôm 10.7 cho thấy chỉ số giá sản xuất tháng 6 (các nhà sản xuất giá tính phí hàng hóa của họ cho các nhà bán buôn tại cổng nhà máy) đã giảm xuống 0,0% so với cùng kỳ năm ngoái. Các số liệu này cho thấy các nhà sản xuất Trung Quốc không thể bán hàng hóa với giá mong muốn mà đang phải bán giảm giá để xả hàng tồn kho.
Bên cạnh đó, số liệu thương mại dự kiến công bố ngày 12.7 sẽ cho thấy xuất nhập khẩu đều bị giảm, chứng tỏ cuộc chiến tranh thuế đã tác động rất mạnh lên nền kinh tế Trung Quốc.
Mỹ Trinh (theo SCMP)