Bản thân mỗi chúng ta không thể nào biết được các bệnh đó là do di chứng hậu COVID-19 hay do những những tác nhân khác.
Sở Y tế TP.HCM xác định, trọng tâm công tác y tế năm 2022 của TP là hỗ trợ cho bệnh nhân hậu COVID-19, trong đó tập trung những bệnh nhân có bệnh lý nền, có nguy cơ tử vong, có những biến chứng mà người bệnh không biết. Chính vì vậy, ngành y tế TP phải chuyển từ thế bị động sang thế chủ động.
TS.BS Phan Minh Hoàng – Giám đốc Bệnh viện Phục hồi chức năng - Điều trị bệnh nghề nghiệp TP.HCM cho biết, hiện bệnh viện này đang đến các trung tâm y tế quận huyện để lấy danh sách các bệnh nhân COVID-19 khỏi bệnh theo độ tuổi và phân loại bệnh lý để theo dõi nhằm điều trị hiệu quả những bệnh nhân bị di chứng hậu COVID-19.
- Vậy chúng chúng ta sẽ theo dõi, quản lý những người hậu COVID-19 này như thế nào, thưa bác sĩ?
TS.BS Phan Minh Hoàng: Theo các nghiên cứu cho thấy, có khoảng 3 đến 5% người mắc COVID-19 khỏi bệnh sẽ có những di chứng của hậu COVID-19.
Do đó, khi tiếp cận nhận bệnh nhân hậu COVID-19, chúng tôi sẽ hỏi về những bất thường trong sức khỏe của họ hiện nay so với trước đây. Chẳng hạn trước đây họ đi bộ 500m không có vấn đề gì, nhưng hiện nay đi bộ hơn 100m thì nhịp thở đã nhanh, có những triệu chứng suy hô hấp… Đó là một trong những triệu chứng cảnh báo rằng, bệnh nhân đó đang có một số vấn đề về sức khỏe thì chúng tôi chủ động liên hệ với người bệnh.
Hiện bệnh viện thực hiện ứng dụng Dr home để theo dõi sức khỏe. Trong ứng dụng này có đưa ra 20 dấu hiệu có liên quan đến sức khỏe. Qua điện thoại thông minh, người dân xem trên ứng dụng này sẽ biết được tình trạng sức khỏe của mình như thế nào để đi khám bệnh.
Người dân mỗi ngày nên dành từ 15 đến 20 phút để lắng nghe cơ thể thể của mình nói gì vào mỗi buổi sáng. Những dấu hiệu mà chúng tôi đưa ra như: mệt nhiều, đánh trống ngực… Tất cả các bệnh đều có dấu hiệu báo trước, có khi nó lướt qua nên nhiều người không để ý. Ngay cả bệnh đột quỵ cũng vậy, chỉ là điều chúng ta không chịu “lắng nghe”. Do đó, thông điệp của chúng tôi là “người bác sĩ tốt nhất dành cho mỗi chúng ta chính là mỗi chúng ta”.
- Như bác sĩ đã nói, hiện có khoảng 3 đến 5% bệnh nhân hậu COVID-19 có những di chứng. Qua đó cho thấy, đâu là những người có nguy cơ bị các di chứng của hậu COVID-19?
TS.BS Phan Minh Hoàng: Qua khảo sát thực tế trên ứng dụng Dr Home của chúng tôi cho thấy, đối tượng dễ bị di chứng hậu COVID-19 nhất là những người lớn tuổi, người mắc COVID-19 nặng phải điều trị hồi sức, người lao động chân tay…
Những bệnh nhân COVID-19 trẻ tuổi, khỏe mạnh, điều trị tại nhà hay điều trị tại bệnh viện dã chiến gần như không có di chứng của hậu COVID-19; còn những bệnh nhân COVID -19 đều trị ở khoa cấp cứu, hồi sức sau khi xuất viện đều để lại di chứng của hậu COVID-19.
Điều này cũng giống như tổn thương “chiến tranh” càng nặng nề thì hậu quả để càng nặng nề; còn “chiến tranh” chỉ lướt qua thì sẽ không gây ra hậu quả, hoặc rất ít. Vì thế, những bệnh nhân mắc COVID-19 nhẹ, nhất là người trẻ tuổi thì gần như không có di chứng của hậu COVID-19.
Hậu COVID-19 được hiểu là khi bệnh nhân âm tính với SARS-CoV-2, nhưng âm tính không đồng nghĩa với bệnh nhân khỏi bệnh. Âm tính chỉ là bệnh nhân không còn nhiễm COVID-19, chứ không phải người đó đã hết bệnh. Những người có bệnh lý tim mạch, huyết áp được điều trị tốt đều bình thường, ổn định, nhưng khi mắc COVID-19 sẽ vô tình làm bùng phát lên những bệnh lý này.
- Có những dấu hiệu nào để bệnh nhân khỏi COVID-19 biết đó là những di chứng của hậu COVID-19, chứ không phải là bệnh do những tác nhân khác?
