Đại sứ Trung Quốc tại Manila Hoàng Khê Liên cho biết chính phủ Philippines đồng ý gác lại tranh chấp ở Biển Đông để tăng cường đối thoại, hợp tác.

Trung Quốc tuyên bố Philippines đồng ý gác lại các tranh chấp trên Biển Đông

Hoàng Vũ | 29/09/2020, 14:23

Đại sứ Trung Quốc tại Manila Hoàng Khê Liên cho biết chính phủ Philippines đồng ý gác lại tranh chấp ở Biển Đông để tăng cường đối thoại, hợp tác.

Phát biểu tại một hội thảo quan hệ song phương mới đây, ông Hoàng tiết lộ Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã đạt được đồng thuận về việc "gạt tranh chấp trên biển sang một bên, quản lý tình hình thông qua tham vấn song phương và tăng cường đối thoại, hợp tác".

Đại sứ Trung Quốc nêu lại lập trường của Bắc Kinh rằng họ "không chấp nhận và không công nhận" phán quyết của Tòa Trọng tài thường trực (PCA) hồi 2016 về Biển Đông. "Hai lãnh đạo thống nhất rằng hai bên nên khép lại chương cũ và gác lại bất đồng", đại sứ Trung Quốc nói, song không đề cập thỏa thuận như vậy đạt được khi nào.

Theo nhà ngoại giao Trung Quốc, "vấn đề Biển Đông chỉ là một phần nhỏ trong quan hệ Trung Quốc - Philippines, hay như Ngoại trưởng Teodoro Locsin đã nói, chỉ là một viên sỏi nhỏ trên con đường dẫn đến tiến bộ kinh tế cùng có lợi của chúng ta, và chúng ta không được vấp phải viên sỏi nhỏ".

Ông Hoàng cũng chỉ ra rằng số hợp đồng mới của Trung Quốc cho các dự án ở Philippines đã tăng "26,5% trong nửa đầu năm", bất chấp đại dịch COVID-19, là minh chứng cho thấy mối quan hệ mang lại lợi ích cho hai bên.

Về phía Philippines, phát ngôn viên phủ tổng thống Harry Roque cho biết một thỏa thuận đã được thực hiện để "xúc tiến các vấn đề có thể thực hiện, gồm thương mại và đầu tư" vì hai bên "không thể giải quyết tranh chấp lãnh thổ kéo dài từ lâu".

Trước đó, ngày 22.9, trong bài phát biểu tại kỳ họp thứ 75 của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc (ĐHĐ LHQ), Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã nhắc lại phán quyết của Tòa trọng tài thường trực quốc tế (PCA) về Biển Đông.

Năm 2016, Tòa trọng tài được thành lập theo Phụ lục VII của Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS) năm 1982 đã ra phán quyết trong vụ kiện Biển Đông do Philippines đệ trình. Phán quyết của tòa đã bác bỏ yêu sách chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông, gồm cả "đường 9 đoạn" (đường lưỡi bò) do nước này tự vẽ ra để đòi chủ quyền và rằng cái gọi là chủ quyền lịch sử là không có cơ sở pháp lý.

"Phán quyết này giờ đây là một phần của luật pháp quốc tế, vượt ra ngoài sự thỏa hiệp và vượt ra ngoài tầm của các chính phủ để có thể làm phai nhạt hay bỏ đi. Chúng tôi kiên quyết phản đối những nỗ lực nhằm phá hoại phán quyết này", Tổng thống Duterte tuyên bố.

Nhã lãnh đạo Philippines nhấn mạnh các cam kết của Manila ở Biển Đông phù hợp với UNCLOS năm 1982 và phán quyết năm 2016 của PCA. Ông nói rằng Philippines vẫn duy trì việc giải quyết các tranh chấp một cách hòa bình.

Tuy nhiên, tại cuộc họp báo sau đó, ông Harry Roque có ý giải thích rõ hơn về phát biểu của ông Duterte. Theo ông Roque, Tổng thống Philippines chỉ đơn giản nhắc lại chính sách mà ông từng nhiều lần nêu trước đó trước Trung Quốc - điều mà những người chỉ trích lâu nay vẫn không chịu lắng nghe.

Người phát ngôn của Tổng thống Duterte nêu quan điểm Philippines sẽ tiếp tục theo đuổi các khía cạnh hợp tác khác trong quan hệ với Trung Quốc, bởi tranh chấp lãnh thổ khó có thể được xử lý dứt điểm trong tương lai gần. Chính quyền Manila dự kiến sẽ tăng cường hợp tác trong lĩnh vực các lĩnh vực, nhất là thương mại và đầu tư với Trung Quốc, tạm gác tranh chấp sang một bên, không để ảnh hưởng tới hợp tác song phương.

