Việc Nhật Bản áp đặt các quy định xuất khẩu chặt chẽ hơn với các công ty Hàn Quốc có thể khiến 2 quốc gia này đều chịu tổn thất. Trong khi đó, các nhà sản xuất Trung Quốc được cho là sẽ có được lợi thế cạnh tranh giữa bối cảnh 2 đồng minh quan trọng của Mỹ "đấu đá" lẫn nhau.

Nhật Bản - Hàn Quốc leo thang căng thẳng thương mại, Trung Quốc 'đắc lợi'

11/07/2019, 00:36

Việc Nhật Bản áp đặt các quy định xuất khẩu chặt chẽ hơn với các công ty Hàn Quốc có thể khiến 2 quốc gia này đều chịu tổn thất. Trong khi đó, các nhà sản xuất Trung Quốc được cho là sẽ có được lợi thế cạnh tranh giữa bối cảnh 2 đồng minh quan trọng của Mỹ "đấu đá" lẫn nhau.

Ảnh minh họa từ Al Bawaba

Vào ngày 9.7, Nhật Bản khẳng định vẫn tiếp tục quy định hạn chế một số mặt hàng xuất khẩu công nghệ cao từ Hàn Quốc, bất chấp tuyên bố trước đó của Bộ trưởng Thương mại Hiroshige Seko rằng Tokyo "cởi mở với các cuộc trao đổi". Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In cũng đe dọa rằng Seoul đã chuẩn bị "các biện pháp đáp trả cần thiết".

Những diễn biến mới trong căng thẳng thương mại Nhật Bản - Hàn Quốc sẽ không chỉ là "cú đánh mạnh" với các tập đoàn công nghệ Hàn Quốc như Samsung hay LG Display mà còn tác động không nhỏ đến chính các công ty Nhật Bản - những công ty sẽ cần tìm khách hàng mới và có thể chứng kiến chuỗi cung ứng của họ bị gián đoạn nếu quan hệ giữa 2 nước láng giềng này tiếp tục xấu đi.

Các nhà phân tích cho rằng để đáp trả Nhật Bản, Hàn Quốc có thể sẽ dừng xuất khẩu màn hình OLED sang quốc gia này - một động thái đánh trực tiếp vào các công ty Nhật Bản sản xuất dòng TV cao cấp.

Giữa bối cảnh Tokyo và Seoul thực hiện các biện pháp trả đũa nhắm vào ngành công nghệ cao của nhau, các chuyên gia nhận định các nhà sản xuất Trung Quốc - đặc biệt trong ngành công nghiệp chất bán dẫn sẽ là những "ngư ông đắc lợi" lớn nhất.

Nguồn cơn căng thẳng

Nguyên nhân căng thẳng gia tăng giữa Nhật Bản và Hàn Quốc hiện nay được cho là liên quan đến vấn đề lao động cưỡng bức thời chiến từ Thế chiến II. Nhật Bản cho rằng nước này đã đáp ứng các khoản bồi thường cần thiết cho Hàn Quốc theo một hiệp ước mà 2 nước ký kết với nhau năm 1965. Tuy nhiên, phán quyết gần đây của Tòa án Hàn Quốc cho rằng các công ty Nhật Bản vẫn phải tiếp tục bồi thường cho các nạn nhân là lao động cưỡng bức thời chiến của nước này.

Phản ứng trước động thái của Seoul, Tokyo khẳng định Nhật Bản sẽ áp đặt các qui định xuất khẩu chặt chẽ hơn đối với 3 mặt hàng vật liệu công nghệ cao gồm fluorinated polyamides, photoresists và hydrogen fluoride dùng trong sản xuất điện thoại thông minh và chất bán dẫn của Hàn Quốc. Các công ty Hàn Quốc phụ thuộc lớn vào Nhật Bản ở cả 3 loại vật liệu này khi hồi tháng 5.2019, theo Hiệp hội Thương mại Quốc tế Hàn Quốc, nước này nhập khẩu 94% fluorinated polyamides và 92% photoresists từ Nhật Bản.

Đấu đá lẫn nhau

Tuy nhiên, giữa Hàn Quốc và Nhật Bản không phải là sự phụ thuộc một chiều. Ryo Hinata-Yamaguchi - một giáo sư tại Đại học Quốc gia Pusan ở Hàn Quốc nhận định, những tranh cãi trong quan hệ giữa 2 quốc gia có thể khiến 2 bên tự hủy hoại lẫn nhau.

"Nhật Bản là nguồn cung quan trọng của Hàn Quốc và ngược lại Seoul cũng là thị trường chủ chốt để Tokyo xuất khẩu sang", chuyên gia Hinata-Yamaguchi nhận định.

Giảng viên nghiên cứu về kinh tế chính trị quốc tế tại Đại học George Mason ở Hàn Quốc June Park cũng tán thành với nhận định này. Chuyên gia Park cho biết, ngành công nghệ của cả 2 quốc gia đều "kết nối và bổ sung chặt chẽ cho nhau". Chẳng hạn, các công ty Hàn Quốc mua nguyên liệu từ Nhật Bản để sản xuất chất bán dẫn và sau đó chất bán dẫn này lại được bán ngược trở lại cho các công ty Nhật Bản.

"Tuy nhiên, với mức độ căng thẳng như hiện nay, sự chia tách giữa 2 bên không phải là viễn cảnh không thể xảy ra. Những tranh cãi này nếu tiếp tục kéo dài có thể tạo ra "hiệu ứng lan tỏa", tác động đến chuỗi cung ứng chip điện tử toàn cầu trong cũng như ảnh hưởng đến các nhà sản xuất điện thoại thông minh trên thế giới như Apple và Huawei".

