Báo điện tử Một Thế Giới ngày 27.7.2017 có đăng bài “Cố đô Huế và những cảnh báo từ UNESCO về nguy cơ bức tử di tích” của tác giả Quang Long. Vừa qua, Ban biên tập báo đã nhận được công văn của Sở Thông tin và Truyền thông Thừa Thiên Huế kèm công văn phản hồi của Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế về bài viết nói trên.

Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế phản hồi về bài viết trên báo Một Thế Giới

Lời tòa soạn | 22/10/2017, 13:16

Báo điện tử Một Thế Giới ngày 27.7.2017 có đăng bài “Cố đô Huế và những cảnh báo từ UNESCO về nguy cơ bức tử di tích” của tác giả Quang Long. Vừa qua, Ban biên tập báo đã nhận được công văn của Sở Thông tin và Truyền thông Thừa Thiên Huế kèm công văn phản hồi của Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế về bài viết nói trên.

Lời tòa soạn:

Báo điện tử Một Thế Giới ngày 27.7.2017 có đăng bài “Cố đô Huế và những cảnh báo từ UNESCO về nguy cơ bức tử di tích” của tác giả Quang Long.Bài báo nêu ra những nguy cơ trước mắt có thể hủy hoại những di sản lịch sử - văn hóa của quần thể di tích cố đô Huế, từng được UNESCO công nhận là Di sản thế giới. Sau khi báo đăng, dư luận đông đảo bạn đọc bày tỏ đồng tình với sự phản ánh, đề nghị phải có những biện pháp khẩn cấp để cứu nguy di sản.

Vừa qua, Báo điện tử Một Thế Giới đã nhận được công văn đề ngày 2.10.2017 của Sở Thông tin và Truyền thông Thừa Thiên Huế (Sở TTTT) kèm công văn đề ngày 18.9 của Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế (TTBTDTCĐ) gửi sở này để phản hồi về bài viết nói trên trên báo Một Thế Giới.

Công văn của TTBTDTCĐ Huế gửi Sở TTTT tỉnh được gửi đồng thời cho UBND tỉnh (để báo cáo) và cho Phòng PA83 - Công an tỉnh Thừa Thiên-Huế, giải thích những vấn đề liên quan trong bài báo và đề nghị Sở Thông tin Truyền thông có văn bản yêu cầu tòa soạn báo Một Thế Giới và tác giả bài báo rút lại bài báo và công khai đính chính những nội dung thiếu chính xác, theo Trung tâm.

Xác tín rằng công cuộc bảo tồn các giá trị văn hóa dân tộc nói chung và di tích lịch sử - văn hóa nói riêng là mối quan tâm chung của công luận rộng rãi, của đông đảo người dân; đồng thời căn cứ theo những quy định của Luật Báo chí, cũng như tôn trọng nguyên tắc phản hồi, thông tin đa chiều, Báo điện tử Một Thế Giới đăng lại toàn văn công văn của Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế để rộng đường dư luận.

Chúng tôi mời bạn đọc quan tâm và các nhà nghiên cứu tiếp tục trao đổi về vấn đề này nhằm mục đích cuối cùng là bảo vệ cho được các giá trị lịch sử - văn hóa của đất nước nói chung, của cố đô Huế nói riêng.

Báo điện tử Một Thế Giới

Công văn của Trung tâm bảo tồn di tích Cố đô Huế gửi Sở Thông tin Thừa Thiên Huế phản hồi về bài viết trên báo điện tử Một Thế Giới:

            
   

TRUNG TÂM BẢO TỒN DI TÍCH

   

CỐ ĐÔ HUẾ

      

Số: 1084/BTDT-VP

   

V/v phản hồi thông tin bài viết đăng trên báo Một Thế Giới.

   
   

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

   

Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

                                                       
            

Thừa Thiên Huế, ngày 18 tháng 9 năm 2017

   

Kính gửi: Sở Thông tin Truyền thông tỉnh Thừa Thiên Huế

Ngày 27 tháng 7 năm 2017, trên báo Một Thế Giới đã có đăng bài viết với tiêu đề “Cố đô Huế và những cảnh báo từ UNESCO về nguy cơ bức tử di tích” của tác giả Quang Long.