Hiện động thái của Philippines đang khiến cho các nỗ lực của ASEAN về vấn đề Biển Đông trở nên khó khăn, do nếu Bộ Quy tắc ứng xử ASEAN không có phán quyết của PCA, Trung Quốc hoàn toàn có thể sử dụng điểm này để đưa ra những tuyên bố bành trướng hơn.

Trung Quốc thời gian qua đã không ngừng khai thác và quân sự hóa các rạn san hô ở Biển Đông cùng với sự gia tăng các máy bay và tàu quân sự của Trung Quốc trên tuyến đường biển chiến lược mà Trung Quốc tự coi là lãnh thổ của mình bất chấp bị cộng đồng quốc tế trong đó có nhiều nước phương Tây, ASEAN lên tiếng phản đối. Động thái trên của Philippines được cho khiến cho các nỗ lực của ASEAN về vấn đề Biển Đông trở nên khó khăn, do nếu Bộ Quy tắc ứng xử ASEAN không có phán quyết của PCA, Trung Quốc hoàn toàn có thể sử dụng điểm này để đưa ra những tuyên bố bành trướng hơn.

Kể từ khi lên nắm quyền từ năm 2016, chính quyền Manila dưới thời Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte thi hành chính sách đối ngoại xoay trục bằng cách thiết lập mối quan hệ chặt chẽ hơn với đối thủ của Mỹ là Trung Quốc để đổi lấy các lợi ích kinh tế, đầu tư. Ông tìm đến nguồn viện trợ Trung Quốc cho chương trình xây dựng cơ sở hạ tầng và dường như muốn gác lại các tranh chấp trên Biển Đông.

Duterte cũng nhiều lần bày tỏ mong muốn xử lý ổn thỏa vấn đề Biển Đông, khôi phục đối thoại, cải thiện quan hệ song phương với Trung Quốc. Đối thoại, hòa bình và hợp tác trở thành nguyên tắc cơ bản trong chính sách của Chính quyền Duterte đối với Trung Quốc trong vấn đề tranh chấp chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán ở Biển Đông.

Ông Duterte liên tục khẳng rằng Philippines nên giữ bình tĩnh và theo đuổi những nỗ lực ngoại giao để đối phó yêu sách chủ quyền phi lý của Trung Quốc, trừ khi nước này "sẵn sàng tham gia một cuộc chiến”. Ông lý giải việc không thể làm căng với Trung Quốc do sẽ tạo ra bất lợi khi "bất đồng, tranh cãi với nước láng giềng", nhất là khi đó lại là một hàng xóm lớn mạnh hơn.

Tuy nhiên, cựu thẩm phán Tòa án Tối cao của Philippines Antonio Carpio lại cho rằng ông Duterte đang bị "dắt mũi". "Ông Duterte gác lại phán quyết để đảm bảo nhận được các khoản vay và đầu tư từ Trung Quốc, nhưng trong số 24 tỷ USD Bắc Kinh cam kết, chưa đến 5% trở thành hiện thực, trong khi nhiệm kỳ của Duterte chỉ còn chưa đầy hai năm", Carpio hôm 28.9 cho biết.

"Do hậu quả của đại dịch COVID-19 và sự chững lại của nền kinh tế Trung Quốc, chúng ta không thể mong đợi gì hơn nữa. Không có du khách Trung Quốc vì dịch bệnh. Hộ chiếu của công nhân làm việc tại các sòng bạc ở Philippines đang bị chính phủ Trung Quốc hủy bỏ. Ông Duterte không thể mong đợi gì hơn từ Trung Quốc", cựu thẩm phán nhấn mạnh.

Ông Carpio cũng kêu gọi Tổng thống Duterte "khẳng định phán quyết trên mọi mặt" vì nó "vẫn có giá trị và có thể thực thi", đồng thời cảnh báo Philippines nên làm rõ phán quyết phải được đưa vào Bộ Quy tắc ứng xử Biển Đông do ASEAN soạn thảo. "Nếu không, Trung Quốc có thể dùng chính bộ quy tắc để chống lại chúng ta", Carpio nói.

Hoàng Vũ (theo SCMP)
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Lời giải bài toán thiếu nhân lực số tại Việt Nam
35 phút trước Khoa học - công nghệ
Số lượng nhân sự về công nghệ số mà các công ty tại Việt Nam còn thiếu hằng năm khoảng 170.000 người. Giải pháp nào để tháo gỡ thực trạng này?
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Trung Quốc tuyên bố Philippines đồng ý gác lại các tranh chấp trên Biển Đông