Tham vọng quốc tế hóa đồng nhân dân tệ của Bắc Kinh có vẻ đã đổ sông đổ biển. Các khoản tiền gửi bằng nhân dân tệ ở Hồng Kông tính đến thời điểm hiện tại đã giảm khoảng 39% so với cùng kỳ năm ngoái, và dòng tiền nhân dân tệ đầu tư ra nước ngoài trong 2 tháng đầu năm cũng đã giảm khoảng 41% so với cùng kỳ 2016.

Trung Quốc vỡ mộng trong việc đưa 'nhân dân tệ' phủ khắp thế giới?

Nhàn Đàm | 15/04/2017, 06:34

Tham vọng quốc tế hóa đồng nhân dân tệ của Bắc Kinh có vẻ đã đổ sông đổ biển. Các khoản tiền gửi bằng nhân dân tệ ở Hồng Kông tính đến thời điểm hiện tại đã giảm khoảng 39% so với cùng kỳ năm ngoái, và dòng tiền nhân dân tệ đầu tư ra nước ngoài trong 2 tháng đầu năm cũng đã giảm khoảng 41% so với cùng kỳ 2016.

Những mâu thuẫn thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc tại Florida cuối tuần qua đã không bùng phát và được cứu vãn bằng việc Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chấp nhận nhượng bộ. Theo đó,các công ty Mỹ sẽ được nới rộng phạm vi hoạt động tại một số lĩnh vực then chốt trong nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Những chỉ trích thường lệ của Tổng thống Donald Trump về thao túng tỷ giá nhằm duy trì thặng dư thương mại khổng lồ của Trung Quốc vì thế đã không diễn ra.

Nhưng, một phần quan trọng khác là do tỷ giá đồng nhân dân tệ đã trở nên ổn định hơn trong những tháng đầu năm 2017. Nó xuất phát từ việc dòng vốn tháo chạy khỏi Trung Quốc trong suốt 2 năm liên tiếp vừa qua đã được kiểm soát tốt hơn, dù đã làm mưa làm gió khiến tỷ giá đồng nội tệ của nước này sụt giảm thê thảm trong thời điểm cuối năm 2016, và chỉ tạm thời ổn định ngay trước chuyến đi sang Mỹ của ông Tập. Liệu Trung Quốc đã chặn được sự tháo chạy của dòng vốn?

Về bề ngoàithì câu trả lời là: Có. Theo báo cáo của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc trong tháng 3.2017,quỹ dự trữ ngoại tệ của nước này đã không có sự biến động trong giai đoạn từ tháng 12.2016 đến hết tháng 2.2017 vàvẫn duy trì ở mức 3.000 tỉ USD. Số liệu của Cục quản lý ngoại hối Trung Quốc cũng cho biết, có sự thu hẹp đáng kể về quy mô dòng vốn chảy ra khỏi nước này trong cùng giai đoạn, chủ yếu trên các kênh ngân hàng và giao dịch quốc tế. Nếu đúng thì đây có thể xem như một thành tựu lớn của chính phủ Trung Quốc, khi dòng vốn chảy khỏi thị trường nước này trong năm ngoái đã lên tới mức trung bình 60 tỉ USD mỗi tháng. Tuy nhiên, cách thức để Trung Quốc làm được điều này lại đang đặt ra những dấu hỏi và nguy cơ không nhỏ với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới về lâu dài.

Trước hết, đây không phải là kết quả của nỗ lực cân bằng về dòng vốn tài chính của Bắc Kinh. Tổng số các khoản thanh toán và giao dịch quốc tế tại các ngân hàng Trung Quốc đều giảm đáng kể trong giai đoạn này, ở hầu hết các ngành và lĩnh vực. Theo thống kê của các ngân hàng, thì tổng số các khoản thanh toán nước ngoài trong nền kinh tế Trung Quốc đã giảm khoảng 15% trong 2 tháng đầu năm 2017. Số liệu thống kê cho biết tổng giá trị thanh toán nước ngoài tại các ngân hàng Trung Quốc trong năm 2016 đạt khoảng 3.100 tỉ USD, và mức sụt giảm 15% rõ ràng là không hề nhỏ.

Nói cách khác, Trung Quốc đã đạt được sự ổn định về tỷ giá đồng nội tệ của mình không phải bằng cách tăng cường xuất khẩu (để tăng thặng dư thương mại) hay tăng cường mời gọi đầu tư nước ngoài vào nền kinh tế Trung Quốc (để bù đắp lại phần vốn đã chảy khỏi nước này), mà bằng cách ngăn chặn các vụ mua bán và đầu tư theo hướng chuyển vốn ra nước ngoài. Việc ngăn cản các vụ thanh toán mờ ám nhằm chuyển tiền bất hợp pháp ra nước ngoài là điều hợp lý, nhưng điều đáng nói là Bắc Kinh lại chặn không ít các vụ giao dịch hợp pháp và đồng nghĩa với những tác động tiêu cực với nền kinh tế.