Trong nội dung bài viết, tác giả đã đề cập đến rất nhiều vấn đề về công tác bảo tồn các giá trị Di sản Văn hóa Huế nói chung, trong đó đặc biệt nhấn mạnh đến các giá trị phong thủy cảnh quan gắn liền với các di tích thuộc Quần thể Di tích Cố đô Huế; tác giả cũng đã trích dẫn những cảnh báo của các chuyên gia, các tổ chức Bảo tồn di sản cũng như nhận định của tác giả liên quan đến công tác bảo vệ, giữ gìn các giá trị nổi bật toàn cầu của khu Di sản Huế, như:

     
  • Bảo tồn các giá trị cảnh quan phong thủy của Huế
  •  
  • Tác động của việc mở mới tuyến đường tránh Huế ảnh hưởng đến tính toàn vẹn của di tích lăng vua Minh Mạng và lăng vua Khải Định.
  •  
  • Phân định và chính sách bảo vệ đối với vùng lõi, vùng đệm ở các khu di tích.
  •  
  • Cảnh báo về một số di tích đang bị bỏ hoang và đang trở thành phế tích như: biệt phủ Ngô Đình Cẩn, đình và miếu khai canh làng Thế Lại Thượng, đình làng An Cựu,…

Qua nghiên cứu các nội dung phản ánh của bài viết, chúng tôi nhận thấy rằng, các thông tin chuyển tải của bài viết chưa đầy đủ, rõ ràng và khách quan; nhiều thông tin trích dẫn đã quá cũ, tác giả đã không cập nhật thông tin một cách đa chiều, toàn diện theo trình tự diễn tiến của nó nên rất dễ làm cho người đọc bị ngộ nhận và hiểu nhầm vấn đề theo chiều hướng hoàn toàn khác, thậm chí là tiêu cực, hiểu không đúng và toàn diện về lĩnh vực bảo tồn các giá trị nổi bật của khu Di sản Huế hiện nay.

Với trách nhiệm của một đơn vị được phân công trực tiếp thực hiện công tác bảo tồn và phát huy các giá trị Di sản Văn hóa Huế, đồng thời để giúp cho đông đảo người đọc và cộng đồng xã hội có cách nhìn đa chiều, toàn diện hơn về công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di sản, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế (viết tắt là Trung tâm BTDTCĐ Huế) xin được phản hồi, đính chính lại một số thông tin đã đăng trên bài viết với tiêu đề “Cố đô Huế và những cảnh báo từ UNESCO về nguy cơ bức tử di tích” của tác giả Quang Long, trên Báo Một Thế Giới như sau:

1. Vấn đề bảo vệ các giá trị cảnh quan phong thủy của Huế

Vấn đề này được tác giả bài báo dẫn lời từ các chuyên gia UNESCO liên quan đến tình trạng bảo tồn khu di sản Huế là những vấn đề được chính tác giả ghi nguồn tài liệu vào thời điểm 2005 (dự án xây dựng khách sạn trên đồi Vọng Cảnh), thậm chí là từ năm 1981 (lời kêu gọi "cứu vãn Huế” của nguyên Tổng Giám đốc UNESCO).

Tuy nhiên, những vấn đề này đều đã được các cấp chính quyền, cơ quan quản lý khu di sản và các ban ngành trung ương, địa phương, quan tâm nghiên cứu để xây dựng kế hoạch hành động cụ thể và phù hợp cùng với các giải pháp tối ưu để giải quyết vấn đề nhằm tránh những xung đột giữa nhiệm vụ bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa với việc đáp ứng yêu cầu chính đáng của dân cư trên địa bàn và quá trình đô thị hóa, nhằm đảm bảo xây dựng và phát triển một cách hài hòa, bền vừng giữa phát triển kinh tế xã hội và bảo tồn, phát huy di sản văn hóa đã được UNESCO xếp hạng.

