Quan chức Trung Quốc đã lên án Mỹ và Ấn Độ ngay tại Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) về việc hai nước này cấm các ứng dụng TikTok và WeChat.

Trung Quốc tố Mỹ - Ấn vi phạm luật WTO khi cấm TikTok, WeChat

Hoàng Vũ | 06/10/2020, 15:08

Quan chức Trung Quốc đã lên án Mỹ và Ấn Độ ngay tại Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) về việc hai nước này cấm các ứng dụng TikTok và WeChat.

Theo tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP), trong một cuộc họp kín của WTO hôm 5.10, đại diện Trung Quốc nói rằng các động thái của Mỹ và Ấn Độ thời gian qua "rõ ràng không phù hợp với các quy định của WTO. Việc hạn chế các dịch vụ thương mại xuyên biên giới, vi phạm các nguyên tắc và mục tiêu cơ bản của hệ thống thương mại đa phương".

"Các biện pháp này rõ ràng không phù hợp với quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới, hạn chế các dịch vụ thương mại xuyên biên giới và vi phạm những nguyên tắc, mục tiêu cơ bản trong hệ thống thương mại đa phương", quan chức Trung Quốc nói, đồng thời coi việc Mỹ không cung cấp các bằng chứng rõ ràng, nhưng đã liên tục ra lệnh cấm đối với các ứng dụng của Trung Quốc như WeChat hay TikTok là "sự lạm dụng rõ ràng".

tru-so-wto-tai-geneva-thuy-si.jpg
Trụ sở WTO tại Geneva, Thụy Sĩ - Ảnh: Reuters

Trong khi đó, tại cuộc họp, đại diện của Mỹ cũng đã lên tiếng bảo vệ các hành động của mình. Quan chức Mỹ nhấn mạnh, các lệnh cấm được đưa ra nhằm "giảm rủi ro an ninh quốc gia". Trước đó, Nhà Trắng cũng nhiều lần cáo buộc dữ liệu người dùng Mỹ đã bị ứng dụng Trung Quốc thu thập và gửi về trái phép cho chính phủ Trung Quốc.

SCMP dẫn lời một quan chức WTO giấu tên cho biết, đại diện Mỹ và Trung Quốc đã lời qua tiếng lại về vấn đề này. Phía Mỹ viện dẫn Hiệp định chung về dịch vụ của WTO, trong đó cho phép một nước cấm các ứng dụng hoặc dịch vụ nước khác nếu nghi ngờ chúng đang trực tiếp hoặc gián tiếp phục vụ mục đích quân sự.

Hưởng ứng bình luận Mỹ, phía Ấn Độ cũng góp thêm tiếng nói. "Trung Quốc trước tiên cần nhìn về mức độ minh bạch của bản thân mình cũng như về sự miễn cưỡng lâu nay của họ trong việc mở cửa hoàn toàn cho các dịch vụ thương mại nước ngoài", đại diện Ấn Độ phát biểu trong cuộc họp của WTO.

Các bên liên quan hiện chưa đưa ra phản hồi trước thông tin trên. Đại diện WTO cũng từ chối đưa ra bình luận.

Được biết, Tổng thống Mỹ Donald Trump hồi tháng 8 ký các sắc lệnh hành pháp buộc ByteDance, cơ quan mẹ của TikTok, phải bán lại cổ phần cho một công ty Mỹ, nếu không sẽ phải ngừng hoạt động. Chính quyền Washington cáo buộc TikTok là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia khi thu thập dữ liệu người dùng Mỹ và hợp tác với chính phủ Trung Quốc điều mà ByteDance và Bắc Kinh đều đã lên tiếng bác bỏ.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc sau đó cáo buộc Mỹ cố gắng đưa ra những lập luận không có căn cứ nhằm "đàn áp các công ty Trung Quốc”, trong khi các doanh nghiệp Trung Quốc kinh doanh theo quy tắc quốc tế và luật pháp Mỹ.

Trước áp lực từ Nhà Trắng, TikTok đã đẩy mạnh nỗ lực đàm phán với hai công ty Mỹ gồm hãng công nghệ Oracle và chuỗi siêu thị bán lẻ Walmart. Ông Trump hôm 19.9 đồng ý cho hãng công nghệ Oracle và chuỗi bán lẻ Walmart mua lại và quản lý hoạt động của TikTok tại Mỹ. Hai bên thành lập công ty mới mang tên TikTok Global. Trong đó, Oracle sẽ mua 12,5% cổ phần và Walmart mua 7,5% cổ phần. CEO của Walmart Doug McMillon là một trong 5 thành viên hội đồng quản trị của công ty mới.

Ấn Độ hồi tháng 6 cũng đã cấm TikTok và hơn 50 ứng dụng khác do Trung Quốc sản xuất, bao gồm cả WeChat và Baidu Maps. “Các ứng dụng của Trung Quốc đã tham gia vào mọi hoạt động, làm phương hại đến an ninh, việc phòng vệ cũng như chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ấn Độ. Đây là động thái nhằm bảo vệ quyền lợi của người dùng di động và internet ở Ấn Độ. Quyết định này nhắm mục tiêu để đảm bảo an toàn và chủ quyền của không gian mạng Ấn Độ”, thông báo của Bộ Công nghệ Thông tin Ấn Độ nêu rõ.

Quyết định cấm sử dụng các ứng dụng Trung Quốc diễn ra chỉ vài tuần sau vụ ẩu đả chết người giữa binh sĩ Trung Quốc và Ấn Độ ở phía đông vùng Ladakh, gần Đường kiểm soát thực tế (LAC) giữa hai nước hôm 15.6. Cuộc đụng độ đã khiến phong trào “bài Trung” tăng cao tại Ấn Độ. Nhiều cuộc biểu tình chống Trung Quốc và đòi tẩy chay hàng hóa Trung Quốc đã diễn ra tại các bang của Ấn Độ. Thậm chí, một số người đã đốt cờ Trung Quốc, đốt ảnh nhà lãnh đạo Trung Quốc và các sản phẩm do Trung Quốc sản xuất.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Đa dạng hóa loại hình và nguồn lực cho đào tạo nhân lực bán dẫn
7 giờ trước Nhịp đập khoa học
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, phát triển nguồn nhân lực cho công nghiệp bán dẫn là "đột phá của đột phá" trong đào tạo nhân lực chất lượng cao.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Trung Quốc tố Mỹ - Ấn vi phạm luật WTO khi cấm TikTok, WeChat