Điển hình cho tình trạng nàylà quy định buộc các ngân hàng chỉ có thể chấp nhận các giao dịch thanh toán quốc tế nếu như trước đó họ cân bằng được sổ sách về tài chính. Các ngân hàng có trụ sở ở Bắc Kinh đang phải chấp nhận quy định cứ mỗi 80 nhân dân tệ chuyển ra nước ngoài theo hình thức giao dịch quốc tế thì họ phải tăng mức tích trữ thêm 100 nhân dân tệ. Chính điều này khiến cho tỷ giá nhân dân tệ và sự cân bằng tài chính được duy trì, nhưng nó cũng đồng nghĩa với những tác hại lớn. Nó tạo ra sự sụt giảm lớn trong đầu tư nước ngoài cũng như dòng vốn sử dụng trong các giao dịch thương mại thông thường, gián tiếp gây ra sự trì trệ trong hoạt động của nền kinh tế Trung Quốc.

Các công ty nước ngoài đang hoạt động tại Trung Quốc cũng không dễ thở hơn bao nhiêu. Mặc dù Bắc Kinh vẫn đang chính thức cho phép các công ty nước ngoài chuyển vốn ra khỏi Trung Quốc cho các hoạt động giao dịch tiêu chuẩn như trả cổ tức, nhưng thực tế đã bắt đầu có những công ty phàn nàn rằng Bắc Kinh đã cấm họ thực hiện điều đó trong thời gian vừa qua. Điều này đồng nghĩa với rủi ro rằng vốn đầu tư nước ngoài tại Trung Quốc vốn đã giảm mạnh trong thời gian qua sẽ có thể giảm mạnh hơn nữa, nhất là khi các nhà đầu tư lo lắng về việc có thể sẽ không mang lợi nhuận về nước được nữa.

Những tác động tiêu cực từ tình trạng cấm đoán này đang ngày càng nhiều hơn và khá rõ rệt. Trước hết, nó khiến hoạt động đầu tư ra nước ngoài của các doanh nghiệp Trung Quốc giảm mạnh, trong 3 tháng đầu năm 2017 đã giảm khoảng 55% so với cùng kỳ 2016. Điều này đồng nghĩa với nhiều hậu quả khá nghiêm trọng: chi phí tại thị trường trong nước đang gia tăng và giảm lợi nhuận của các công ty nội địa Trung Quốc. Trong năm 2016, lợi nhuận trung bình của các doanh nghiệp tư nhân nước này đã giảm khoảng 33%; nhu cầu đầu tư ra nước ngoài để giảm chi phí và tăng lợi nhuận đang ngày càng nhiều hơn, nhưng lại bị cản trở nghiêm trọng bởi chính sách hạn chế dòng vốn nói trên của Bắc Kinh.

Và để giảm nhẹ các tác động tiêu cực nói trên, chính phủ Trung Quốc lại tìm cách cho phép các ngân hàng tiếp tục thúc đẩy cho vay nhiều hơn. Điều này lại dẫn tới các tác động tiêu cực khác. Nó làm trì hoãn các cải cách tài chính và những nỗ lực trong việc thu hồi các khoản nợ khó đòi vốn khá nhiều và đang có xu hướng tăng nhiều hơn nữa sau việc cho phép vay vốn này. Ngoài ra, nó cũng khiến giá tài sản tăng lên một cách bất hợp lý: giá bất động sản tại một số thành phố lớn đã tăng thêm 1.000 USD/foot vuông (1/3 mét vuông). Nói cách khác, những nỗ lực kìm hãm dòng vốn chảy ra khỏi thị trường của Bắc Kinh theo một cách cưỡng ép thiếu hợp lý đang dẫn tới một loạt những hậu quả khó lường khác.

Động thái phản thị trường này cũng khiến cho tham vọng quốc tế hóa đồng nhân dân tệ của Bắc Kinh đổ sông đổ biển. Các khoản tiền gửi bằng nhân dân tệ ở Hồng Kông tính đến thời điểm hiện tại đã giảm khoảng 39% so với cùng kỳ năm ngoái, và dòng tiền nhân dân tệ đầu tư ra nước ngoài trong 2 tháng đầu năm cũng đã giảm khoảng 41% so với cùng kỳ 2016. Điều này dẫn đến kết luận rằng, với Bắc Kinh thì ổn định tỷ giá trong nước quan trọng hơn nhiều so với tham vọng tiền tệ toàn cầu của họ. Các động thái này có thể đem lại sự ổn định tỷ giá trong ngắn hạn, nhưng sẽ rất nhanh chóng đem đến những tác động tiêu cực có ảnh hưởng xấu lớn hơn rất nhiều lần.

Nhàn Đàm (theo Bloomberg)
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp đoàn kiều bào tiêu biểu tham dự chương trình 'Xuân quê hương 2025'
2 giờ trước Sự kiện
Chiều 19.1, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Tô Lâm đã tiếp đoàn 100 kiều bào tiêu biểu tham dự chương trình "Xuân quê hương 2025" do Ủy ban Nhà nước về Người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao tổ chức.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Trung Quốc vỡ mộng trong việc đưa 'nhân dân tệ' phủ khắp thế giới?