UBND Tỉnh Thừa Thiên Huế đã có các Báo cáo giải trình gửi đến Ủy ban Di sản Thế giới thuộc UNESCO (viết tắt là UBDSTG) về tiến độ thực hiện tình hình bảo tồn khu di sản Huế theo Quyết định và khuyến nghị của UBDSTG liên tục trong các năm 2005, 2009, 2011 và 2013.

2. Tác động của việc mở mới tuyến đường tránh Huế ảnh hưởng đến tính toàn vẹn của di tích lăng vua Minh Mạng và lăng vua Khải Định:

Để chứng minh luận điểm, tác giả đã trích ý kiến của GS. William Logan – chuyên gia UNESCO về việc mở mới tuyến đường quốc lộ I tránh Huế, ảnh hưởng đến tính toàn vẹn của di tích (năm 2002 – 2003).

Liên quan đến nội dung này, chúng ta cần nhìn nhận vấn đề một cách toàn diện trong điều kiện khách quan của nó thì mới nhận thấy hết vấn đề có những khó khăn, bất cập như thế nào trong việc giải quyết bài toán “Hài hòa giữa bảo tồn và phát triển”:

     
  • Trong báo cáo của chuyên gia UNESCO, Tiến sĩ Richard Engehardt- Cố vấn của Tổng Giám đốc UNESCO tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, tại Kỳ họp lần thứ 28 UBDSTG UNESCO ở Tô Châu - Trung Quốc (năm 2004) liên quan đến những vấn đề được đề cập của khu di sản Huế, ông đưa ra quan điểm: "Thực chất của vấn đề đượcđặt ra là việc mở rộng và nâng cấp các con đường cũ chạy qua Huế. Như mọi người biết, các công trình hạ tầng ở mọi vùng của Việt Nam chịu tác động nặng nề của chiến tranh. Vì vậy, việc cải tạo, nâng cấp đường sá phục vụ phát triển dân sinh là nhu cầu chính đáng của Việt Nam. Tuy nhiên, ở khu vực Huế thì đây là công việc khó khăn vì các con đường này nằm gần khu di sản. Thêm nữa, Huế nằm ở khu vực địa lý của Việt Nam có chiều ngang rất hẹp (khoảng 100km) và các dãy núi nằm sát đồng bằng và biển, nên khó lựa chọn các giải pháp tuyệt đối tránh xa khu di sản".
  •  
  • Thực tế cho thấy, việc làm đường tránh phía tây Thành phố Huế thực chất lả giải pháp “Bất khả kháng” trong điều kiện chúng ta hiện nay, nhằm giảm bớt đến mức thấp nhất việc lưu thông của các phương tiện vận tải nặng trên Quốc lộ 1A đi qua trung tâm thành phố và đi sát tường thành phía tây, phía Nam của Kinh thành và dọc theo sông Hương. Trên cơ sở đó, giảm thiểu tác động có hại đến quần thể kiến trúc chính của kinh thành và môi trường cảnh quan ở khu vực này. Đây cũng từng là ý kiến đề nghị của ông Pierre Pichard đặc phái viên UNESCO đến khảo sát khu di tích Huế năm 1978. Qua thực tiễn các trận bão lũ lớn thì tuyến đường này gần như là sự lựa chọn duy nhất để duy trì giao thông vận tải Bắc – Nam qua Huế và tuyến cần thiết để tổ chức cứu trợ, cứu nạn cho dân cư và cho chính bản thân lực lượng bảo vệ và tài sản ở các khu di tích trong điều kiện có thiên tai lớn (Trích Báo cáo Tiến độ thực hiện Quyết định số 28. COM 15B.61 tại kỳ họp thứ 28 của UBDSTG thuộc UNESCO do UBND Tỉnh TT-Huế gửi UBDSTG UNESCO ngày 28 tháng 01 năm 2005).
  •  
  • Để giảm thiểu tác động tiêu cực của vấn đề ô nhiễm tiếng ồn, độ rung, khói, bụi… gây ảnh hưởng đến lăng vua Minh Mạng, cũng như bảo vệ các giá trị cảnh quan phong thủy gây ảnh hưởng tầm nhìn phong thủy của lăng vua Khải Định, từ năm 2005, UBND Tỉnh Thừa Thiên Huế đã giao Trung tâm BTDTCĐ Huế phối hợp với Sở Giao Thông Vân tải, Sở Tài nguyên Môi trường, UBND huyện Hương Trà (nay là thị xã Hương Trà) và xã Hương Thọ để có các giải pháp thiết thực và kịp thời như thực hiện lập vành đai xanh bảo vệ di tích lăng vua Minh Mạng, với việc quản lý và trồng cây xanh tạo vành đai bảo vệ bên ngoài tường thành của lăng vua Minh Mạng (khoảng 10-15m), dọc đường 49 gần lăng và hành lang đường bộ (phạm vi khoảng 100m tính từ tim đường) của đường tránh Tây Nam và khu vực cầu Tuần nhằm góp phần ngăn chặn việc xây dựng trái phép các điểm dân cư gần di tích và giảm thiểu tiếng ồn, tầm nhìn và độ rung có