Kể từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump khởi xướng cuộc chiến thương mại với Trung Quốc năm ngoái, cường quốc châu Á hầu như không còn tuân thủ thỏa thuận an ninh mạng song phương nữa.
Mỹ - Trung đạt thỏa thuận an ninh mạng năm 2015, sau đó số vụ tấn công trên không gian ảo từ phía Bắc Kinh có xu hướng giảm.
Nhưng Crowdstrike (1 trong 3 công ty tư nhân giúp đảng Dân chủ Mỹ xác định được hai nhóm tin tặc tấn công hệ thống thông tin Ủy ban quốc gia đảng Dân chủ trong thời gian 2015- 2016)phát hiện mọi chuyện đã thay đổi.
Phó chủ tịch Adam Meyers của công ty an ninh mạng này cho biết: “Khoảng năm 2017 thì họ trở lại, trước lúc triển khai toàn lực vào năm 2018. Họ đã và sẽ hoạt động một cách rất tích cực”.
Theo Crowdstrike, mục tiêu Trung Quốc nhắm đến năm ngoái là hệ thống viễn thông tại Mỹ lẫn châu Á, các ngành công nghệ, sản xuất, nhà hàng - khách sạn.
Thông tin trên được công bố trong bối cảnh Washington nỗ lực đạt thỏa thuận thương mại mà trong đó Bắc Kinh cam kết tăng cường bảo vệ sở hữu trí tuệ. Hạn chót cho hai nền kinh tế là ngày 1.3, nhưng Tổng thống Trump từng ngỏ ý dành thêm thời gian cho đàm phán.
Những gì Crowdstrike phát hiện phù hợp với lo ngại về an ninh viễn thông của Mỹ. Chính quyền Trump vì lo ngại này mà đang cố gắng bảo vệ công nghệ mạng 5G khỏi lực lượng lấy cắp thông tin nước ngoài.
Cũng theo Crowdstrike, không chỉ cường quốc châu Á mà cả tin tặc Iran và Nga cũng tấn công các hệ thống viễn thông - lĩnh vực mang lại nhiều lợi ích do số lượng người sử dụng lớn, Phó chủ tịch Meyers nói thêm. Tehran tập trung vào những quốc gia Trung Đông hoặc Bắc Phi, trong khi Moscow tiến hành thu thập thông tin trên phạm vi toàn cầu. Tin tặc CHDCND Triều Tiên chủ yếu thu thập tin tình báo, thu lợi tài chính.
Cẩm Bình (theo Bloomberg)