TS.BS Phan Minh Hoàng: Để biết mình có phải do di chứng của hậu COVID-19 hay không, bệnh nhân phải theo dõi sức khỏe. Như tôi đã nói ở trên “người bác sĩ tốt nhất dành cho mỗi chúng ta chính là mỗi chúng ta”. Mỗi sáng, chúng ta nên lắng nghe cơ thể của mình. Nếu trước đây chúng ta tập thể dục bình thường, nhưng sau khi mắc COVID-19 cảm thấy sức khỏe mình không bằng, đi bộ tí là mệt, hô hấp giảm… Khi cảm nhận như vậy, người bệnh nên đến bệnh viện để kiểm tra. Các bác sĩ kiểm tra chức năng phổi, chụp phim để đánh giá tổn thương phổi, nếu phát hiện thì sẽ điều trị. Tuy nhiên, cũng có khi bệnh nhân cảm giác ảo về những điều trên, chứ không mắc bệnh gì, đó là do cảm giác lo lắng về di chứng hậu COVID-19.
Bản thân mỗi chúng ta không thể nào biết được các bệnh đó là do di chứng hậu COVID-19 hay do những những tác nhân khác, chỉ có đến bác sĩ khám mới biết chính xác điều đó. Chẳng hạn, nếu bệnh nhân bị rụng tóc, biết đâu năm trước do suy nghĩ nhiều giờ bị stress gây rụng tóc, nhưng cũng có thể do di chứng của hậu COVID-19 gây ra.
Do đó, muốn biết chính xác sau khi khỏi bệnh COVID-19 từ 2 đến 4 tuần hoặc từ 6 đến 8 tuần, khi thấy cơ thể có những dấu khác thường so với lúc trước, bệnh nhân nên đến bệnh viện để khám. Qua khai thác thông tin cùng với xét nghiệm, bác sĩ mới biết chính xác bệnh nhân có phải bị di chứng hậu COVID-19 hay không.
- Như vậy, thời gian bao lâu sau khi bệnh nhân khỏi bệnh COVID-19 thì sẽ chắc chắn không còn di chứng của hậu COVID-19?
TS.BS Phan Minh Hoàng: Sau khi khỏi bệnh COVID-19, từ 2 đến 4 tuần hoặc từ 6 đến 8 tuần tùy theo mức độ lâm sàng, bệnh nhân quay lại tái khám, nếu tất cả đều khỏe mạnh hết, có nghĩa không mắc bệnh gì do hậu COVID-19 gây ra.
Về lâu dài, bệnh nhân có bị di chứng hậu COVID-19 hay không, cần phải có thời gian nghiên cứu. Muốn kết luận chính xác phải ít nhất sau 5 năm bệnh COVID-19 xảy ra. Thực tế hiện nay dịch COVID-19 chỉ mới bùng phát mạnh ở nước ta mới 1 năm nên cần có thời gian dài nghiên cứu.
Nếu qua thời gian điều trị, phát hiện những bệnh nhân bị di chứng hậu COVID-19 kéo dài hơn thời gian trên, chúng ta mới có dữ liệu để khuyến cáo thời gian dài.
Tuy nhiên, hiện chúng ta chỉ mới phát hiện bệnh nhân bị di chứng hậu COVID-19 trong khoảng thời gian từ 6 đến 8 tuần.
- Bệnh nhân sau khi khỏi COVID-19, nếu có di chứng được điều trị thành công thì có trở lại bình thường như trước khi mắc bệnh hay không, thưa bác sĩ?
TS.BS Phan Minh Hoàng: Nếu bệnh nhân có di chứng hậu COVID-19 sau khi điều trị hết thì sẽ trở lại bình thường. Tôi lấy ví dụ, nếu bệnh nhân bị tổn thương hô hấp, sau khi điều trị hết bệnh COVID-19, bệnh nhân quay lại điều trị hô hấp. Để đánh giá có bình thường hay không, các bác sĩ cho bệnh nhân tập các bài tập đánh giá lưu lượng không khí. Nếu khi tập bệnh nhân thở lưu lượng oxy bình thường, thì chứng tỏ bệnh nhân đạt chức năng bình thường,
- Vậy bác sĩ có lời khuyên gì dành cho những bệnh nhân sau khi khỏi COVID-19 hiện nay?
TS.BS Phan Minh Hoàng: Mỗi người dân phải biết ý thức chăm lo sức khỏe của mình, thương yêu mình. Không ai thương mình bằng chính mình, không ai thương cơ thể chúng ta bằng chính chúng ta, không ai hiểu từng nhịp đập, từng hơi thở của cơ thể mình bằng chính mình.
Chính vì vậy, mỗi người dân, trong đó có những người sau khi khỏi bệnh COVID-19, mỗi sáng nên dành 20 phút để lắng nghe cơ thể đang nói gì, gửi những thông điệp gì. Từ đó chúng ta đưa những thông điệp mà cơ thể gửi lên khi gặp những vấn đề sức khỏe để trao đổi với bác sĩ nhằm đưa ra liệu trình điều trị thích hợp, giúp bệnh nhân bình phục nhanh nhất.
Bên cạnh đó, người dân cần phải khám sức khỏe tổng quát định kỳ, với những người trẻ tuổi, có thể khám sức khỏe định kỳ 1 lần/ năm; còn đối với người từ 50 tuổi trở lên mỗi năm nên khám sức khỏe định kỳ 2 lần.
Xin cảm ơn bác sĩ!
Theo thống kê của Bệnh viện Phục hồi chức năng - Điều trị bệnh nghề nghiệp TP.HCM, những di chứng thường gặp của hậu COVID-19 thường là: hô hấp, trầm cảm lo âu, rối loạn giấc ngủ, tim mạch, thần kinh sọ não, xuất huyết não. Đây là những bệnh nguy hiểm nhất có thể gây ra ở hậu COVID-19. Tiếp theo đó là tiêu hóa, nội tiết, thận, da liễu…