thể gây nên đối với khu vực lăng vua Minh Mạng. Những vách núi bị bạt đi khi làm đường (tầm nhìn phía trước của lăng vua Khải Định) đã được trồng phủ bởi cỏ corvette và phủ lưới dù có màu xanh rêu để tạo màu hài hòa với cảnh quan cây xanh xung quanh. Đắp những mô đất cao từ 03 - 05m trồng cỏ và cây thân thấp, kết hợp với việc trồng cây các loại cây thân cao phát triển nhanh để sau khi cây đã phát triển hoàn chỉnh sẽ tạo thành những bình phong xanh nhằm giảm thiểu ảnh hưởng tầm nhìn phong thủy của lăng vua Khải Định do một phần đường tránh chạy gần khu vực lăng gây nên, đồng thời hạn chế tình trạng lở đất vào mùa mưa... (Trích Báo cáo Tiến độ thực hiện Quyết định số 31 COM.7B.75 của UBDSTG do UBND Tỉnh Thừa Thiên Huế gửi UBDSTG ngày 30 tháng 4 năm 2009; Báo cáo Tiến độ thực hiện Quyết định số 33 COM.7B.85 của UBDSTG do UBND Tỉnh Thừa Thiên Huế gửi USDSTG ngày 04 tháng 4 năm 2011 và Báo cáo Tiến độ thực hiện Quyết định số 35 COM. 7B.81 của UBDSTG do UBND Tỉnh Thừa Thiên Huế gửi UBDSTG ngày 02 tháng 4 năm 2013).
  •  
  • Tại phiên họp của UBDSTG đã chính thức ghi nhận tiến bộ của chính quyền địa phương UBND Tỉnh Thừa Thiên Huế và nước thành viên trong việc thực hiện các khuyến nghị của UNESCO, UBDSTG đã có các đánh giá như sau: “Ghi nhận tiến bộ của nước thành viên trong việc giải quyết vấn đề tiến hành các biện pháp giảm thiểu tác động ảnh hưởng bởi đường tránh ở khu vực lăng vua Minh Mạng và lăng vua Khải Định" (Trích Quyết định số 33 COM.7B.85, năm 2009 cùa ƯBDSTG) và “Ghi nhận sự tiến bộ của nước thành viên trong việc giải quyết vấn đề xây dựng trái phép, việc thực hiện các giải pháp giảm thiểu các tác động do tuyến đường tránh gây nên đối với lăng vua Minh Mạng và lăng vua Khải Định, cũng như hạn chế các dự án hạ tầng lớn trong khu vực được bảo vệ và khu vực đệm” (Trích Quyết định số 35 COM.7B.81. năm 2017 của UBDSTG).
  •  
  • Trở lại với chuyên gia đã đưa ra cảnh báo vấn đề này, GS.TS. William Logan, trong đợt khảo sát làm việc tại di tích Huế từ ngày 24 - 27.10.2014, tại buổi làm việc với PGS. TS Đặng Văn Bài (Đại diện Bộ VH,TT&DL Việt Nam tại UBDSTG UNESCO, Phó Chủ tịch Hội đồng DSVH Việt Nam), đại diện lãnh đạo Cục Di sản Văn hóa. Văn phòng UNESCO Hà Nội và Trung tâm BTDTCĐ Huế, GS.TS William Logan đã nhìn nhận và đánh giá lại vấn đề nêu ra cho Huế năm 2006 như sau: "Trước khi đến đây thì tôi thực sự rất lo ngại bởi vì chỉ sợ chuyến khảo sát tại Huế sẽ làm cho mình đau khổ và thất vọng khi nhìn thấy rất nhiều dự án, khách sạn các thứ mọc lên chiếm hết cảnh quan của 2 bờ sông Hương trên đoạn từ đây lên lăng vua Gia Long, nhưng hôm qua đi khảo sát thì cảm thấy nhẹ nhõm vàsung sướng so với năm 2006, vì thấy cảnh quan dọc 2 bờ sông Hương vẫn giữ gìn rất tốt và vẫn còn nguyên”. Đánh giá về giải pháp phủ lưới, đắp mô đất và trồng cây xanh tại khu vực làm con đường gây ảnh hưởng tầm nhìn phong thủy của lăng vua Khải Định, GS. William Logan có nhận xét: “Hôm qua đứng ở lăng vua Khải Định nhìn ra cũng là điểm mà năm 2006 đi quan sát cùng ông Giovanni Boccadi (Trưởng ban Vật thể của Trung tâm Di sản Thế giới UNESCO), tôi thấy con đường mở ra nhận được sự phản đối rất quyết liệt. Nhưng hôm qua thấy cây mọc lên thì tôi nghĩ thực ra cái mình muốn bảo vệ là bảo vệ phải có nhượng bộ ví dụ như họ không cho xây con đường chạy qua trước mặt cảnh quan của lăng mà chỉ lùi lại khoảng chục mét đằng sau, cái nơi an nghỉ thiên thu, để đứng từ trong lăng không nhìn thấy con đường. Con đường chạy đằng sau có ảnh hưởng gì đâu lùi lại một tí nếu chúng ta đưa vào trong này là căn cứ để sau này thuyết phục chính quyền địa phương để không phải phản bác cũng không chặn chính quyền địa phương làm các dự án chỉ có điều là mình tác động làm ngắn con đường một tí”.

