Trung Quốc mới đây đã áp đặt các hạn chế đối với việc xuất bản nghiên cứu học thuật về nguồn gốc của coronavirus theo chỉ thị của chính phủ trung ương, động thái nhằm kiểm soát việc tường thuật xung quanh đại dịch COVID-19. Thậm chí, một số các tài liệu học thuật công bố trên mạng của các trường đại học Trung Quốc đều đã bị gỡ bỏ.

Trung Quốc siết chặt các nghiên cứu về nguồn gốc COVID-19

14/04/2020, 06:31

Trung Quốc mới đây đã áp đặt các hạn chế đối với việc xuất bản nghiên cứu học thuật về nguồn gốc của coronavirus theo chỉ thị của chính phủ trung ương, động thái nhằm kiểm soát việc tường thuật xung quanh đại dịch COVID-19. Thậm chí, một số các tài liệu học thuật công bố trên mạng của các trường đại học Trung Quốc đều đã bị gỡ bỏ.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình kiểm tra nghiên cứu khoa học về coronavirus trong chuyến thăm Học viện Khoa học Quân y ở Bắc Kinh hôm 2.3 - Ảnh: CNN

Theo chỉ thị mới, tất cả các bài viết học thuật về COVID-19 sẽ phải được “kiểm tra thêm” trước khi được phê duyệt xuất bản. Các nghiên cứu về truy tìm nguồn gốc của virus cũng sẽ nhận thêm sự giám sát cùng “quản lý chặt chẽ”, và phải được các quan chức chính phủ trung ương chấp thuận.

Cụ thể, quy trình phê duyệt sẽ bắt đầu từ hội đồng học thuật tại các trường đại học rồi đến Bộ khoa học và công nghệ Trung Quốc. Sau đó các bài nghiên cứu sẽ được chuyển cho một nhóm đặc nhiệm thuộc Hội đồng Nhà nước để thẩm định và kiểm tra. Chỉ khi được cơ quan trung ương của Trung Quốc thông qua, các nghiên cứu mới có thể được gửi đến các tạp chí để xuất bản.

Theo ghi nhận mới đây của hai báo CNN (Mỹ) và The Guardian (Anh), các trang web của 2 trường đại học hàng đầu Trung Quốc bao gồm Đại học Phúc Đán (Thượng Hải) và Đại học Địa chất Trung Quốc (Vũ Hán), đã xóa các tài liệu học thuật về các nghiên cứu nguồn gốc chủng coronavirus mới gây ra đại dịch COVID-19, được đăng thời gian gần đây. Giải thích cho sự việc này, Đại học Phúc Đán và Đại học Địa chất Trung Quốc hôm 9.4 cho biết, các nghiên cứu về nguồn gốc của coronavirus đặc biệt mang tính “nhạy cảm và không thể không bị kiểm tra bởi các quan chức chính phủ”.

Động thái trên dường như là hành động mới nhất của chính phủ Trung Quốc trong việc kiểm soát thông tin về nguồn gốc của đại dịch COVID-19 vốn đã cướp đi sinh mạng của hơn 110.000 người và làm hơn 1,8 triệu người mắc bệnh trên toàn thế giới kể từ khi nó bùng phát ở thành phố Vũ Hán hồi tháng 12 năm ngoái.

"Tôi cho rằng đó là một nỗ lực phối hợp từ chính phủ Trung Quốc để kiểm soát tường thuật nhằm cố gắng định hướng dư luận như thể dịch bệnh không bắt nguồn từ Trung Quốc. Và tôi không nghĩ rằng họ thực sự sẽ dung thứ cho bất kỳ nghiên cứu khách quan nào trong việc điều tra nguồn gốc của căn bệnh này”, một nhà nghiên cứu Trung Quốc nói với CNN trong điều kiện giấu tên.

Chuyên gia này cho biết thêm, cộng đồng khoa học quốc tế phải nhận ra rằng bất kỳ tạp chí hoặc bản thảo nào từ một tổ chức nghiên cứu tại Trung Quốc đại lục đều đã bị chính phủ “kiểm tra hai lần”.

Giáo sư Steve Tsang, Giám đốc Viện Nghiên cứu Trung Quốc (SOAS) tại London, Anh cho biết, chính phủ Trung Quốc đã tập trung vào những nghiên cứu về coronavirus để xem chủng virus mới này tiến hóa và phát triển như thế nào ngay từ những ngày đầu bùng phát đại dịch.

Theo ông Tsang, trong bối cảnh coronavirus đã lây nhiễm gần 2 triệu người trên toàn thế giới và gây thương vong nặng nề đặc biệt trên khắp châu Âu và Mỹ, chi tiết về nguồn gốc của nó và những tuần đầu tiên của đại dịch vốn đã bị các quan chức địa phương Vũ Hán, Hồ Bắc che đậy, có thể được coi là “đặc biệt nhạy cảm”.