Tại sao Trung Quốc được lợi?

Các nhà phân tích cho rằng bên cuối cùng được lợi trong cuộc chiến thương mại giữa Nhật Bản và Hàn Quốc chính là các nhà sản xuất Trung Quốc.

Chiến tranh thương mại với Mỹ khiến Trung Quốc phải tăng cường phát triển ngành công nghiệp vi mạch, cũng như giảm sự phụ thuộc vào các quốc gia bên ngoài.

Điểm mấu chốt trong kế hoạch này của Trung Quốc là tập trung vào ngành công nghiệp sản xuất chất bán dẫn của nước này. Theo kế hoạch Made in China 2025, Bắc Kinh hướng đến sản xuất 40% chất bán dẫn mà nước này sử dụng vào năm 2020 và nâng con số này lên 70% vào năm 2025. Các nhà phân tích nhận định rằng mục tiêu này sẽ được thúc đẩy nhanh hơn nếu căng thẳng Hàn Quốc - Nhật Bản làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu bởi đây sẽ là "cơ hội" để Bắc Kinh lấp đầy khoảng trống đó.

"Căng thẳng thương mại đang diễn ra, về ngắn hạn có thể siết chặt ngành công nghiệp chất bán dẫn của Hàn Quốc và chúng ta có thể dự đoán rằng, nếu sự tham gia của Hàn Quốc trong thị trường toàn cầu bị hạn chế, Trung Quốc sẽ nắm bắt cơ hội này để vươn lên dẫn đầu. Thời gian sẽ giải đáp xem liệu Trung Quốc có trở thành bên được lợi duy nhất trong quá trình này hay không", chuyên gia Park phân tích.

Nếu Trung Quốc có thể tận dụng căng thẳng Nhật - Hàn hiện nay, nước này sẽ chỉ cần 1 thập kỷ để vươn lên trong cuộc cạnh tranh giữa 3 quốc gia trong ngành công nghiệp chất bán dẫn. Từ những năm 1990 đến những năm 2000, Nhật Bản giữ vai trò thống trị. Từ những năm 2010 trở đi, Hàn Quốc thay thế vị trí này.

"Ngành công nghiệp chất bán dẫn rất phức tạp và vị trí đứng đầu trong lĩnh vực này đang thay đổi theo thời gian trong suốt 4 thập kỷ qua", ông Park nhận định.

Cả Tokyo và Seoul đều đe dọa sẽ tiếp tục đáp trả lẫn nhau, trong khi một số nhà phân tích tự hỏi liệu bây giờ có phải là lúc để Trung Quốc vươn lên vị trí dẫn đầu?

Lợi thế ngoại giao của Trung Quốc

Ngoài khía cạnh kinh tế, Trung Quốc còn có thể đạt được một số lợi ích về địa chính trị giữa căng thẳng Nhật Bản - Hàn Quốc.

"Về mặt địa chính trị, mối quan hệ xấu đi giữa Nhật Bản và Hàn Quốc sẽ đem lại lợi ích cho Trung Quốc khi mà Bắc Kinh luôn "nhạy cảm" với quan hệ Nhật - Hàn".

Trung Quốc luôn thận trọng khi mối quan hệ 3 bên Mỹ - Nhật - Hàn có thể phát triển thành một liên minh toàn cầu nhằm hạn chế sự mở rộng các hoạt động quân sự của Bắc Kinh ở Thái Bình Dương, tương tự như việc NATO kiềm chế ảnh hưởng của Nga ở châu Âu.

"Nhật Bản và Hàn Quốc đã ở trong tình trạng "đóng băng" ngoại giao một thời gian dài. Tuy nhiên, sự lao dốc trong quan hệ kinh tế 2 nước không chỉ gây nên các vấn đề với bản thân 2 quốc gia mà còn kéo lùi quan hệ song phương của 2 nước", chuyên gia Hinata-Yamaguchi cho biết.

Cũng theo giáo sư này, chính phủ Nhật Bản và Hàn Quốc nên thực hiện các biện pháp mạnh mẽ để cứu vãn mối quan hệ song phương quan trọng về mặt chiến lược này.

"Cuối cùng, Trung Quốc được lợi bao nhiêu trong cuộc xung đột này là hoàn toàn phụ thuộc vào diễn biến quan hệ của Nhật Bản và Hàn Quốc", nhà phân tích Hinata-Yamaguchi khẳng định./.

Kiều Anh/VOV (biên dịch từ SCMP)

Bài liên quan
Chủ tịch nước gặp Thủ tướng Nhật Bản nhân dịp tham dự Hội nghị Cấp cao APEC 2024
Sáng 16.11 (giờ địa phương), nhân dịp dự Tuần lễ cấp cao Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) 2024 tại Lima (Peru), Chủ tịch nước Lương Cường đã có cuộc gặp Thủ tướng Nhật Bản Ishiba Shigeru.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Chuyển đổi số xanh Hải Phòng: Thách thức và cơ hội
3 giờ trước Nhịp đập khoa học
Ngày 22.11, UBND TP.Hải Phòng và Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) tổ chức Diễn đàn Chuyển đổi số – Hải Phòng 2024 với chủ đề “Chuyển đổi số xanh – Động lực phát triển kinh tế, xã hội”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nhật Bản - Hàn Quốc leo thang căng thẳng thương mại, Trung Quốc 'đắc lợi'