Các đánh giá khách quan trên của GS.TS. William Logan đã thừa nhận các giải pháp và nỗ lực khắc phục của chính quyền địa phương, đơn vị quản lý di sản và các sở, ban ngành liên quan là phù hợp, tích cực và có hiệu quả. Với những nỗlực trong công tác bảo tồn trùng tu di sản Huế, trong các kỳ họp thứ 30, 31, 33 và 35 UBDSTG đã có thông điệp chúc mừng những thành quả xuất sắc của chính quyền địa phương và đơn vị quản lý khu di sản Huế trong công tác bảo tồn trùng tu tài sản văn hóa của nhân loại. Cũng từ những nỗ lực đạt được này mà tại kỳ họp thứ 37 (tháng 6.2013) của UBDSTG, khu di sản Huế đã được đưa ra khỏi danh sách “Những di sản bị khuyến cáo" của UNESCO và tại kỳ họp thứ 38 (tháng 6.2014) Quần thể Di tích cố đô Huế được chính thức thông qua tiêu chí (iv) về Giá trị Nổi bật Toàn cầu của khu di sản Huế. Điều này góp phần làm tăng vị thế của Việt Nam nói chung và di sản của Huế nói riêng trong tổ chức UNESCO về những ghi nhận đáng trân trọng trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản thế giới.

Như vậy, có thể thấy rõ các vấn đề nêu trong bài viết đều diễn ra từ hơn 10 năm trước, nhưng tác giả không hề cập nhật thông tin đa chiều và dẫn dắt nó trong tiến trình phát triển mà vẫn dẫn lại những nhận định, những cảnh báo đã không còn hợp lý nên đã gây tâm lý hoang mang cho người đọc, nếu không nắm rõ vấn đề thì rất dễ dẫn đến hiểu nhầm rằng hiện nay khu di sản Huế đang có nguy cơ bức tử.