"Không có gì ngạc nhiên khi Trung Quốc tìm cách kiểm soát nghiên cứu khoa học liên quan để những phát hiện mang tính thách thức về nguồn gốc của virus cũng như phản ứng của Bắc Kinh trước cuộc khủng hoảng. Điều nguy hiểm là khi nghiên cứu khoa học phụ thuộc vào nhu cầu của những người nắm quyền lực, nó càng làm suy yếu uy tín các báo cáo tường thuật của chính phủ, khiến cho những lời cáo buộc về việc che giấu mức độ nghiêm trọng của đại dịch và công bố số liệu không chính xác về số ca nhiễm và tử vong, sẽ trở nên thuyết phục hơn”, Yanzhong Huang, chuyên gia về y tế toàn cầu của Hội đồng Các Quan hệ Đối ngoại ở Washington nhận định.

Mitch Kevin Carrico, một nghiên cứu viên cao cấp chuyên về nghiên cứu Trung Quốc tại Đại học Monash (Úc) chia sẻ với The Guardian rằng ông không biết nhiều về bất kỳ thay đổi cụ thể nào gần đây đối với các quy tắc nghiên cứu học thuật ở Trung Quốc liên quan đến COVID-19, nhưng ông cho rằng đây có thể là nỗ lực kiểm soát của Bắc Kinh trong việc tường thuật về đại dịch.

"Họ đang tìm cách biến sự việc từ là một thảm họa lớn thành kịch bản chính phủ đã làm đúng mọi thứ và giúp thế giới có thời gian để chuẩn bị cho dịch bệnh. Những nỗ lực đó đã được thể hiện rõ trong cách giao tiếp, từ tuyên bố của chính quyền trung ương cho đến các bài xã luận trên phương tiện truyền thông xã hội”, ông Carrico cho hay.

Trong khi đó, David Hui Shu-cheong, một chuyên gia về thuốc hô hấp tại Đại học Hồng Kông, cho biết ông không gặp phải bất kỳ sự kiểm soát bổ sung nào khi ông và một nhóm các nhà nghiên cứu Trung Quốc đại lục công bố một phân tích lâm sàng về các trường hợp COVID-19 trên Tạp chí Y học New England.

"Quá trình thực sự đơn giản sau đó. Hoàn toàn không có hạn chế nào cả. Tôi không biết có phải vì một số nhà nghiên cứu đã công bố thứ gì đó được coi là nhạy cảm ở Trung Quốc hay không”, ông Hui nói với CNN.

Nguồn gốc của coronavirus?

Vào cuối tháng 12, Vũ Hán đã báo cáo các trường hợp đầu tiên về coronavirus, bùng phát từ một chợ hải sản trong thành phố. Các nhà khoa học ở Trung Quốc và phương Tây cho biết loại virus này có khả năng bắt nguồn từ dơi giống như loại virus đã từng gây ra dịch SARS vào năm 2003.

Hồi tháng 3 năm nay, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình yêu cầu việc tìm ra nguồn gốc của chủng virus mới này là những ưu tiên hàng đầu của quốc gia và Bộ Khoa học và Công nghệ Trung Quốc có trách nhiệm thẩm định.

Các quan chức Trung Quốc và truyền thông nhà nước cũng đã nhiều lần nói rằng chưa có kết luận nào chính xác về nguồn gốc của coronavirus. Tháng trước, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Triệu Lập Kiên thậm chí còn tuyên truyền thuyết âm mưu trên mạng xã hội Twitter về việc chính quân đội Mỹ đã đưa loại virus này đến Vũ Hán, sự việc đã làm bùng lên các màn khẩu chiến “ăn miếng trả miếng” giữa hai nước.

Trong cuộc họp báo hôm 9.4 tại Bắc Kinh, ông Triệu còn khẳng định rằng, dù Trung Quốc là quốc gia đầu tiên báo cáo sự bùng phát của đại dịch COVID-19 nhưng điều đó không có nghĩa là coronavirus có “nguồn gốc từ Trung Quốc”.

“Một dịch bệnh có thể bắt nguồn từ bất kỳ thành phố, quốc gia hoặc khu vực nào trên thế giới. Nguồn gốc coronavirus là một vấn đề khoa học cần được chứng minh và giải thích bởi các nhà khoa học và chuyên gia y tế. Có một sự công nhận ngày càng tăng rằng cách tiếp cận của Trung Quốc đã có hiệu quả và kinh nghiệm của Trung Quốc đáng để học hỏi”, ông Triệu nhấn mạnh.

Hoàng Vũ (theo CNN, The Guardian)

Bài liên quan
Thị trường di động sẽ đóng góp cho nền kinh tế 1.100 tỉ USD vào 2030, Trung Quốc đầu tư mạnh vào 5.5G và 6G
Theo một báo cáo gần đây, thị trường 5G đang phát triển mạnh mẽ của Trung Quốc dự kiến sẽ bổ sung gần 260 tỉ USD vào tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong năm 2030, với số lượng kết nối 5G chiếm gần 1/3 tổng số toàn cầu.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tốc độ tăng GDP quý 1/2024 cao nhất trong 4 năm nay
Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý 1/2024 ước tính tăng 5,66% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng của quý 1 các năm từ 2020 - 2023.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Trung Quốc siết chặt các nghiên cứu về nguồn gốc COVID-19