3. Phân định và chính sách bảo vệ đối với vùng lõi, vùng đệm ở các khu di tích:

Cũng trong bài báo, tác giả dẫn lời của GS. TS. William Logan về việc khu di sản Huế mới chỉ có vùng lõi mà chưa có vùng đệm.

Tuy nhiên, hiểu chính xác hơn thì đây là đoạn ông William Logan nhận xét về hồ sơ đề trình UNESCO vào thời điểm các di tích Huế chưa thiết lập bản đồ thể hiện phạm vi khoanh vùng bảo vệ khu vực 2 (vùng đệm), tức là trước năm 1993. Trên thực tế, từ năm 1993 và các năm tiếp theo phạm vi khoanh vùng bảo vệ quần thể di tích cố đô Huế đã liên tục được hoàn thiện và củng cố. Hiện nay, các bản đồ phạm vi khoanh vùng bảo vệ đều được công bố rộng rãi, đặt ngay tại các điểm di tích.

4. Cảnh báo về một số di tích đang bị bỏ hoang và đang trở thành phế tích như: biệt phủ Ngô Đình Cẩn, đình và miếu khai canh làng Thế Lại Thượng, đình làng An Cựu...

Trong bài viết có nội dung viết về “Công tác bảo tồn di sản Huế và những cảnh báo”, tác giả nêu tên một số di tích đang bị bỏ hoang và đang trở thành phế tích như: biệt phủ Ngô Đình Cẩn, đình và miếu khai canh làng Thế Lại Thượng, đình làng An Cựu... và khẳng định những di tích này nằm trong quần thề các di sản đã được UNESCO công nhận. Thông tin này của tác giả đưa ra là cảm tính hoàn toàn không chính xác. Hồ sơ đề cử các di tích của quần thể di tích Cố đô Huế vào danh mục Di sản thế giới hoàn toàn không có tên các di tích nêu trên.

Với tinh thần trách nhiệm và cầu thị, Trung tâm BTDTCĐ Huế sẵn sàng lắng nghe, tiếp thu các ý kiến xây dựng chân thành, tâm huyết để gìn giữ, bảo tồn và phát huy tốt hơn các Di sản Văn hóa mà cha ông đã để lại. Tuy nhiên, để làm được điều đó thì cũng rất cần sự nhìn nhận đúng bản chất sự việc để từ đó có sự cảm thông, quan tâm, chia sẻ một cách chân thành của cộng đồng xã hội đối với công việc chúng tôi đang làm.

Chính vì vậy, Trung tâm BTDTCĐ Huế đề nghị Sở Thông tin Truyền thông có văn bản yêu cầu tòa soạn báo Một Thế Giới và tác giả bài báo rút lại bài báo và công khai đính chính những nội dung thiếu chính xác nói trên, đồng thời có văn bản thông báo rộng rãi để công chúng được rõ, tránh gây hiểu nhầm kéo dài, ảnh hưởng chung đến công cuộc bảo tồn và phát huy giá trị di tích của Huế nói riêng và của Việt Nam nói chung.

Trân trọng!

Nơi nhận:

Như trên;

UBND tỉnh (để báo cáo);

Phòng PA83 – Công an tỉnh;

Giám đốc và các PGĐ TT;

CVP, BT, HTĐN;

http://motthegioi.vn/van-hoa-giai-tri-c-80/cau-chuyen-van-hoa-c-130/co-do-hue-va-nhung-canh-bao-tu-unesco-ve-nguy-co-buc-tu-di-tich-67914.html
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ
7 giờ trước Khoa học - công nghệ
TSKH Nghiêm Vũ Khải - nguyên Phó chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam cho rằng nếu không có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ thì sẽ không thể vượt qua tình trạng tụt hậu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế phản hồi về bài viết trên báo Một Thế Giới